(TG) - Bộ Giao thông Vận tải vừa có Công điện yêu cầu các đơn vị của ngành tập trung đối phó với mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và hoàn lưu bão số 6.
Các đơn vị của ngành giao thông đã tập trung nhân vật lực và thiết bị để đảm bảo hạn chế thấp nhất về thiệt hại do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và hoàn lưu bão số 6 gây ra.
Đây là nội dung được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra trong Công điện số 26/CĐ-BGTVT gửi các đơn vị trong ngành và Sở Giao thông Vận tải các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên về tập trung đối phó với mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và hoàn lưu bão số 6.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Đài thông tin Duyên hải tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của hoàn lưu bão số 6, thường xuyên cập nhật, xử lý thông tin và thông báo kịp thời diễn biến cho tàu thuyền biết để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.
Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải hướng dẫn tàu thuyền biết tình hình để không đi vào vùng nguy hiểm, phối hợp với phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương trong việc hướng dẫn nơi neo đậu, tránh trú an toàn và có các biện pháp đảm bảo an toàn về người, phương tiện khi có tình huống xảy ra.
Cục Hàng hải chỉ đạo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam điều động các tàu SAR đến chốt ở các vị trí dự kiến có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất và chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị chủ động thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, các công trình thoát nước luôn thông thoát, hệ thống báo hiệu đầy đủ, rõ ràng; công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ và đảm bảo giao thông thông suốt, phải đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình; cần đặc biệt chú ý các hạng mục thi công dưới nước, các công trình ở miền núi hay có lũ quét đột xuất.
Các đơn vị đường bộ tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực để chủ động khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra trên các tuyến Quốc lộ; kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu phao, các khu vực đường xung yếu, các cầu yếu... để kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất.
Tổng cục Đường bộ cũng chỉ đạo Cục quản lý đường bộ 2, 3 và 4 chủ trì, phối hợp với các Sở Giao thông Vận tải, các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở... kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí này, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông cho người, phương tiện trên các tuyến Quốc lộ.
Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thuỷ lợi, hồ chứa nước...
Trong khi đó, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đôn đốc các đơn vị quản lý đường thủy nội địa kịp thời sửa chữa, bổ sung phao tiêu, biển báo bị hư hỏng do mưa, lũ gây ra; kiểm kê, rà soát phương tiện phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn như tàu, thuyền, ca nô, phao, bè, đảm bảo sẵn sàng ứng cứu; yêu cầu các phương tiện thủy khi neo đậu ở vùng cửa sông đề phòng nước lũ dâng cao trên các sông thuộc khu vực miền Trung...
Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không, Công ty Bay dịch vụ hàng không theo dõi chặt chẽ diễn biến của hoàn lưu bão số 6 để điều chỉnh kế hoạch hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp và đảm bảo an toàn tuyệt đối, đối với hoạt động bay; chủ động phòng, chống, rà soát thống kê các trang thiết bị, chằng néo, neo đậu tàu bay tại Cảng hàng không, đảm bảo công tác bay an toàn trong mọi tình huống và có biện pháp bảo vệ các công trình nhà ga, kho hàng...để hạn chế thiệt hại do hoàn lưu bão gây ra.
Các Sở Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, Cục quản lý đường bộ và các đơn vị quản lý và sữa chữa đường bộ, đường sắt... tiến hành khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra, tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông khắc phục hậu quả bước 1 trên các Quốc lộ ủy thác và đường địa phương, phối hợp điều hành việc vận tải, tăng bo hành khách và hàng hoá... ngay khi lũ rút.
Trước đó, trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, lúc 10 giờ ngày 11/10, bão số 6 đã đi vào đất liền các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Từ nay đến ngày 13/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh/thành Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi từ 300-500mm, có nơi trên 500mm; các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Kon Tum từ 100-200mm, riêng Quảng Bình có nơi trên 300mm./.
Việt Hùng