Năm 1827 Philippe Vandermaelen (1795-1869), nhà Địa lý học kiệt xuất, thành viên Hội Địa lý Paris (1) xuất bản bộ Atlas Thế giới (Atlas Universel de Géographie (physique, Politique, Statistique et Minéralogique) gồm 6 tập: 1- Châu Âu, 2- Châu Á, 3- Châu Phi, 4- Bắc Mỹ, 5- Nam Mỹ, 6- Châu Úc với 7 bản đồ chung của các châu lục, 381 bản đồ chi tiết, 40 trang bảng thống kê và nhiều thông tin về địa lý tự nhiên, chính trị, khoáng sản của các quốc gia.
Như giới thiệu ở bìa trong, Philippe Vandermaelen vẽ bộ bản đồ này dựa theo những tấm bản đồ tốt nhất thế giới lúc đó, cùng những thông tin từ quan sát thiên văn hay những chuyến du hành ở nhiều nơi trên trái đất và được vẽ thống nhất theo tỷ lệ 1/1641836, kích thước 53,5x37cm. Đây là những tấm bản đồ thế giới đầu tiên được vẽ trên cùng một tỷ lệ, có cùng kích thước, theo phương pháp hình chiếu nón và cũng là bộ bản đồ đầu tiên trên thế giới được in li-tô (kỹ thuật in tiên tiến nhất cũng mới xuất hiện trước đó vài chục năm). Những bản đồ này còn có thể được ghép lại thành quả địa cầu có đường kính 7,755m. Bộ bản đồ của Philippe Vandermaelen thực sự là một cột mốc đánh dấu giai đoạn phát triển trội vượt cuả công nghệ vẽ và in bản đồ hiện đại ở đầu thế kỷ XIX. Chính vì thế mà ngay từ khi mới hoàn thành Atlas Thế giới đã trở nên hết sức nổi tiếng, được khai thác sử dụng ở khắp các châu lục và càng ngày càng trở thành tài sản chung của mọi người quan tâm trên phạm vi toàn thế giới (2).
|
Tấm thứ 98 Partie de la Chine (Một
phần của Trung Quốc), xác nhận ranh giới cực nam
của Trung Quốc cũng
đồng thời là ranh giới cực nam của đảo Hải Nam nằm ở phía trên vĩ tuyến
18. |
Bản đồ các nước Châu Á được xếp chủ yếu trong tập hai của bộ Atlas với 111 tờ bản đồ của hầu hết các quốc gia Châu Á đương thời, (riêng các quốc đảo ở khu vực Đông Nam Á lại được xếp vào tập sáu, châu Đại Dương). Việt Nam hay Đế chế An Nam (Empire d’Annam) khi đó được giới thiệu thông qua 4 tấm bản đồ: Tờ số 97 mang tên Tonquin chủ yếu về khu vực Bắc Kỳ; tờ số 110 mang tên Partie de Camboge chủ yếu về khu vực Nam Kỳ; tờ số 105 mang tên Camboge et Anam, trong đó phần phía Đông của tờ này chủ yếu là khu vực Trung Kỳ đất liền và tờ số 106 mang tên Partie de la Cochinchine là khu vực Trung Kỳ duyên hải, biển và hải đảo.
Partie de la Cochinchine vẽ liền một mảnh rộng ngang khổ giấy A3, thể hiện đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 (khu vực tương đương với tỉnh Khánh Hòa hiện nay, mà trên bản đồ có địa danh BINK-KANG (Bình Khang) và NHIATRANG (Nha Trang) đến vĩ tuyến 16 (khu vực tương đương với tỉnh Quảng Nam hiện nay, mà trên bản đồ ở phía ngoài bờ biển có địa danh CHAMPELLA (Cù Lao Chàm). Phía ngoài khơi, PARACELS (Hoàng Sa) được vẽ khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng từ vĩ độ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111(3). Quần đảo PARACELS trong bản đồ có các đảo Pattles, Duncan ở phía tây; Tree và Lincoln, Rocher au dessus de l’eau (Bãi đá ngầm) ở phía đông và Triton ở phía tây nam, ngay dưới vĩ độ 16; Investigateur ở sâu xuống phía nam khoảng vĩ độ 14,5 và đường đánh dấu phạm vi biển nông hay dải cát nằm ở độ sâu từ 5 đến 10 mét còn kéo dài đến vĩ độ 14, ngang với QUIN HONE (Quy Nhơn) nằm ở phía trong đường bờ biển.
