Thời gian qua, hoạt động đầu tư công (ĐTC) được đánh giá là đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, đem lại diện mạo mới cho đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn có những công trình sử dụng vốn ĐTC dở dang dẫn tới không phát huy được hiệu quả.
Phóng viên trao đổi với PGS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đại biểu Quốc hội khóa XIV, về các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động ĐTC.
- Nhà nước đã bỏ nhiều tiền vào ĐTC nhưng hiệu quả chưa cao, nguyên nhân vì sao, thưa ông?
PGS. TS. Hoàng Văn Cường: Trước hết, chúng ta thấy rằng ĐTC từ ngân sách Nhà nước phần lớn được dành cho các lĩnh vực về hạ tầng, phúc lợi xã hội, giao thông… Đây thường là các dự án đầu tư dài hạn, không có các tiêu chí đánh giá hiệu quả trực tiếp, nhưng lại có vai trò thu hút, tạo ra các nguồn lực khác nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội. Về mặt chủ quan, vẫn có trường hợp chúng ta lựa chọn những công trình ĐTC chưa phù hợp, không mang lại hiệu quả. Nhiều công trình không nhất thiết phải dùng đến vốn ĐTC nhưng lại vẫn sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước.
Trong bối cảnh nền kinh tế của nước ta tăng trưởng chậm, thu nhập bình quân đầu người còn thấp nên phần tích lũy cho đầu tư phát triển vẫn rất ít. Chính vì vậy, phần lớn các khoản đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phải dựa vào vốn vay từ nước ngoài (ODA) hoặc vay trong nước (thông qua phát hành trái phiếu). Nếu đầu tư hiệu quả sẽ có nguồn thu quay trở lại để trả nợ, ngược lại nếu đầu tư dàn trải thì sẽ dẫn tới thất thoát, không tạo được nguồn thu. Hậu quả là tình trạng gánh nặng trả nợ (gồm cả nợ gốc và lãi) tăng lên trong khi nguồn thu thì không có, đây chính là nghịch cảnh tình trạng nợ công của nước ta trong thời gian qua.
- Hiện nay, việc giải ngân vốn ĐTC của năm 2017 vẫn còn rất chậm. Theo ông vì sao lại có tình trạng này?
PGS. TS. Hoàng Văn Cường: Đã hết 9 tháng năm 2017 nhưng giải ngân vốn ĐTC mới chỉ đạt khoảng 40%. Nếu chúng ta đẩy nhanh tốc độ giải ngân lên thì sẽ theo một “lệ bất thành văn” là đầu năm đủng đỉnh, cuối năm ồ ạt triển khai, dẫn tới chất lượng kém, quản lý lỏng lẻo, không dàn đều. Theo tôi, có ba lý do dẫn tới giải ngân chậm. Đầu tiên là việc các quy định hiện nay có thể đang làm khó cho quá trình ĐTC. Cụ thể về mặt luật pháp, chính sách, thủ tục của chúng ta đang quá rườm rà. Nguyên nhân tiếp theo, đó là sự chậm trễ trong khâu chuẩn bị dự án đầu tư, phê duyệt và giao vốn. Khi kế hoạch ĐTC trung hạn đã có, biết được dự án nào sẽ triển khai, vậy thì chủ đầu tư cần chuẩn bị dự án thật kỹ để được phê duyệt và giao vốn sớm. Cuối cùng, việc giải ngân chậm còn có phần trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân có liên quan đến quá trình triển khai dự án. Nhiều dự án, công trình khi triển khai về mặt thủ tục gặp khó khăn, đến gặp các cơ quan chức năng thì bị trả lại. Điều này cho thấy các quy định về trách nhiệm, sự phối hợp của cơ quan nhà nước với chủ đầu tư liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án vẫn chưa chặt chẽ, còn tùy tiện.
- Để nâng cao hiệu quả ĐTC, theo ông cần có các giải pháp gì?
PGS. TS. Hoàng Văn Cường: Trước hết, cần khắc phục những tồn tại của ĐTC các năm trước đây còn để lại. Cụ thể, cần có định hướng đầu tư đúng, đầu tư vào đâu, vào cái gì, lựa chọn chính xác lĩnh vực đầu tư. Chỉ tiến hành ĐTC đối với những công trình cấp thiết, mang lại tác động lan tỏa đến những hoạt động kinh tế-xã hội và phải có vai trò tạo nền tảng, tạo các tiền đề để thu hút, phát huy các nguồn lực đầu tư xã hội khác. Thứ hai, việc xúc tiến quá trình triển khai đầu tư phải bắt nguồn từ việc lựa chọn người thực hiện triển khai dự án phải là những nhà thầu uy tín, có chất lượng, trình độ và kinh nghiệm. Cần tiến hành quá trình quản lý, giám sát chặt chẽ tất cả các khâu của dự án để tránh thất thoát, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ và các yêu cầu đầu tư. Ngoài ra, hoạt động ĐTC rất cần tạo cơ chế mở để có sự giám sát của cộng đồng, xã hội, chứ không chỉ có một cơ quan chức năng nào được quyền giám sát. Bởi đây là công trình công cộng, tiền thuế của dân bỏ ra thì dân được quyền giám sát. Cuối cùng, để ĐTC có hiệu quả thì không chỉ đơn thuần sử dụng nguồn lực Nhà nước mà còn cần có các chiến lược để kêu gọi, thu hút, kết nối với các nguồn lực từ xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Anh Việt/Báo QĐND (thực hiện)