(TCTG) - Ngày 5/1- đúng vào thời điểm còn 643 ngày nữa là đến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, Bộ Ngoại giao và thành phố Hà Nội đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phối hợp triển khai các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội giai đoạn 2009-2010. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường và Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã ký Thoả thuận hợp tác này. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chứng kiến lễ ký kết.
Theo thỏa thuận hợp tác, Bộ Ngoại giao sẽ lập kế hoạch tuyên truyền, quảng bá và vận động UNESCO công nhận khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội là di sản văn hóa thế giới; vận động UNESCO ra Nghị quyết kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo, hướng dẫn các Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có nhiệm vụ triển khai một số hoạt động tuyên truyền, quảng bá về Thăng Long-Hà Nội, các hoạt động kỷ niệm và Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, bao gồm: kết nối website 1000 năm Thăng Long-Hà Nội trên website của các cơ quan đại diện ở nước ngoài; vận động các thành phố, thủ đô đã có 1000 năm tuổi tham gia "Câu lạc bộ các Thành phố 1.000 năm tuổi"; tuyên truyền và mời bạn bè quốc tế tham gia các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội...
Bộ Ngoại giao cũng sẽ phối hợp với TP. Hà Nội triển khai tổ chức các hoạt động văn hóa có yếu tố nước ngoài hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội trong khuôn khổ năm Ngoại giao Văn hóa 2009 như: Tổ chức "Những ngày văn hóa Hà Nội" tại Paris nơi có trụ sở chính của UNESCO; Xây dựng "Tượng đài Thành phố vì Hoà Bình" của tác giả Amriddin Aminov tại "Công vên Hoà Bình" (xã Xuân Đỉnh- Từ Liêm- Hà Nội); Triển khai đề án "Điểm hẹn Việt Nam 2010" do Câu lạc bộ những Vịnh đẹp nhất thế giới đề xuất và tài trợ; tổ chức Hội thảo quốc tế về công tác bảo vệ văn hóa vật thể và phi vật thể .v.v...
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng sẽ là đầu mối chỉ đạo công tác lễ tân đối ngoại, mời, đón tiếp các đoàn khách quốc tế tham dự các hoạt động và Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đánh giá đây là sự kiện có ý nghĩa, mở đầu cho năm Ngoại giao văn hoá 2009. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đặc biệt nhấn mạnh việc Bộ ngoại giao sẽ lồng nội dung tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Thăng Long- Hà Nội nghìn năm văn hiến gắn với hoạt động đối ngoại của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, khu vực và kết hợp thông tin tuyên truyền về sự kiện 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội trong các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta tới các nước và chuyến thăm VN của lãnh đạo cấp cao các nước, đăc biệt là các quốc gia có quan hệ thân thiết với Hà Nội.
Bộ Ngoại giao sẽ cùng với Hà Nội phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả thông qua một chương trình hợp tác cụ thể, để sự kiện 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội không chỉ tôn vinh những giá trị văn hóa của riêng Thủ đô mà còn cả những giá trị văn hóa chung của đất nước gắn liền với Thủ đô trong lòng bạn bè thế giới.
Bộ Ngoại giao đã quyết định lấy năm 2009 là Năm ngoại giao Văn hoá, với 4 nội dung lớn:
Thứ nhất, nâng cao giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam thông qua các họat động cụ thể như vận động các tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNESCO công nhận các văn hóa vật thể và phi vật thể, các di sản văn hóa của Việt Nam. Năm 2009-2010, sẽ vận động UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới. Thứ hai, đẩy mạnh việc giáo dục tiếng Việt trong cộng đồng 3,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Thứ ba, tăng cường công tác suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất và 120 năm ngày sinh của Người. Thứ tư, tăng cường giao lưu văn hóa, trong đó có việc tổ chức các tuần lễ văn hóa Việt Nam ở nước ngoài để nâng cao hình ảnh văn hóa của Việt Nam.
Ngoại giao văn hoá đã trở thành một trong 3 trụ cột của ngoại giao toàn diện Việt Nam: Đó là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hoá. Với phương châm là xúc tiến, mở đường, quảng bá hình ảnh đất nước con người VN ra cộng đồng quốc tế, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại đến với nhân dân ta, trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ có hiệu quả nhiều địa phương, trong các hoạt động văn hoá có yếu tố nước ngoài, nhất là việc vận động các di sản, danh lam thắng cảnh, đặc trưng văn hoá của địa phương để UNESCO công nhận là di sản văn hoá hoặc di sản thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hiện nay Bộ Ngoại giao đang vận động UNESCO công nhận một số hồ sơ như: Quan họ Bắc Ninh, Ca trù là di sản văn hoá phi vật thể vào năm 2009, hồ sơ khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hoá thế giới đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. |
Trần Phương