Bên cạnh khu vực được xác định là PARACELS, bản đồ có một bản giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam (Empire d’An-nam), bao gồm các nội dung Physique (tự nhiên), Politique (chính trị), Statistique (thống kê) và Minéralogique (khoáng sản).
Tiếp liền Partie de la Cochinchine ở phía trên là tấm số 98 mang tên Partie de la Chine trong khoảng vĩ độ 18-21 và kinh độ 106-114 vẽ khu vực Canton (Quảng Đông) và đảo Hải Nam (Hainan) khẳng định một cách hết sức rõ ràng biên giới cực nam của Trung Quốc là vị trí cực nam của đảo Hải Nam, nằm ở phía trên vĩ độ 18.
Cũng thống nhất với các khu vực khác trên thế giới, tấm bản đồ chung về khu vực châu Á xác định vị trí cụ thể của từng bản đồ chi tiết. Tấm thứ 97Tonquin được xếp trước và ngang liền với tấm thứ 98 mang tên Partie de la Chine. Người xem bản đồ có thể thấy đường biên giới rất rõ ràng của Trung Quốc với Tonquin ở tấm 97 chạy liền mạch sang tấm 98 bao lấy đường bờ biển và đảo Hải Nam, không xuống dưới vĩ tuyến 18. Tấm thứ 105 Camboge et Anam được xếp dưới liền với tấm số 97 và ngang liền với nó là tấm số 106 Partie de la Cochinchine. Phía dưới liền với tấm số 105 là tấm 110 mang tên Partie de Camboge vẽ về khu vực Nam Bộ của Việt Nam và ngang liền với nó là khu vực quần đảo được đánh dấu bằng cái tên B.du.P.de Galles, nhưng không thể hiện thành bản đồ chi tiết và như thế bộ Atlas Thế giới của Philippe Vandermaelen chưa có bản đồ chi tiết về khu vực này (4).
Tất cả các bản đồ của Trung Quốc từ thập kỷ đầu thế kỷ XX trở về trước cũng hoàn toàn thống nhất với bản đồ phương Tây không hề vẽ lãnh thổ cực nam của Trung Quốc vượt xuống dưới vĩ độ 18 (5). Điều này không chỉ phản ánh tính khách quan, chuẩn xác của Atlas Thế giới, mà còn góp phần làm tăng thêm giá trị minh chứng chủ quyền của Việt Nam ở Paracels đã được thể hiện trong Partie de la Cochinchine.
|
Tấm thứ 106 Partie de la Cochinchine
(Một phần của Đàng Trong), xác nhận Paracel
nằm ở phía dưới vĩ tuyến
17, là bộ phận hữu cơ không thể tách rời của Đế chế An Nam (nước Việt
Nam). |
Bắt đầu từ thế kỷ XVI đã có một số bản đồ phương Tây vẽ về khu vực Đông Ấn có đánh dấu địa danh Pracel hay Paracels (Hoàng Sa) ở giữa Biển Đông và khu vực bờ biển phía tây Pracel hay Paracels (tương đương với bờ biển miền Trung Việt Nam) được quan niệm là Costa de Paracel (bờ biển Hoàng Sa) nói lên mối quan hệ về chủ quyền của Vương quốc Champa và của Đàng Trong (Cochinchine) thời chúa Nguyễn đối với các quần đảo giữa Biển Đông.
