Mặc dù thị trường hàng hóa trong tháng 2 tương đối ổn định với tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ đạt 186,5 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8% so với tháng 1 và tăng 20,3% so với tháng 2/2011. Tính chung 2 tháng đầu năm đạt 380,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,0% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 2 tháng chỉ tăng 4,4%). Tuy nhiên, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường vẫn được đẩy mạnh, đặc biệt là việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu và giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như giá gas, giá sữa.
Theo TTXVN, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết như vậy tại cuộc họp báo giao ban thường kỳ tháng 2/2012 do Bộ này tổ chức chiều 5/3 tại Hà Nội.
Theo ông Quyền, đối với mặt hàng xăng dầu Bộ đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Cùng đó, Bộ đang tiếp tục rà soát các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Thông tư số 36/2009/TT-BCT ngày 14 tháng 12 năm 2009 ban hành quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu để tăng cường trách nhiệm quản lý chất lượng xăng dầu của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Hơn nữa, Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính rà soát để sửa đổi và kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến kinh doanh xăng dầu (giá, chi phí lưu thông, hoa hồng đại lý...) phù hợp với tình hình thực tế; rà soát chính sách, pháp luật về quản lý từ nhập khẩu đến sản xuất, lưu thông các hóa chất là phụ gia, dung môi hòa tan vào xăng nhằm hạn chế tối đa việc gian lận thương mại làm ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường.
Ngoài ra, với mặt hàng gas Bộ đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là chiết nạp gas lậu, vi phạm về giá trong kinh doanh gas để lập lại trật tự thị trường gas, đáp ứng quyền lợi người tiêu dùng; Nghiên cứu, phối hợp giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội Gas Việt Nam và doanh nghiệp kinh doanh LPG đầu mối về chính sách tỷ giá ngoại tệ phục vụ nhập khẩu gas, về vấn đề đấu giá gas sản xuất nội địa theo hướng cạnh tranh, minh bạch.
Cùng việc tăng giá gas, giá sữa trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức tiêu thụ của người dân: Giá gas tăng cao, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng các loại bếp điện, bếp khác, kéo theo tình trạng gas chiết lậu, gas giả, kém chất lượng; Giá sữa tăng, người tiêu dùng ở một số vùng nông thôn giảm lượng sữa sử dụng hoặc chuyển sang các loại sữa có giá thấp hơn nên hoạt động kinh doanh của các đại lý, cửa hàng kém sôi động hẳn.
Trước tình hình thông tin về xăng dầu và gas gây xôn xao trên thị trường, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã ban hành các văn bản chỉ đạo lực lượng QLTT địa phương tăng cường tổ chức kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh vi phạm quy định về chất lượng xăng dầu và gas, giải quyết dứt điểm các trường hợp bán lẻ xăng không đúng qui định. Vì vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Cục đã kiểm tra và xử lý 3.421 trường hợp (trong đó 2.228 trường hợp kinh doanh xăng dầu, 1.193 kinh doanh gas), phát hiện xử lý 769 vụ vi phạm (trong đó 501 vụ vi phạm hành chính xăng dầu, 268 vụ vi phạm hành chính về gas), đã xử phạt 3.597.920.000 đồng (trong đó vi phạm về kinh doanh xăng dầu 2.561.720.000 đồng, tước quyền giấy phép kinh doanh 14 trường hợp, vi phạm về kinh doanh gas, xử phạt 1.036.200.000 đồng).
Đáng chú ý, nhân “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP” năm 2012 với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết dân tộc và các Lễ hội”, Cục QLTT đã chỉ đạo tới các Chi cục QLTT một số tỉnh, thành phố như Lạng Sơn, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa...tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là thời điểm nhiều lễ hội đang diễn ra tại nhiều địa phương; Phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý trong dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ vận tải, dịch vụ ăn uống, nghỉ trọ, các hành vi thu đổi, buôn bán ngoại tệ và vàng bạc trái pháp luật. Theo đó, lực lượng QLTT đã kiểm tra 9.302 vụ, xử lý 4.691 vụ vi phạm (trong đó 693 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 549 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng; 2.650 vụ kinh doanh trái phép và 799 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá) với số thu 9.68 tỷ đồng (trong đó phạt vi phạm hành chính 7,49 tỷ; trị giá hàng tịch thu là 2,16 tỷ và truy thu thuế là 20,36 triệu đồng)./.
TG