Trải qua 70 năm xây dựng, phát triển, chiến đấu và chiến thắng, dưới
sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, được sự đùm bọc và nuôi dưỡng
của nhân dân, sự đoàn kết, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kế thừa và phát
huy truyền thống quân sự của dân tộc, vừa chiến đấu vừa xây dựng, Quân
đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đi từ nhỏ đến lớn, càng
đánh càng mạnh, càng đáng càng thắng lớn.
Quân đội ta ngay từ những ngày đầu đã được nhân dân tin tưởng, yêu mến và gọi với cái tên trìu mến "Bộ đội Cụ Hồ".
70 năm qua, "Bộ đội Cụ Hồ" là hiện thân của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Nhân cách "Bộ đội Cụ Hồ" là biểu hiện cao đẹp của truyền thống "việc binh là việc nhân nghĩa".
"Bộ đội Cụ Hồ" - đội quân kiểu mới của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chăm sóc của nhân dân đã đánh bại các đội quân xâm lược tinh nhuệ của các đế quốc to, làm nên kỳ tích của thế kỷ XX.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các đơn vị nữ thông tin và nữ quân y đã tham gia Lễ duyệt binh ngày 1/5/1973.
Nhân dân lao động 54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam từ Bắc tới Nam, từ miền xuôi đến miền ngược đều là cha mẹ của bộ đội, đều góp công góp sức xây dựng hình tượng cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ" trở thành hình mẫu của con người mới Việt Nam.
"Bộ đội Cụ Hồ" trong quá trình chiến đấu đã thể hiện bản chất cách mạng và truyền thống cách mạng của mình với những đặc trưng nổi bật:
Sống có lý tưởng, có mục đích, trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân là phẩm chất cao quý nhất của "Anh bộ đội Cụ Hồ".
Bộ đội Cụ Hồ chiến đấu dũng cảm và mưu trí, dám đánh, biết đánh và biết thắng. Tinh thần quyết chiến quyết thắng đã trở thành cốt cách của người chiến sĩ quân đội qua các cuộc chiến tranh. Tinh thần quả cảm, gan dạ, trí thông minh và tài sáng tạo của "Bộ đội Cụ Hồ" đã xây dựng nên cách đánh độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. "Bộ đội Cụ Hồ" không chỉ có lòng dũng cảm vô song mà còn có trí tuệ, nắm được quy luật và hành động theo quy luật. Mở đầu cuộc kháng chiến, quân ta chỉ có "bao gạo, súng trường", "chân đất mũ nan", đã dám dùng bom ba càng chạy bộ đón đường, dùng lựu đạn để phá xe tăng địch. Đến cuối cuộc chiến tranh, người lính đã biết lái máy bay phản lực, điều khiển tên lửa, lái xe tăng đánh giặc. Kế thừa truyền thống quân sự quý báu của tổ tiên, tư tưởng và nghệ thuật quân sự của quân đội ta là lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn, lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng quân địch có số lượng đông, lấy yếu chống mạnh về vật chất kỹ thuật, lấy trang bị ít hơn và kém hiện đại hơn thắng vũ khí kỹ thuật tối tân của quân địch. Quân đội ta luôn luôn đề cao yếu tố con người, "Người trước súng sau", "không chủ quan khinh địch", "thắng không kiêu, bại không nản". Nghệ thuật quân sự tiên tiến của Quân đội nhân dân Việt Nam, của "Bộ đội Cụ Hồ" là một sáng tạo lớn của quân và dân ta.
"Bộ đội Cụ Hồ" có truyền thống gắn bó máu thịt với nhân dân, quân với dân một ý chí. Mỗi người lính dù ở hoàn cảnh nào cũng thực hiện lời Bác dạy: "Phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Khi mình chưa đến thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc". Người coi mối quan hệ quân dân như cá với nước. Trong chiến tranh, "Bộ đội Cụ Hồ" hy sinh thân mình để bảo vệ dân, trong hòa bình thì giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo.
Mỗi đơn vị quân đội dù đóng quân ở đâu cũng trở thành những điểm sáng văn hóa, trở thành "trường học" của thanh thiếu niên địa phương.
Bộ đội Cụ Hồ luôn đoàn kết, cán bộ, chiến sĩ bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, thương yêu giúp đỡ nhau, trên dưới đồng lòng thống nhất ý chí và hành động. Với đồng đội, đồng chí, bộ đội Cụ Hồ đoàn kết thương yêu như ruột thịt, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi. Tình đoàn kết trong nội bộ quân đội được xây dựng trên tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí, đồng đội, cùng chung lý tưởng và mục đích chiến đấu. Đó là tình cảm "Phụ tử chi binh", trên dưới một lòng, sống chết có nhau, vui buồn có nhau, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể.
Bộ đội Cụ Hồ có truyền thống tốt đẹp là kỷ luật tự giác nghiêm minh. Truyền thống đó được thể hiện ở tính tự giác cao trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mỗi quân nhân, trong chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên ở bất kỳ điều kiện nào. Quân đội ta đã rèn luyện, xây dựng được nếp sống có kỷ luật, trở thành thói quen khi thực hiện nhiệm vụ và ý thức đấu tranh kiên quyết để chống mọi hành vi vô tổ chức, vô kỷ luật. Điều đó trở thành lối sống cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.
Bộ đội Cụ Hồ luôn có tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, cần kiệm xây dựng quân đội, xây dựng đất nước, tôn trọng và bảo vệ của công.
Với bạn bè quốc tế, Bộ đội Cụ Hồ đoàn kết, thủy chung son sắt, chí nghĩa chí tình. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân đội ta luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, đoàn kết chặt chẽ với nhân dân và quân đội các nước anh em, với các dân tộc bị áp bức, các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Bản chất và truyền thống quý báu này hình thành và phát triển trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dân tộc vẻ vang và nghĩa vụ quốc tế.
Ngày nay, truyền thống đó càng được phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bản chất và truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" trước kia, ngày nay cũng như sau này không thể thay đổi, vì quân đội ta bao giờ cũng là quân đội nhân dân, do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo; quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Quân đội đó đã được Bác Hồ trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, xây dựng, giáo dục và rèn luyện. Có thể nói "Bộ đội Cụ Hồ" là một nét văn hóa quân sự nổi bật trong nền văn hóa dân tộc, là một biểu tượng cao đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nguồn: TTXVN