Thứ Tư, 27/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 2/1/2009 15:1'(GMT+7)

Giấc mơ từ những gam màu

Tác phẩm Quê hương của Nguyễn Thúy Anh, sinh năm 1994, học sinh Trường Cổ Loa - giải nhất nhóm thiếu niên cuộc thi Nét vẽ xanh 2008

Tác phẩm Quê hương của Nguyễn Thúy Anh, sinh năm 1994, học sinh Trường Cổ Loa - giải nhất nhóm thiếu niên cuộc thi Nét vẽ xanh 2008

Giấc mơ hội họa ấy không phải của một mà của đến gần 200.000 trẻ em ngay tại TP.HCM. 11 năm như thế, có một cuộc thi lặng lẽ, cho đến một ngày cuối năm...

Khúc quanh mới của “Nét vẽ xanh”

Đó là một buổi chiều công sở bận rộn. Cuối năm bao giờ cũng là lúc kết toán, thu hồi công nợ, nghiệm thu công trình và đủ mọi lo toan giữa tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Vậy mà trong phòng họp, các ông chủ tịch lẫn tổng giám đốc Công ty TTT say mê với mớ tranh vẽ, với những câu chuyện về giấc mơ hội họa và những dự định đặc biệt của mình cho khúc quanh mới của hành trình màu sắc đã có hơn chục năm nay: cuộc thi Nét vẽ xanh.

Cái đẹp cần được ủng hộ, cái thiện cần được nhân ra, và đặc biệt trẻ thơ cần được khuyến khích sáng tạo...

Doanh nhân Lê Bá Thông làm một phép tính: cuộc thi được phối hợp giữa Thư viện Khoa học tổng hợp TP và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, mỗi bên chỉ có thể dùng kinh phí nhà nước góp vô 30 triệu đồng. 60 triệu đồng cho công tác tổ chức một cuộc thi lên đến 160.000 em tham dự, từ Cần Giờ xa xôi đến Bình Chánh ngập nước. Còn lại là sự đóng góp của những người trong cuộc: trường dự thi góp chiếc xe chuyên chở, nhiều nhà văn hóa hỗ trợ phương tiện, nhiều thầy cô giáo cùng học trò dự thi bỏ tiền lương của mình đi tập huấn...

Để có được giải nhất trị giá tương đương 500.000 đồng cho cuộc thi chung khảo, mọi người tham gia đều góp sức một cách tự nguyện. Năm nào cũng cố xin đằng này ít bánh trái, đằng kia ít màu vẽ, đằng nọ một chuyến xe... Vậy đó, mà chất lượng cuộc thi cũng như những đóng góp của nó cho xã hội lại không nhỏ, vì nó chính là không gian để các em có thể thả trí tưởng tượng của mình, mô tả những góc nhìn cuộc sống của trẻ thơ, cảm nhận những cái đẹp, cái thiện từ trong những bức vẽ và có thêm rất nhiều bạn bè. Và đã có những giải thưởng quốc tế, những bức tranh đoạt giải từ cuộc thi Nét vẽ xanh được treo trong Bảo tàng Mỹ thuật nước Anh...

Anh Thông cười, nét buồn thoáng qua trên gương mặt người giám đốc tài hoa này: “Chuyện kinh phí thật ra không phải quan trọng lắm. Chúng tôi yêu thích thì cũng có thể tài trợ, nhưng điều quan trọng là cuộc thi nhận được ít sự quan tâm của xã hội quá. 11 năm qua nó cứ lặng lẽ diễn ra, chẳng mấy ai thấy điều các em cần, chẳng mấy ai trân trọng những gì các em đang làm được...”.

Vì cái đẹp cần được ủng hộ...

Tác phẩm Nghe tiếng chim hót của Nguyễn Hoàng An, sinh năm 1988 - giải nhất cuộc thi Nét vẽ xanh 2001, giải nhì cuộc thi tranh thiếu nhi quốc tế tại Ba Lan
11 năm trước, một chuyên viên văn hóa người Pháp, bà Boléo, trình bày ý tưởng về một cuộc thi vẽ tranh dành cho tất cả học sinh TP như một phương pháp kích thích sự sáng tạo và tư duy thẩm mỹ của học sinh tại hội thảo Khuyến học TP.HCM. Ý tưởng này được những người tâm huyết hưởng ứng nhiệt thành. Năm 1998, Thư viện Khoa học tổng hợp đứng ra tổ chức lần đầu với 1.600 học sinh tham gia. Sau 11 năm, nó đã phát triển thành một hoạt động chính thức của phong trào văn thể mỹ trong hệ thống giáo dục, tính đến nay đã có 631.833 tác phẩm của các em học sinh 4-15 tuổi dự thi.

