(TG) - Chiều ngày 31/3, tại Hà Nội, Bộ Công thương công bố nội dung về kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Thông tin tại Họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021-2022 của EVN cho thấy, giá thành sản xuất điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành 167,82 đồng (giá điện hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh). Điều này dẫn tới, năm 2022, EVN đã lỗ hơn 26.235 tỷ đồng.
Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN được thực hiện bởi Đoàn kiểm tra bao gồm đại diện của các bộ, cơ quan, hiệp hội có liên quan: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Theo đó, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) năm 2022 của EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
Đồng chí Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN trao đổi tại họp báo. (ảnh DP).
Trao đổi tại họp báo, đồng chí Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, với khoản lỗ lớn như vậy, việc cân đối tài chính của EVN rất khó khăn. Vì thế EVN đã đề xuất, trình Bộ Công Thương, các cấp có thẩm quyền, Chính phủ điều chỉnh giá điện.
Năm 2022, EVN đã đề ra và triệt để thực hiện các giải pháp quản trị, quyết liệt tiết kiệm và cắt giảm chi phí, vận hành tối ưu hệ thống điện để phát tối đa nguồn thủy điện... nhưng chi phí đầu vào sản xuất điện tăng khá cao. Chỉ số giá than, khí, dầu, đặc biệt than tăng hơn 3 lần, có thời điểm tăng 4-5 lần… Đó là nguyên nhân lớn nhất khiến chi phí sản xuất điện tăng cao.
Đồng chí Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương thông tin tại họp báo. (ảnh DP)
Liên quan đến việc tăng giá điện, đồng chí Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho hay, theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg về Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, sẽ căn cứ vào thông số đầu vào. Nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Ngược lại, trường hợp khi thông số đầu vào biến động làm cho giá bán điện bình quân giảm so với mức hiện hành thì giá điện cũng được điều chỉnh giảm.
Nếu giá bán điện bình quân tăng 3-5% so với mức giá hiện hành, EVN được quyết định điều chỉnh giá; mức giá bán lẻ bình quân tăng từ 5% đến dưới 10% thì thẩm quyền thuộc Bộ Công Thương và tăng từ 10% trở lên thì sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến.
Trong thời gian qua, EVN đã xây dựng những phương án để điều chỉnh giá điện và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã rà soát, kiểm tra các phương án của EVN và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Tổng chi phí khâu truyền tải điện năm 2022 là 16.854,57 tỷ đồng. (ảnh minh họa)
Kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp, gồm:
- Báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam;
- Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của EVN, báo cáo tài chính do đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán của Công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên;
- Hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện;
- Tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, phụ trợ và quản lý ngành.
|
Duy Phong