Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 1056/QĐ – BGTVT về việc giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án 6 làm chủ đầu tư bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; khẩn trương thực hiện việc giao, nhận hồ sơ và các tài liệu liên quan của bước nghiên cứu tiền khả thi đã thực hiện và tận dụng tối đa trong quá trình nghiên cứu, khẩn trương lập và hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi trình Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét phê duyệt, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo; chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng và pháp luật về tiến độ, chất lượng hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi.
Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 117,5 km, được đầu tư với quy mô 4 làn xe phân kỳ, bề rộng nền đường 17m. Tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng.
Dự án được chia làm 3 dự án thành phần, gồm: dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km32+000) với chiều dài khoảng 32,7 km cơ bản trên địa bàn địa phận tỉnh Khánh Hòa được giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 5.632 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2 (Km32+000 - Km69+500) với chiều dài khoảng 37,5 km trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, có tính chất phức tạp về địa hình, nhiều công trình cầu và hầm trên tuyến, phải xây dựng khung chính sách GPMB trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự án thành phần này do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km117+866) với chiều dài khoảng 48,5 km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 6.485 tỷ đồng.
Việc đầu tư dự án nhằm hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 938 ha. Số hộ ảnh hưởng là 771 hộ, số hộ tái định cư là 593 hộ. Theo lộ trình đặt ra, dự án sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2027.
Ban QLDA 6 được yêu cầu tận dụng tối đa kết quả nghiên cứu ở bước nghiên cứu tiền khả thi để lập báo cáo nghiên cứu khả thi, sớm trình Bộ GTVT phê duyệt.
Việc đầu tư dự án nhằm hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải.
Qua đó tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại./.
Thanh Xuân