Nhiều dấu hiệu bất thường
- Thưa ông, tác động biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng sâu tới những tỉnh, thành nào ở VN?
- Hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long (ĐB SCL) sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất, đặc biệt ĐB SCL, là những tỉnh thành ven biển, do có địa hình thấp và hiện tượng nước biển lấn sâu vào đất liền.
Nếu như kịch bản nước biển dâng 1m, 10 tỉnh, thành vùng ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng. Theo đó, hệ lụy giảm diện tích sản xuất nông nghiệp, giảm năng suất, sản lượng và kéo theo thu nhập người dân giảm; tác động tiêu cực tới đất đai suy thoái, nạn thất nghiệp, di dân.
Dựa vào các mô hình toán học và các kịch bản của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC), các nhà khoa học phỏng đoán, vùng ĐBSCL và các đồng bằng khác đối mặt khá nhiều vấn đề. Cụ thể hàng năm, từ tháng 1 đến tháng 4 xảy ra hiện tượng khô nóng, thiếu nước, gió chướng, nhiễm mặn, hạn - phèn đầu vụ, sấm sét; từ tháng 5 đến tháng 6 hạn; tháng 7, tháng 8 lũ sớm; tháng 9, tháng 10 lũ, sạt lở, mưa, triều cường; tháng 11, tháng 12 bão, lạnh.
- Ông có thể cho biết những bất thường diễn ra gần đây do tác động của Biến đổi khí hậu?
Những kịch bản khác nhau về biến đổi khí hậu đã được xây dựng nhưng đều có những điểm chung: nắng nóng hơn, mùa mưa đến sớm, nước biển ăn sâu vào. Từ tháng 3 năm nay, mùa khô trong vùng ĐBSCL tiếp tục hiện tượng khác thường: nắng nóng, nhiệt độ tăng cao ban ngày. Tuy nhiên, bất chợt xảy ra một vài cơn mưa trái mùa cục bộ ở một vài tỉnh ven biển.
Theo số liệu ghi nhận từ cơ quan chuyên môn, lưu lượng nước trên sông Tiền, sông Hậu ở ĐB SCL vào mùa khô kiệt cách đây 30 năm là 2.500 m3/giây, nhưng tới năm 2006 chỉ còn 1.600 m3/giây, giảm 36%. Do nước ngọt từ thượng nguồn về ít nên mặn đẩy ngọt vào sâu trong đất liền 60 – 70 km.
Vào mùa mưa, trong những năm qua thường đến sớm, kéo dài và kết thúc muộn, chứ không còn theo quy luật của mấy chục năm trước. Trong năm 2007, 2008, mùa mưa kéo dài mãi đến tháng 12 và tháng 1 năm sau, muộn hơn mấy năm trước hơn 1 tháng. Năm nay tháng 4 đã nhiều trận mưa trái mùa và tháng 5 lượng mưa đã nhiều. Mùa lũ cũng có độ trễ, đỉnh lũ thường xuất hiện muộn. Hàng năm, đỉnh lũ xuất hiện vào cuối tháng 9 đầu tháng 10, thì từ năm 2006 tới giữa tháng 10 mới xuất hiện đỉnh lũ. Tình trạng mưa kéo dài, lũ về đạt đỉnh muộn và trùng vào lúc triều cường hàng tháng khiến cho vùng hạ lưu nhiều nơi bị ngập.
Nông dân nghèo chịu ảnh hưởng lớn
- Trong các kịch bản về biến đổi khí hậu, người nông dân luôn chịu ảnh hưởng lớn nhưng báo cáo gần đây của Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết chỉ khoảng 5% người dân biết sơ sơ về biến đổi khí hậu?
|
Trong vòng 50 năm trở lại đây, mực nước biển tại Việt Nam đã tăng lên 50cm, lượng mưa cũng tăng vào mùa mưa và giảm vào mùa khô. |
Đúng vậy, nông dân chịu ảnh hưởng rất lớn và họ không hề biết gì về các bài toán ứng phó biến đổi khí hậu mà chính phủ tính. Họ chỉ biết rằng, mùa màng thất bát, rủi ro nhiều, đất cằn khô…
Trước tiên là vụ lúa Hè thu ở nước ta, từ tháng 4 đến tháng 8 sẽ chịu nhiều ảnh hưởng: tháng 4 bắt đầu cày ải cần nước rất nhiều từ 10-20 cm, nhưng lại gặp khô hạn đầu vụ, rủi ro trong tương lai khi hạn gia tăng, mưa giảm, chi phí bơm tưới sẽ tăng. Tháng 5 sạ cấy cần nước trung bình 5-10 cm. Tháng 6 lúa nở bụi, chồi nách cần nước gia tăng dần từ 2-10 cm, nhưng lúc này thường gặp rủi ro, lượng mưa giảm, hạn bà chằn. Tháng 7 lúa trổ bông cần nước nhiều 10 cm. Tới tháng 8 vào giai đoạn cuối vụ lúa xanh, chín, nước giảm dần 5-10 cm, trong khi mưa lại gia tăng ảnh hưởng tới năng suất.
