Tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường ở
tất cả các độ tuổi đều tăng so với năm học trước, trong đó trẻ nhà trẻ
đạt tỷ lệ 23,4 % (tăng 0,4%); trẻ mẫu giáo đạt tỷ lệ 87,1 % (tăng 0,6%).
Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt tỷ lệ 99,3%.
Đối với Giáo dục phổ thông: Các
Sở GD-ĐT đã tăng cường chỉ đạo có hiệu quả nhiều giải pháp để tiếp tục
giảm tỷ lệ học sinh yếu, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi. Trong kỳ thi tốt
nghiệp THPT, các vi phạm của thí sinh trong kỳ thi đã giảm rất nhiều.
Tỷ lệ các bài thi đạt điểm trung bình trở lên ở các môn thi đạt khoảng
80%. Tổ chức thành công Olympic Hóa học lần thứ 46 tại Việt Nam năm 2014
(IChO 2014) từ ngày 21-29/7/2014 ở Hà Nội.
Tỷ lệ tốt nghiệp của hệ THPT là 99,02% (tăng 0,05% so với năm 2013), trong đó đỗ loại khá, giỏi đạt 23,33% (tăng 5,48%),
Tỷ lệ tốt nghiệp của hệ GDTX là 89,01% (tăng 10,93% so với năm 2013), trong đó đỗ loại khá, giỏi đạt 3,9% (tăng 0,06%).
Giáo dục thường xuyên: Mô
hình hoạt động của trung tâm GDTX được tiếp tục củng cố, phát triển
theo hướng mỗi huyện có một trung tâm thực hiện nhiều nhiệm vụ dạy văn
hóa kết hợp với dạy nghề và hướng nghiệp. Nhìn chung, tỷ lệ người biết
chữ ở độ tuổi từ 15 trở lên tăng hơn năm học trước. Tuy nhiên, một số
tỉnh có điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội khó khăn thì tỷ lệ người mù
chữ vẫn còn cao như: Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Sóc Trăng,
Long An,...
Giáo dục chuyên nghiệp: Nhiều
địa phương tích cực chỉ đạo việc rà soát mở ngành, chương trình đào
tạo, đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Công tác bồi
dưỡng nghiệp vụ sư phạm (tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi trung cấp
chuyên nghiệp cấp trường và cấp tỉnh tiến tới Hội thi giáo viên dạy giỏi
toàn quốc vào năm 2015 tại Đà Nẵng), triển khai chuẩn nghiệp vụ sư phạm
giáo viên TCCN được áp dụng phổ biến ở các địa phương. Một số trường
mạnh dạn mở các khóa đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp ngắn hạn đáp ứng nhu
cầu đào tạo kỹ năng để chuyển đổi việc làm và giảm thất nghiệp. Đề án
ngoại ngữ 2020 đối với giáo dục chuyên nghiệp được triển khai ở một số
địa phương nhưng còn rất chậm, thiếu chỉ đạo của các sở GDĐT.
Các Sở GD-ĐT đã chủ động thực hiện công
tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định và xử lý nghiêm các
vi phạm trong tuyển sinh và tổ chức đào tạo TCCN, cấp phát văn bằng. Tuy
nhiên, còn nhiều địa phương làm chưa tốt công tác mở ngành đào tạo do
cán bộ xử lý còn thiếu năng lực, khi mở ngành chưa chú ý đến nhu cầu
nhân lực, điều kiện đảm bảo chất lượng và buông lỏng việc kiểm tra, kiểm
soát chất lượng sau khi được mở ngành.
Giáo dục vùng dân tộc, vùng khó khăn và giáo dục hòa nhập:
Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán
trú, dự bị đại học dân tộc tiếp tục được củng cố, phát triển về quy mô,
mạng lưới. Tổ chức thành công Hội thi thể thao học sinh khuyết tật toàn
quốc lần thứ V tại Thái Nguyên, Hội thi VHTT học sinh các trường phổ
thông dân tộc nội trú toàn quốc./.
Theo VOVnews