Bước sang thế kỷ XVII và nhất là thế kỷ XVIII, trong bối cảnh phát triển bùng nổ của thương mại và công nghệ bản đồ, sự hiểu biết của người phương Tây về khu vực Biển Đông cũng cụ thể và sâu sắc hơn, nhiều bản đồ đã thể hiện rõ ràng hơn vị trí, đặc điểm địa lý và mối quan hệ chủ quyền của Paracels với khu vực Đàng Trong. Tuy vậy, có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết các bản đồ này vẫn vẽ các quần đảo giữa Biển Đông là một dải đảo và vẫn xếp các quần đảo này vào chung khu vực Đông Ấn hay Đông Nam Á.
Phải đến đầu thế kỷ XIX, khi Vương triều Nguyễn được thành lập với sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa (bao gồm cả Trường Sa) một cách đầy đủ, thật sự theo đúng nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ được phương Tây thừa nhận và ca ngợi (6), bản đồ phương Tây mới chính thức xác nhận quần đảo Paracels nằm trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và thuộc về nước Việt Nam.
Trước đây chúng ta đã phát hiện và giới thiệu An Nam đại quốc họa đồ của Giám mục Jean Louis Taberd năm 1838, trong đó có vẽ 9 dấu chấm nhỏ tượng trưng cho khu vực được đánh dấu là PARACELS Seu Cát Vàng (Paracels hay là Cát Vàng). Mặc dù vẫn biết đây là bản đồ vẽ toàn bộ đế chế An Nam trong một cái nhìn tổng thể và việc đánh dấu được vị trí của Paracels ở trong đó là vô cùng quý giá, nhưng nếu muốn nghiên cứu về Paracels và chủ quyền của Việt Nam ở Paracels một cách rõ ràng, cụ thể thì phải tham khảo thêm các tài liệu khác, trong đó có bài luận của chính Jean Louis Taberd viết năm 1837(7). Partie de la Cochinchine trong bộ Atlas Thế giới của Phillipe Vandermaelen không chỉ đã đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu nhận thức này, mà còn là một sự bảo đảm bằng vàng cho sự chính xác của An Nam đại quốc họa đồ.
Partie de la Cochinchine thuộc số rất ít bản đồ tính cho đến những thập kỷ đầu thế kỷ XIX đã vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Bản đồ đặt trong khu vực Cochinchine (Đàng Trong, mà người phương Tây lúc đó dùng để chỉ khu vực miền Trung Việt Nam) là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của Đế chế An Nam, đã minh chứng một cách đầy đủ, rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa ít nhất vào những thập kỷ đầu thế kỷ XIX, khi bộ bản đồ được xây dựng và xuất bản. Tấm bản đồ Cochinchine sau khi được nghiên cứu và đánh giá một cách khách quan khoa học, đặt trong mối quan hệ với bản đồ của các quốc gia khu vực xung quanh Biển Đông được thể hiện trong tập châu Á và châu Đại Dương; so sánh đối chiếu với các nguồn tư liệu bản đồ, thư tịch cổ của Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây khác xuất hiện trong khoảng những thập kỷ đầu thế kỷ XIX thì chắc chắn nó có giá trị kiểm chứng, làm tăng thêm giá trị khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa của chính bản đồ này và toàn bộ hệ thống bản đồ, tư liệu mà chúng ta đã tập hợp được.
Cũng cần phải nói thêm ở đây là Partie de la Cochinchine thông qua phương pháp vẽ bản đồ khoa học và hiện đại, đã đánh dấu một cách chính xác vùng các đảo ven bờ như Cham Collac ou Champella (Cù Lao Chàm), P. Canton ou Cacitam (Cù Lao Ré)… và phân biệt một cách hết sức rạch ròi với quần đảo Hoàng Sa ở giữa Biển Đông, mà bất cứ những ai có tâm thần và trí tuệ bình thường đều không thể nhầm lẫn được. Partie de la Cochinchine là bản đồ có tính chuẩn xác cao lại được chính thức xuất bản sớm (từ đầu thế kỷ XIX), không chỉ khẳng định một cách mạnh mẽ, tuyệt đối chính xác chủ quyền của Việt Nam ở Paracels (Hoàng Sa), mà còn có đủ cơ sở vững chắc để bác bỏ một cách triệt để lối giải thích mập mờ, tùy tiện, mà thực chất là lợi dụng xuyên tạc của một số học giả Trung Quốc rằng Paracels hay Hoàng Sa, Trường Sa chỉ là các đảo ven bờ (như Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré...), còn Tây Sa, Nam Sa của Trung Quốc mới là các đảo ở giữa biển, không có liên quan gì đến Paracels hay Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX trở về trước(8).