Trong cuộc thi nghiêng về cái đẹp này, vẽ trên giấy, vẽ tập thể, hay vẽ trên máy tính đều được. Những em khuyết tật hay khiếm thị, trẻ nhà nghèo hay con nhà khá giả được cha mẹ sắm cho đầy đủ dụng cụ như nhau. Những em nhỏ Cần Giờ, mang tiếng là ở thành phố nhưng phải dậy từ tinh mơ để đón xe lên trung tâm dự thi, ngập ngừng trước cái bánh pâté chaud gửi tặng, khẽ khàng nếm thử rồi... không ăn được vì cả đời chỉ biết các loại bánh nướng rẻ tiền.

Những em nhỏ tuổi mẫu giáo, vừa vẽ vừa ngủ gật hay... tè dầm làm các thành viên ban tổ chức xắn tay áo thay vai trò người mẹ. Những em nhỏ “nhà quê” chỉ cho bạn nội thành xem cái này là ụ rơm, cái kia là đồng muối trắng, cái nọ là con trâu, còn xa tít là cánh diều mà bố thức cả đêm để dán cho mình thả...

Những kiến trúc sư ở TTT thấy mình phải nhảy vào cuộc thi, vì “cái đẹp cần được ủng hộ, cái thiện cần được nhân ra, và đặc biệt trẻ thơ cần được khuyến khích sáng tạo...”. Một hợp đồng dài năm năm được ký kết, để những nhà doanh nghiệp chung tay trong việc thực hiện chương trình với những hỗ trợ nhiều hơn từ xã hội.

“Chúng tôi nhận trách nhiệm tìm kiếm các nguồn lực xã hội để cuộc thi có thể diễn ra tốt nhất, qua đó các em có thêm cơ hội để phát triển bản thân và làm đẹp thêm cuộc sống. Nét vẽ xanh, sẽ giống như một hạt mầm của cái đẹp, gieo vào lòng những em nhỏ để có thể phát triển thành một vườn cây, mang cho đời thêm nhiều quả ngọt...” - một nhân viên thiết kế của TTT tình nguyện làm thêm giờ phục vụ cuộc thi cho biết.

Thí sinh dự thi vòng chung kết năm 2008 - Ảnh tư liệu

Cuộc thi Nét vẽ xanh 2009 vừa khởi động hôm 23-12-2008 (kéo dài đến 17-5-2009) tại nhà hát Hòa Bình với việc công bố kế hoạch chuyển cuộc thi thành một chương trình hoạt động phong phú như trưng bày tranh, bán tranh, đấu giá tranh gây quỹ nhằm khuyến khích trẻ em trong việc vẽ tranh và hỗ trợ giáo viên trong việc giảng dạy hội họa.

Thông tin chi tiết về cuộc thi có trên website của Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM: http://www.gslhcm.org.vn/.

Ngày 2-1-2009, cuộc triển lãm nội bộ những tác phẩm đoạt giải cao trong cuộc thi Nét vẽ xanh 2008 sẽ được tổ chức tại khách sạn New World với sự tham gia của các thành viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC).

Bà Vũ Kim Hạnh - phó ban chủ nhiệm LBC - cho biết những người tổ chức triển lãm không chủ trương kêu gọi ủng hộ tiền mặt từ các thành viên, nhưng mong muốn các thành viên chung tay hỗ trợ cuộc thi bằng sản phẩm của chính doanh nghiệp mình: Pepsi góp thức uống, giấy Sài Gòn tặng giấy vẽ, Thiên Long tặng bút màu... như chính logo của cuộc thi: những bàn tay đan vào nhau tạo ra sắc màu cuộc sống.

TRẦN NGUYÊN-TuoiTreOnline

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất