Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh đồng chủ trì hội nghị.
Với hơn 300 đại biểu là đại diện các bộ ngành, nhà khoa học, giảng viên của các cơ sở giáo dục ĐH, Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp quan tâm tới nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trên cả nước, hội nghị được coi như một “hội nghị Bình Than” nhằm mục đích hiến kế, tìm các giải pháp khả thi để phát triển KH-CN trong các cơ sở ĐH.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, chuyển giao KH-CN phải dựa trên nền tảng khoa học cơ bản. Hiện thời gian, sức lực của các trường ĐH đang dành cho đào tạo, nên dù biết vai trò của KH-CN nhưng các trường vẫn chưa quan tâm. Đây là thực trạng đáng báo động.
“Nếu các trường không quan tâm nghiên cứu khoa học thì không thể tự chủ, không thể phát triển bền vững. Đầu tư cho KH-CN tuy tốn kém nhưng mới tạo được thương hiệu của nhà trường, mới thu hút được sinh viên giỏi, giảng viên giỏi”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ.
Sự thật, nếu không đầu tư cho KH-CN thì đến một thời điểm nào đó, trường sẽ đi xuống. Không có một trường ĐH nào phát triển bền vững nếu không quan tâm nghiên cứu khoa học.
“Trường ĐH không thể chỉ đầu tư các phòng thí nghiệm hoành tráng, mà phải nghiên cứu KH. Không phải cứ phải chờ có trung tâm nghiên cứu, nhiều nhà khoa học giỏi mới tổ chức nghiên cứu khoa học”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu quan điểm.
Thực tế, trước khi hội nghị này diễn ra, một nhóm nghiên cứu độc lập do PGS-TS Vũ Văn Tích - Trưởng ban KH-CN của Đại học Quốc gia Hà Nội làm trưởng nhóm đã thực hiện một cuộc khảo sát, đánh giá hoạt động KH-CN trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2011 – 2016.
“Qua khảo sát cho thấy, nghiên cứu khoa học ở các trường còn quá èo uột. Vì vậy, Bộ GD-ĐT thống nhất với Bộ KH-CN cần phải có một hội nghị để các trường ĐH hiến kế cho vấn đề này. Những vấn đề gì mà bộ có thể giải quyết ngay thì giải quyết, còn không thì báo cáo lên Quốc hội, Chính phủ để có chính sách kích hoạt phát triển KH-CN Việt Nam nói chung, KH-CN ở các trường đại học nói riêng”, ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục, mục tiêu của chúng ta là làm sao để ĐH Việt Nam phải tiếp cận được thị trường, tiếp cận được thế giới. Muốn thế, bản thân các trường, nhất là lãnh đạo trường phải thực sự quan tâm đến nghiên cứu khoa học, phải tháo gỡ những nút thắt ngay chính trong nội bộ của mình.
“Chính sách để phát triển KH-CN rất mênh mang, nhưng dường như lãnh đạo các trường chưa cập nhật, chứ đừng nói đến triển khai. Có những vấn đề thuộc về chính bản thân nhà trường chứ không phải là vấn đề môi trường. Chỉ 20% giảng viên ĐH có trình độ tiến sĩ, vậy thì làm khoa học thế nào được khi mà đội ngũ như vậy? Đầu tư cho KH-CN đại học quá thấp, muốn được cá to thì phải có cần câu tốt. Các trường không thể ra đại dương nếu chỉ nhìn vào ngân sách nhà nước. Trên thế giới, không có một ĐH nào thành công về KH-CN nếu chỉ nhìn vào tiền đầu tư của nhà nước. Vậy trách nhiệm của các trường ĐH ở đâu? Đó là điều phải làm rõ”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, điểm yếu hiện nay không phải là cơ chế chính sách mà là tư duy của các trường.
“Trường ĐH không nên sợ chuyển sang nghiên cứu mà là song song, cần một quá trình, vừa đào tạo vừa nghiên cứu. Vấn đề hiện nay là thay đổi tư duy của các trường, của lãnh đạo các trường. Trường ĐH không thể suốt ngày chỉ lo tuyển sinh, quy chế đào tạo, mà phải là nghiên cứu khoa học”, Bộ trưởng thẳng thắn.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ KH-CN và GD-ĐT giai đoạn 2017-2025.
Mục tiêu là đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nâng cao năng lực KC-KH, phát triển và chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực KH-CN thúc đẩy liên kết giữa các cơ sở giáp dục ĐH, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp.
Một trong nội dung hợp tác đáng chú ý nhất là tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực KH-CN cho các cơ sở giáo dục ĐH; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh. Hình thành một số cơ sở giáo dục ĐH định hướng nghiên cứu có thứ hạng cao trong khu vực…
PHAN THẢO/SGGP