Bộ Atlas Thế giới của Philippe Vandermaelen nói chung và Partie de la Cochinchine nói riêng xét trên mọi khía cạnh đều có thể được coi là một tài liệu vô giá không chỉ giúp nâng cao giá trị khoa học chuẩn mực của công cuộc tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo, mà còn là một bằng chứng hùng hồn, đích thực, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam./.
GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc - Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam
Ths. Nguyễn Thị Hải - Đại học Paris VII, Pháp
----------------------------------
(1) Đến đầu năm 1829, ông trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Hoàng gia các nhà Khoa học và Mỹ văn Vương quốc Bỉ. Năm sau, 1830 ông sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bruxelles. Năm 1836 ông được tặng Huân chương Léopold của Hoàng gia Bỉ. Ông cũng là thành viên của nhiều tổ chức khoa học khác tại Vương quốc Bỉ cũng như quốc tế.
(2) Theo chúng tôi được biết bộ Atlas này hiện nay vẫn còn được lưu giữ tại nhiều kho sách hay thư viện của các viện nghiên cứu và trường đại học thuộc nhiều nước châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Cuối tháng 4 và đầu tháng 5 vừa qua, chúng tôi cùng các cộng tác viên cũng có cơ hội được trực tiếp khảo sát, nghiên cứu 1 bộ ở trường Đại học Y Paris; 2 bộ (1 bộ rời và 1 bộ đóng thành 6 tập) ở Thư viện Quốc gia Paris; 1 bộ đóng thành 6 tập ở Thư viện Viện Địa lý Hoàng gia Bruxelles và 2 bộ (1 bộ rời và 1 bộ đóng thành 6 tập) ở Thư viện Hoàng gia Bruxelles; 1 bộ đóng thành 6 tập ở Hiệu sách cổ Sanderus, số 32 Nederkouter, thành phố Gent nước Bỉ. Ngoài ra nhiều trường Đại học, Viện nghiên cứu, Thư viện và nhiều Hiệu sách cổ ở Đức, Hàn Lan, Pháp, Mỹ... đều có thông tin lưu giữ bộ Atlas Thế giới của Philippe Vandermaelen. Đặc biệt, năm 2009 Studio kỹ thuật số của Thư viện Đại học Princeton (Mỹ) đã triển khai dự án số hóa bộ Atlas Thế giới và đến năm 2011 đã đưa lên mạng cho tất cả những người quan tâm trên toàn thế giới khai thác và sử dụng.
(3) So với bản đồ Thế giới hiện nay thì đường vĩ tuyến trong bộ Atlas Thế giới hoàn toàn trùng khít, đường kinh tuyến lệch khoảng 2 độ (thí dụ Hải Khẩu, đảo Hải Nam, Trung Quốc trong bản đồ hiện nay là 110 độ, nhưng trong bộ Atlas Thế giới là 108 độ). Sự sai lệch này không chỉ khẳng định độ chuẩn xác của bản đồ mà còn xác nhận tính nguyên gốc của nó, vì Atlas Thế giới của Philippe Vandermaelen lấy kinh tuyến Paris (Pháp) làm chuẩn. Đường kinh tuyến Greenwich (Luân Đôn, nước Anh) lần đầu tiên được dùng để vẽ bản đồ biển vào năm 1871 và được thống nhất sử dụng để vẽ bản đồ Thế giới từ năm 1884. Hai hệ thống này lệch nhau 2 độ 20 phút 14 giây.
