Thứ Hai, 16/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 15/10/2013 22:33'(GMT+7)

Bộ Chính trị gặp mặt các cán bộ cấp cao nghỉ hưu

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các đại biểu. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các đại biểu. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; các vị nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bí thư Trung ương Đảng , nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng và các vị từng giữ các chức vụ tương đương.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết, và đại diện lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng cùng dự.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo 3 chuyên đề. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Lê Hồng Anh, trình bày báo cáo về “Những công việc mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian qua.”

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung báo cáo về “Tình hình kinh tế-xã hội 3 năm 2011-2013 và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014.”

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn báo cáo về “Tình hình đối ngoại, quốc phòng và an ninh năm 2013.”

Sau khi nghe báo cáo, một số đại biểu dự hội nghị đã phát biểu ý kiến trao đổi, thảo luận.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu ý kiến, cảm ơn và chúc sức khỏe các vị nguyên là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Tổng Bí thư nêu rõ những cuộc gặp mặt như thế này là hết sức cần thiết và được tiến hành thường xuyên hàng năm nhằm cung cấp tới các vị nguyên là cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước những thông tin chính thống, đầy đủ về tình hình thực tiễn của đất nước, về những công việc Trung ương, Bộ Chính trị đang làm; đồng thời lắng nghe những ý kiến đóng góp, tâm tư nguyện vọng của các vị nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Trân trọng lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến việc thực hiện mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng, công tác lãnh đạo của Đảng về đối ngoại, quốc phòng an ninh, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.

Về đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 3 năm qua, Tổng Bí thư nêu rõ, đánh giá đúng thì mới có giải pháp đúng, mà muốn đánh giá đúng cần có phương pháp đúng, cần có cái nhìn toàn diện, cụ thể, đa chiều, căn cứ vào mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra và thực trạng tình hình với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật; không thể căn cứ vào mong muốn để đánh giá. Đại hội XI đưa ra một tư tưởng rất mới, một bước chuyển hết sức quan trọng, đó là chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ phát triển nhanh sang chú trọng bền vững, đồng thời bảo đảm công bằng xã hội, tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

Tổng Bí thư nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, trong nước gặp nhiều khó khăn, các hội nghị Trung ương gần đây đều xác định ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Căn cứ vào mục tiêu ấy để đánh giá, kiểm điểm, rõ ràng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu và đã đưa kinh tế đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực, đúng hướng trên các lĩnh vực.

Nổi bật nhất là đã kiềm chế được lạm phát và cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ 18,13% năm 2011 giảm xuống khoảng 7% năm 2013. Hoạt động của hệ thống các tổ chức tài chính-tín dụng an toàn, ổn định hơn; mặt bằng lãi suất giảm dần. Dự trữ ngoại hối tăng, tỷ giá ổn định. Tăng trưởng bình quân GDP thấp hơn so với những năm trước, nhưng trong tình hình khó khăn chung đó là một sự cố gắng lớn. Về xã hội, tỉ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm, các gia đình có công với cách mạng được quan tâm, chăm lo. Các lĩnh vực thông tin truyền thông, văn hóa, y tế, giáo dục tiếp tục được quan tâm. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, vị thế đất nước được nâng cao.

Về công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư nêu rõ, ngay sau Đại hội XI, Trung ương đã ban hành và triển khai thực hiện một loạt nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị, công tác dân vận, đổi mới phương thức lãnh đạo, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, với mong muốn tạo ra bước chuyển biến mới, rõ nét hơn... Qua thực hiện, đã có bước đổi mới về phong cách, phương thức lãnh đạo, tăng cường kiểm tra đôn đốc, giải quyết, xử lý các vụ việc sau kiểm điểm, lấy phiếu tín nhiệm, hoàn thiện cơ chế chính sách...

Tổng Bí thư nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, quan trọng, lâu dài, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng cần tiếp tục thực hiện kiên trì, bền bỉ, đồng thời với giữ vững ổn định để phát triển kinh tế-xã hội.

Về quốc phòng an ninh, Tổng Bí thư nhấn mạnh nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổng Bí thư mong muốn các đại biểu, với kinh nghiệm công tác lâu năm trên nhiều lĩnh vực, với tâm huyết và trách nhiệm với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, sẽ tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến quý báu, giúp Trung ương làm tốt công tác tư tưởng, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong nhân dân, là tấm gương sáng cho các thế hệ học tập, noi theo./.

Nguyễn Sự (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất