Thứ Sáu, 22/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 14/10/2017 9:52'(GMT+7)

Tinh gọn bộ máy – bài học từ Quảng Ninh

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Văn Đức

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Văn Đức

Năm 2016, khi lần đầu tiên Quảng Ninh đề xuất nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo Đảng và chính quyền, đã gây “sốc” trong dư luận và không ít ý kiến ra vào, tâm tư… 

* Những kết quả ấn tượng 

Rất nhiều đoàn công tác Trung ương và các bộ, ngành, địa phương về làm việc tại tỉnh Quảng Ninh đều bất ngờ trước những kết quả ấn tượng trong việc tinh giản bộ máy, biên chế của địa phương. Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc, nhận diện rõ những yếu kém, khó khăn về năng lực lãnh đạo; tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo (994 tổ chức hội ở cả 3 cấp, 303 đơn vị sự nghiệp, trong đó trên 70% thụ hưởng ngân sách); đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương ngân sách đông và ngày càng tăng (năm 2014 tổng biên chế hành chính, sự nghiệp tăng hơn 30%), ngay từ đầu năm 2014, Quảng Ninh đã ban hành Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25). 

Với quan điểm tăng cường kiêm nhiệm chức danh, thực hiện khoán biên chế cán bộ, công chức cấp xã, cấp thôn, khoán quỹ hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách và giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách do chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công… thực hiện Nghị định 108/2014/NĐ-CP và Nghị định 26/2015/NĐ- CP, Quảng Ninh đã tinh giản biên chế 499 trường hợp, trong đó nghỉ hưu trước tuổi 477 trường hợp, thôi việc ngay  22 trường hợp. Số giảm do chuyển đổi mô hình không hưởng lương từ ngân sách là 712 trường hợp và số giảm do giao thấp hơn định mức là 686 biên chế; thực hiện giao biên chế thấp hơn 16,6% so với định mức Trung ương giao đối với giáo dục, y tế. Đồng thời, tỉnh giảm 2.178 người (vị trí chưa bố trí) hoạt động không chuyên trách cấp xã so với định mức Trung ương giao; 597 người hoạt động không chuyên trách thôn, bản, khu phố so với định mức. 

Việc bố trí một nhân viên kế toán làm chung cho nhiều trường đã góp phần giảm nhân viên kế toán ở 44 trường; ký hợp đồng với Trạm y tế cấp xã để thực hiện chức năng y tế học đường, làm giảm nhân viên y tế ở 71 trường; bố trí kiêm nhiệm 158 vị trí nhân viên phục vụ (kế toán kiêm văn thư, y tế trường học kiêm thủ quỹ, thư viện kiêm thiết bị thí nghiệm). 

Ngoài ra, khi thực hiện Đề án 25, từ năm 2015, toàn tỉnh không chi trả phụ cấp thường xuyên đối với 18.919 người gồm các đối tượng chi hội trưởng, chi hội phó các thôn, bản, khu phố; tổ trưởng tổ dân, xóm trưởng dân cư; phó thôn, bản, khu phố. Nhờ vậy, số chi thường xuyên tiết kiệm được tăng từ 1.700 tỷ đồng năm 2015 lên 2.664 tỷ đồng năm 2016, dành nguồn lực bố trí cho đầu tư phát triển, đưa tổng chi đầu tư phát triển từ 29,5% tổng chi ngân sách năm 2011 lên 55,9% năm 2016. 

* Nhất thể hóa chức danh lãnh đạo 

Một trong những cách làm được Trung ương đánh giá cao, mang tính đột phá, đó là việc Quảng Ninh xây dựng mô hình “Tinh giản biên chế - nhất thể hóa bộ máy”. Bước đi đầu tiên là nhất thể hóa về chức danh, theo đó lãnh đạo Đảng sẽ kiêm nhiệm giữ chức vụ trong chính quyền. Mô hình nhất thể hóa chức danh này được thực hiện ngay từ năm 2014. Tại đây, Bí thư kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND hoặc Chủ tịch HĐND. 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho hay: Ngay từ đầu Quảng Ninh đã lên kế hoạch làm thí điểm, từng bước đúc kết kinh nghiệm; khi hoàn chỉnh mô hình mới nhân ra diện rộng. Điểm tiên quyết là tiêu chí cán bộ: Có trình độ văn hóa, chuyên môn, chính trị đáp ứng công việc, được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn cuộc sống. Khi bổ nhiệm rồi phải định kỳ giám sát, kiểm tra, tránh chuyện lạm quyền, chuyên quyền, độc đoán khi quyền lực tập trung vào một đầu mối, dễ dẫn đến tha hóa, biến chất. 