(4) Cũng như một số khu vực khác, khi chưa có thông tin đầy đủ và chính xác thì Phillipe Vandermaelen thường để trống với hy vọng có thể bổ sung sau. Trước đây bản đồ phương Tây thường vẽ toàn bộ các quần đảo giữa Biển Đông thành một dải đảo như hình con dao, đặt tên chung là Paracels và có phân biệt khá rạch ròi giữa I. Paracel (quần đảo Paracel) với Baxos de Paracel (Bãi ngầm Paracel), nhưng đều xác nhận nó có mối quan hệ chủ quyền với khu vực Champa hay Cochinchina (tức Đàng Trong hay miền Trung của Việt Nam). Đến đầu thế kỷ XIX, những bản đồ tiên tiến nhất đã vẽ tách quần đảo Paracel với quần đảo Spratly thành những vùng riêng cách xa nhau, nhưng lại chưa xác định được một cách cụ thể là Spratly thuộc về vùng nào trong lãnh thổ của Đế chế An Nam.
(5) Bản đồ Trung Quốc có thể tham khảo Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (1904); Đại Thanh đế quốc vị trí khu hoạch đồ... Bản đồ phương Tây có đến hàng trăm bản đồ vẽ về đế chế Trung Hoa nói chung, khu vực tỉnh Quảng Đông nói riêng hay các nước trong khu vực Đông Ấn có biên giới với Trung Quốc mà đường biên giới đất liền và biên giới biển được phân định rất rõ ràng. Ranh giới biển của Trung Quốc từ nhà Thanh trở về trước chưa bao giờ vượt xuống dưới vĩ tuyến 18. Có một sự kiện được cả Thế giới quan tâm là vào tối ngày 28 tháng 3 năm 2014, nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức của Chủ tịch nước Trung Quốc, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tặng cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc thời nhà Thanh do nhà bản đồ học người Pháp Jean Baptiste Bourguignon (1697-1782) vẽ và in tại Đức năn 1735, mà bất cứ ai nhìn vào tấm bản đồ này cũng có thể thấy ở phía dưới đảo Hải Nam không có bất cứ một dấu hiệu nào chứng tỏ có đảo hay biển thuộc phạm vi lãnh thổ hay lãnh hải của nhà Thanh. Tất cả các tấm bản đồ phương Tây khác đều vẽ thống nhất như thế này, thậm chí còn chỉ ra một cách chính xác tuyệt đối rằng biên giới truyền thống của Trung Quốc chưa bao giờ vượt quá vĩ tuyến 18. Thông điệp của Thủ tướng Đức Angela Merkel là các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay không nên quên ranh giới của nước Trung Hoa do tổ tiên, ông cha họ đã tạo dựng trong suốt trường kỳ lịch sử. Sự nhầm lẫn hay thiếu hiểu biết sẽ dễ dẫn đến nguy cơ phá vỡ trật tự, thậm chí gây hỗn loạn toàn cầu.
(6) Thí dụ Jean Louis Taberd cho biết: “Quần đảo Pracel hay Paracels là một khu vực chằng chịt những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát... Những người dân xứ Đàng Trong gọi khu vực đó là Cồn Vàng. Mặc dù rằng hình như loại quần đảo này chỉ có độc những tảng đá ngầm mà không có gì khác, và độ sâu của biển hứa hẹn những điều bất tiện hơn là sự thuận lợi, nhưng nhà vua Gia Long vẫn nghĩ rằng ông ta đã tăng cường được quyền thống trị lãnh thổ của mình bằng sự sáp nhập tội nghiệp đó. Vào năm 1816, nhà vua đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và đã chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc chắn là sẽ không có một ai tìm cách tranh giành với ông ta".
Và đây là nhận xét của M.A Dubois Jancigny:"Chúng tôi chỉ muốn nhận xét rằng đã từ 34 năm nay, (từ 1816 đến 1850), quần đảo Paracels (mà những người An Nam gọi là Cát Vàng), thật là một chốn mê cung chằng chịt những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát thật sự đã làm những người đi biển kinh hãi và chỉ có thể kể đến trong số những địa điểm hoang vu cằn cỗi nhất của địa cầu, quần đảo do đã bị các người xứ Đàng Trong chiếm giữ. Chúng tôi không rõ họ đã có đặt một cơ sở nào không (có thể với mục đích là bảo vệ công việc đánh cá), nhưng chắc chắn rằng nhà vua Gia Long đã chủ tâm đính thêm đoá hoa độc nhất vô nhị đó vào chiếc vương miện của ông, bởi vì ông đã xét thấy cần thiết phải đi tới việc đích thân chiếm giữ lấy quần đảo đó, và chính vì thế mà năm 1816 ông đã long trọng kéo lá cờ xứ Đàng Trong lên mảnh đất đó"....
(7) Bản đồ đã vẽ tương đối chính xác vị trí của Paracels nằm ở phía trên vĩ độ 16 và kinh độ 111. Bên trong đường viền mép dưới bản đồ còn có dòng chữ: Longitude Easte from Greenwich (Kinh tuyến Đông từ Greenwich, (Luân Đôn, nước Anh)). Việc có thêm một dòng chữ tiếng Anh này hẳn cũng lưu ý người sử dụng bản đồ cần tìm hiểu thêm về tính nguyên gốc của văn bản này. Theo chúng tôi An Nam đại quốc họa đồ được Jean Louis Taberd vẽ năm 1838 theo kinh tuyến Paris, (cơ bản thống nhất với bài luận viết năm 1837 cho hay Paracel bắt đầu ở khoảng kinh độ 107 Đông Paris), nhưng đến khoảng cuối thế kỷ XIX được chỉnh theo kinh tuyến Greenwich. Đây chỉ là thay đổi đường kinh tuyến từ hệ Paris sang hệ Greenwich, mà không có ảnh hưởng gì đến các vị trí cụ thể trong tấm bản đồ được vẽ năm 1838. Độ xác thực của tấm bản đồ vì thế cũng không có gì thay đổi.
(8) Đới Khả Lai (Đại học Trình Châu, Hà Nam, Trung Quốc), Hàn Chấn Hoa (Đại học Hạ Môn, Phúc Kiến, Trung Quốc) từ đầu những năm 1980 chủ trương có 2 giai đoạn nhận thức về Paracel: Từ giữa thế kỷ XIX trở về trước thì Paracel chỉ là các đảo ven bờ như Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, còn từ giữa thế kỷ XIX trở lại đây mới quan niệm vị trí của Paracel như hiện nay. Vu Hướng Đông (Đại học Trình Châu, Hà Nam, Trung Quốc) trong luận án tiến sĩ bảo vệ tại Đại học Hà Môn (Phúc Kiến, Trung Quốc) năm 2008 còn muốn đi xa hơn các bậc tiền bối của mình, cho rằng Hoàng Sa chỉ là Cù Lao Ré (vì ở Cù Lao Ré có đội Hoàng Sa) và Trường Sa chỉ là dải bãi cát Đại Trường Sa, Tiểu Trường Sa ở bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay?. Đây là sự xuyên tạc một cách quá lộ liễu mà chỉ cần đọc Partie de la Cochinchine một cách nghiêm túc cũng có đủ cơ sở để vạch trần chân tướng và bác bỏ một cách triệt để. Cũng cần phải nói rõ thêm là Trung Quốc tự cho rằng họ có chủ quyền lâu đời ở Tây Sa (tức Hoàng Sa theo cách gọi Việt Nam hay Paracel theo cách gọi phương Tây), nhưng trên thực tế, đến năm 1909 họ mới bắt đầu chính thức đặt chân lên quần đảo này, tự cho mình là kẻ khai sơn, phá thạch và đặt tên mới cho đảo là Tây Sa (mà không biết (hay cố tình không biết) là từ cuối thế kỷ XV, người Việt Nam đã gọi đây là Hoàng Sa (Bãi Cát Vàng), đã xác lập chủ quyền với tư cách nhà nước ít nhất từ đầu thế kỷ XVII và đã thực thi chủ quyền trong điều kiện hòa bình, không có tranh chấp nhiều thế kỷ liên tục, được chính người Trung Quốc đương thời và các nước phương Tây thừa nhận).