Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức bỏ việc đánh giá hạnh kiểm của học sinh theo bốn mức: Tốt, khá, trung bình và yếu vốn được coi là nặng nề trong quy định hiện hành.
Theo quy định của Thông tư 22 về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, khoản 6, Điều 20 quy định giáo viên chủ nhiệm sẽ phải thông báo riêng cho cha mẹ học sinh về quá trình, kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.
Thông tư cũng chính thức bỏ việc đánh giá hạnh kiểm của học sinh theo bốn mức: Tốt, khá, trung bình và yếu vốn được coi là nặng nề và chưa chuẩn xác trong quy định hiện hành.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, học sinh được đánh giá hạnh kiểm “căn cứ vào biểu hiện cụ thể về thái độ và hành vi đạo đức; ứng xử trong mối quan hệ với thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công nhân viên, với gia đình, bạn bè và quan hệ xã hội; ý thức phấn đấu vươn lên trong học tập; kết quả tham gia lao động, hoạt động tập thể của lớp, của trường và của xã hội; rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường; kết quả nhận xét các biểu hiện về thái độ, hành vi của học sinh đối với nội dung dạy học môn Giáo dục công dân."
[Bộ GD-ĐT thay đổi cách đánh giá, xếp loại học sinh bậc THCS và THPT]
Theo Thông tư 22, nhà trường sẽ chỉ được đánh giá về kết quả rèn luyện và kết quả học tập. Trong đó, kết quả rèn luyện của học sinh được đánh giá “căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học quy định trong Chương trình tổng thể và yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù quy định trong Chương trình môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông.”
Thông tư cũng quy định giáo viên chủ nhiệm bên cạnh việc căn cứ các quy định trên để theo dõi quá trình rèn luyện và học tập của học sinh còn phải “tham khảo nhận xét, đánh giá của giáo viên môn học, thông tin phản hồi của cha mẹ học sinh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình giáo dục học sinh; hướng dẫn học sinh tự nhận xét, trên cơ sở đó nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh.”
Việc đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh được quy định theo các mức: Tốt, khá, đạt và chưa đạt.
Theo các chuyên gia giáo dục, đây là những thay đổi tiến bộ, mang tính nhân văn trong Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 5/9/2021 và thực hiện theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với cấp trung học. Cụ thể, từ năm học 2021-2022 áp dụng Thông tư này đối với lớp 6; từ năm học 2022-2023 áp dụng tiếp cho lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 thực hiện với lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024-2025 thực hiện với hai lớp còn lại là lớp 9 và lớp 12./.
Theo VN+