Trong tương lai, tổng lượng mưa Hè thu từ 15 tháng 5 đến 15tháng 6 sẽ giảm, hạn đầu vụ sẽ gay gắt hơn, lượng mưa giảm dưới từ 5% đến trên 35% và phân bố bất lợi cho sản xuất. Vùng ven biển mưa giảm, khả năng mặn xâm nhập gia tăng. Vùng có nhiệt độ trên 37oC trở lên mở rộng. Số ngày nóng trên 40oC vào mùa hè nhiều hơn. Diện tích ngập lũ sẽ mở rộng vào năm 2030, nhưng số ngày ngập lũ ở vùng đầu nguồn sẽ giảm và tăng ở khu vực hạ lưu. Tác động này sẽ gây ảnh hưởng tới vùng nuôi tôm ở Bạc Liêu, Cà Mau.
Đặc biệt, nhiều trận mưa trái mùa vào tháng 4 năm nay khiến bà con diêm dân (người làm muối) trắng tay.
1965 tỷ có ứng phó được không, còn tùy...
- Với số tiền lớn 1965 tỷ dành cho chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, theo ông có đủ?
- Đủ hay không, ứng phó được hay không cũng còn tùy. Nếu nhờ thêm được sự hỗ trợ từ chuyên gia và các nguồn vốn nước ngoài chung sức và có một cách làm căn cơ thì chắc chắn có thể đạt được mục tiêu. Nên có sự tính toán và từng bước đi thận trọng chứ đừng mang tính chất "trình diễn". Nếu không có biện pháp căn cơ thích hợp thì số tiền dù lớn cũng có thể dễ dàng như cát lọt qua kẽ tay, dần rơi rụng cả.
Hiện nay chúng ta hội họp, hội thảo hơi nhiều về biến đổi khí hậu mà chưa tìm cách ứng phó cụ thể, rõ ràng. Và đặc biệt, rất hiếm hội thảo dành cho nông dân, người dân chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu để nghe, hiểu người chịu ảnh hưởng nhiều nói và nói cho họ hiểu những biện pháp khắc phục, ứng phó.
- Viện nghiên cứu biển đổi khí hậucó cách nào giúp người dân có thể chủ động hơn trong việc ứng phó BĐKH?
Trước hết, chúng tôi sẽ sớm chuyển tải những thông tin liên quan về biến đổi khí hậu cùng với những đề xuất giảm nhẹ thiên tai để chính quyền và người dân các tỉnh ĐBSCL am hiểu, có những hành động cộng đồng thích nghi tích cực.
Một số tỉnh khu vực ĐB SCL như TP. Cần Thơ, tỉnh Trà Vinh đã đặt hàng Viện nghiên cứu cách ứng phó cho địa phương mình, điều này cho thấy nhiều tỉnh thành đã có những bước tiến chủ động hơn khi chúng ta phải xác định không thể tránh biến đổi khí hậu, chỉ có thể giảm nhẹ và tìm cách ứng phó.
- Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn TP.Cần Thơ thống kê từ năm 2004-2007, đỉnh triều cường trên sông Hậu tại TP.Cần Thơ mỗi năm cao thêm 4 cm. Riêng năm 2007, triều cường đạt đỉnh 2,03 m, trong lúc TP.Cần Thơ chỉ cao hơn mực nước biển 0,6-0,8 m, gây nên tình trạng ngập lụt diễn ra thường xuyên ở một số tuyến đường phố trung tâm TP.Cần Thơ. Theo cơ quan này, có thể trong vòng 20 năm tới, đến năm 2030, đỉnh triều cường sông Hậu tại Cần Thơ có thể cao thêm 0,8-1 m và cả thành phố sẽ ngập chìm trong nước.
- Sự nóng lên toàn cầu là nguyên nhân chính gây nên biến đổi khí hậu. Đối chiếu, so sánh năm 1979, hơn 20% mảng băng ở Bắc cực đã bị tan mất. Theo một nghiên cứu khác, ở dãy Hymalaya - nơi được xem là “cội nguồn” của các thác nước ở châu Á, thể tích và diện tích băng đá cũng giảm đi đáng kể, từ đó ảnh hưởng tới chế độ thủy văn của các con sông châu Á. Bên cạnh đó, nhiệt độ trái đất gia tăng xấp xỉ 0,50C trong hai thập kỷ gần đây do phát triển công nghiệp thải ra nhiều các-bon, mê-tan làm cho trái đất khô hạn ở nhiều vùng. Phạm vi các sa mạc, hoang mạc mở rộng. |
(Theo VietNamNet)