(TG) - Tỉnh Bình Định ưu tiên bố trí ngân sách các cấp cho công tác PCTT, TKCN&PTDS, trong đó tập trung mua sắm bổ sung các phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác.
Bình Định cần tăng cường đầu tư nâng cao năng lực cho các lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, nhất là lực lượng trực tiếp làm công tác này tại cơ sở.
Theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, Ủy viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác Trung ương với tỉnh Bình Định về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai.
Tại buổi làm việc, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT, TKCN&PTDS) tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đã hoàn thành công tác chuẩn bị xây dựng các dự án theo Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 8/1/2022 về việc phân bổ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2021; giải ngân trên 19,7 tỷ đồng.
Tỉnh đã hỗ trợ khắc phục thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp bằng nguồn ngân sách địa phương 12,5 tỷ đồng; tiếp tục đề xuất hỗ trợ nhằm khôi phục sản xuất sau mưa lũ bất thường vào tháng 3 với kinh phí 8 tỷ đồng. 12 dự án khu tái định cư đã được tỉnh đầu tư xây dựng và hoàn thành giai đoạn 2016 - 2020, hiện đang tiếp tục hỗ trợ, vận động nhân dân đến nơi ở mới.
Thực hiện Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Sở NN&PTNT đang nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh triển khai Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; trong đó, đặc biệt chú trọng người dân thuộc các vùng ngập lũ, sạt lở đất trong năm 2021 thuộc các huyện: Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn và TP. Quy Nhơn.
Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS tỉnh Bình Định kiến nghị với đoàn công tác Trung ương về việc nâng cấp, tăng dung tích phòng lũ các hồ chứa nước lớn để cắt lũ, giảm ngập lụt, bảo đảm an toàn dân cư và cơ sở hạ tầng vùng hạ du (hồ Định Bình, hồ Núi Một). Lắp đặt hệ thống trực canh, cảnh báo, giám sát thiên tai chuyên dùng theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Sớm cho triển khai xây dựng và mở rộng khẩu độ thoát lũ Cầu Đen, Cầu Trắng 2, cầu Nước Xanh, cầu Đồng Xiêm trên QL 19; nâng độ cao mặt QL 19 đoạn Km 17+250 xã Nhơn Hòa và làm thông thoáng đường công vụ qua các cầu cống trên quốc lộ.
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đề nghị tỉnh Bình Định cần tăng cường đầu tư nâng cao năng lực cho các lực lượng làm công tác PCTT, TKCN&PTDS các cấp, nhất là lực lượng trực tiếp làm công tác này tại cơ sở.
"Tỉnh Bình Định ưu tiên bố trí ngân sách các cấp cho công tác PCTT, TKCN&PTDS, trong đó tập trung mua sắm bổ sung các phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với các nước trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn", Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu.
Ngoài ra, ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ viễn thám, đầu tư trang thiết bị công nghệ quan trắc, theo dõi, giám sát, công cụ hỗ trợ phục vụ chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bảo đảm an toàn, hiệu quả nhất. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từng bước triển khai đầu tư nâng cao năng lực PCTT, TKCN&PTDS nhằm đạt được yêu cầu, tiến độ…
Trang Minh