Việc tinh giản biên chế được thực hiện theo nguyên tắc “một tổ chức nhiều chức năng, một người làm nhiều việc”, do đó không chỉ số lượng biên chế giảm, mà chất lượng đội ngũ cán bộ cũng đã được nâng lên. Những người còn “trụ lại” trong bộ máy phải cố gắng rất cao để hoàn thành chức trách nhiệm vụ, nỗ lực hết sức để học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt. 

Theo báo cáo, Quảng Ninh đã thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND tại 7/14 huyện, 75/186 xã; Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND tại 2/14 huyện, 76/186 xã. Tỉnh cũng đã sắp xếp giảm 4 đơn vị sự nghiệp; 107 phòng, đơn vị, đầu mối. Có 12/14 huyện thực hiện Cơ quan tham mưu giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; thực hiện dùng chung bộ phận tài chính, phục vụ cho các Ban xây dựng đảng của Tỉnh ủy. 

Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện kiêm nhiệm chức danh Trưởng ban Tuyên giáo cấp huyện kiêm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị tại 13 huyện, Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ tại 8 huyện; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra tại 9 huyện; Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch MTTQ; Phó Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị; Trưởng phòng Y tế kiêm Giám đốc Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình... 

Việc nhất thể hóa các chức danh và sáp nhập một số đơn vị ở Quảng Ninh đã bảo đảm được ba mục tiêu: Tinh giản bộ máy, bảo đảm sự giám sát của nhân dân đối với các tổ chức đảng và đảng viên, tiết kiệm nguồn lực và sự đóng góp của nhân dân. 

Phó Bí thư Thị ủy Đông Triều Hoàng Văn Thắng cho biết, khi hợp nhất cơ quan Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra, quy trình xử lý cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật nhanh gọn hơn. Đáng chú ý, việc phát hiện các dấu hiệu vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức kịp thời, có tác dụng tích cực trong ngăn chặn các biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên như vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực hay bổ nhiệm người thân, người nhà không đủ tiêu chuẩn... Mô hình hợp nhất MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã khắc phục được tình trạng nhiều tổ chức, đoàn thể cùng tham gia xử lý một việc dẫn đến sự chồng chéo, không hiệu quả, dễ gây ra mâu thuẫn. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nhất thể hóa bộ máy, chức danh lãnh đạo là vô cùng khó vì động chạm vào quyền lợi của rất nhiều người, nhưng Quảng Ninh đã quyết tâm thực hiện, lược bỏ được những cán bộ năng lực kém mà không để xảy ra mâu thuẫn, khiếu kiện, chứng tỏ sự nỗ lực, đoàn kết và nhiệt huyết rất cao của cả hệ thống chính trị ở địa phương. 

Thực tiễn ở Quảng Ninh và một số địa phương khác đang học tập mô hình của Quảng Ninh cho thấy, nhất thể hóa một số chức danh là hướng đi đúng, khả thi nhất hiện nay nhằm hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về tinh giản bộ máy, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức; hoàn thiện thể chế chính trị ở Việt Nam. Việc nhất thể hóa khi diễn ra sẽ củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, tạo điều kiện để việc đưa các vấn đề do Đảng quyết định đi vào đời sống được nhanh chóng hơn. 

Gần đây nhất, trong chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị để bắt kịp với đổi mới kinh tế trong tình hình mới; Tổng Bí thư nhất trí, đổi mới hệ thống chính trị từ việc thực hiện Nghị quyết 19 và Đề án 25 của tỉnh, nhưng phải làm chắc chắn, thận trọng, bài bản./. 

Đỗ Bình/TTXVN 

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất