Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 16/4/2013 13:57'(GMT+7)

Bỏ phiếu cho cuộc cách mạng Bolivar

 Không ngoài dự đoán, Quyền tổng thống N.Ma-đu-rô (N. Maduro) - ứng cử viên của Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Vê-nê-xu-ê-la (PSUV) đã về đích trước đối thủ E.Ca-pri-lết (H. Capriles) của liên minh đối lập Bàn đoàn kết dân chủ (MUD), trong cuộc đua tới Dinh tổng thống Miraflores hôm 14-4.

Với 99,12% số phiếu được kiểm, ông Ma-đu-rô đã giành được 50,66% phiếu ủng hộ, trong khi đối thủ Ca-pri-lết được 49,07% số cử tri hậu thuẫn. Đây có thể coi là chiến thắng khó khăn nhất trong suốt 14 năm cầm quyền vừa qua của “chủ nghĩa Cha-vết”.

Tuy nhiên, chiến thắng, dù sít sao, của ông Ma-đu-rô vẫn chứng tỏ rằng đa số người dân Vê-nê-xu-ê-la, bằng lá phiếu của mình, đã bỏ phiếu cho cuộc cách mạng Bolivar mà cố Tổng thống Cha-vết đã khởi xướng, mong muốn cuộc cách mạng này cần phải được tiếp tục và hoàn thiện. Họ đặt niềm tin vào sự tiếp nối mà “người học trò” Ma-đu-rô của ông Cha-vết cam kết đưa đất nước Vê-nê-xu-ê-la thực sự thoát khỏi tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng xã hội.

Phát biểu ngay sau khi đắc cử, ông Ma-đu-rô đã khẳng định sẽ tuyệt đối trung thành với lý tưởng của người tiền nhiệm, sẽ tiếp tục triển khai và làm sâu sắc hơn nữa dự án xã hội chủ nghĩa thế kỷ 21 mà cố Tổng thống Cha-vết khởi xướng.

Tuy nhiên, sẽ không dễ dàng cho Tổng thống đắc cử của Vê-nê-xu-ê-la. Chiến thắng sít sao trước đối thủ đã báo trước chặng đường đầy rẫy chông gai và thách thức trong 6 năm tới của Tổng thống đắc cử Vê-nê-xu-ê-la.

Một trong những thách thức đầu tiên mà ông Ma-đu-rô đối mặt là tình trạng chia rẽ chính trị nội bộ. Việc Tổng thống U. Cha-vết qua đời đột ngột vì bạo bệnh không chỉ để lại một khoảng trống cho đất nước Vê-nê-xu-ê-la mà còn cho chính liên minh cầm quyền. Trở thành Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la, ông Ma-đu-rô sẽ điều hành một liên minh với nhiều lực lượng khác nhau được đoàn kết phần lớn nhờ cá tính mạnh mẽ và uy tín của cố Tổng thống Cha-vết, cũng như những lợi ích đi cùng với sự lãnh đạo bộ máy quốc gia. Sự ra đi của Tổng thống Cha-vết là bài thử nghiệm đầu tiên về tính đoàn kết của liên minh cầm quyền và ông Ma-đu-rô sẽ phải cẩn trọng với những động thái từ tất cả mọi phía.

Bên cạnh đó, những vấn đề với lực lượng quân đội - xương sống của một quốc gia, sẽ là một thách thức vô cùng trọng yếu đối với ông Ma-đu-rô. Dù Tư lệnh lực lượng quân đội Vê-nê-xu-ê-la, tướng Đ. Môn-tê-rô (Diego Montero), đã trao sự ủng hộ của mình cho ông, thì vẫn có những băn khoăn về việc liệu ông Ma-đu-rô có thể tạo mối liên kết với lực lượng quân đội - đòi hỏi sự phục tùng và kỷ luật và có được sự tín nhiệm của họ - trong khi ông không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quân đội hay uy tín mạnh mẽ như của cố Tổng thống Cha-vết.

Một trong những thách thức khác mà ông Ma-đu-rô phải đối mặt là tình trạng kinh tế khó khăn của Vê-nê-xu-ê-la. Không thể phủ nhận, di sản quý báu mà cố Tổng thống Cha-vết để lại chính là đã bắt tay giải quyết nỗi bất bình chính đáng nhất của nhiều người dân Vê-nê-xu-ê-la: Bất bình đẳng xã hội. Dù vậy, việc hồi sinh nhận thức chính trị cho tầng lớp bình dân đã không chuyển hóa thành giải pháp bền vững trước thách thức đói nghèo. Trong những năm qua, kinh tế Vê-nê-xu-ê-la phát triển mất cân bằng. Tuy doanh thu kỷ lục từ dầu mỏ đã góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo nhưng đất nước này vẫn vất vả đối phó với nợ nần và lạm phát. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Vê-nê-xu-ê-la, lạm phát đang ở mức hơn 22%.

Trong khi đó, nền kinh tế Vê-nê-xu-ê-la ngày càng phụ thuộc hơn vào dầu khí (chiếm tới 95% doanh thu từ xuất khẩu của Vê-nê-xu-ê-la và chiếm 45% trong tổng số nguồn thu của chính phủ nước này). Với việc các nước ngày càng có xu hướng tự sản xuất và giảm nhập khẩu năng lượng từ nước ngoài thì gần như chắc chắn sẽ dẫn đến một hệ quả là khiến giá dầu giảm và tất nhiên, nguồn thu về ngân khố Vê-nê-xu-ê-la cũng theo đó giảm đáng kể. Chính vì thế, bài toán hiện giờ của ông Ma-đu-rô là làm thế nào để đa dạng hóa nền kinh tế đất nước, tránh tình trạng bị phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ, đồng thời giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Những thách thức này sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự thành bại của kế hoạch đưa Vê-nê-xu-ê-la vượt qua thời kỳ quá độ lên “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21”.

Chính sách “ngoại giao dầu mỏ” và tư tưởng chống chủ nghĩa đế quốc đã giúp cho cố Tổng thống Cha-vết xây dựng một liên minh mạnh mẽ ở khu vực (để đối chọi với Mỹ) và đặt Vê-nê-xu-ê-la vào vị trí được tôn trọng trên bản đồ địa chính trị khu vực. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, việc vừa phải cân đối giữa thực hiện chính sách bán dầu giá rẻ cho một số nước đồng thời vẫn bảo đảm quyền lợi cho người dân trong nước sẽ là một gánh nặng quá lớn đối với Tổng thống đắc cử Ma-đu-rô.

Sẽ không dễ dàng để ông Ma-đu-rô thuyết phục người dân Vê-nê-xu-ê-la trả nhiều hơn cho tiền xăng hay chấp nhận giảm chi tiêu cho các chương trình công cộng, đặc biệt là những người nghèo hiện đang hưởng những chương trình hỗ trợ lớn từ chính phủ. Lần cuối cùng chính phủ Vê-nê-xu-ê-la cố gắng cắt giảm trợ cấp giá vào năm 1989 đã có nổi loạn nổ ra và lực lượng quân sự được huy động lập lại trật tự. Trong khi đó, việc ngưng bán rẻ dầu cho một số quốc gia trong khu vực có thể khiến cho vị trí “ngọn cờ đầu” trong khu vực của Vê-nê-xu-ê-la bị ảnh hưởng.

Dù ông Ma-đu-rô cam kết sẽ vẫn tiếp tục triển khai, mở rộng những nền móng mà cố Tổng thống Cha-vết đã tạo dựng trong hợp tác và liên kết với các nước trong khu vực cũng như thế giới, nhưng đã có những nhận định cho rằng, ông sẽ có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại. Và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới khu vực Nam Mỹ.

Không ngoài dự đoán, ứng cử viên đối lập Ca-pri-lết đã không công nhận kết quả bầu cử khi yêu cầu kiểm phiếu lại. Đó vốn không phải là điều mới mẻ trong các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay tại Vê-nê-xu-ê-la, nó lại trở thành một thách thức đối với Tổng thống đắc cử Ma-đu-rô. Nên nhớ rằng, Thống đốc bang Mi-ran-đa chỉ thua Quyền tổng thống Ma-đu-rô với cách biệt ít ỏi: 1%. Trong suốt gần 2 thập kỷ “đối đầu” với “chủ nghĩa Cha-vết”, chưa bao giờ phe đối lập “mơ” đến được một kết quả thua “đẹp như mơ” như vậy. Điều đó cho thấy đã bắt đầu có những nhóm cử tri “thầm lặng” ủng hộ ông Ca-pri-lết cũng như đường lối của ông này.

Bên cạnh đó, việc  ông Ca-pri-lết yêu cầu kiểm lại phiếu có thể  gây nên những xáo động chính trị tại Vê-nê-xu-ê-la, nhất là trong bối cảnh phe đối lập đang ngày càng có ảnh hưởng trong đời sống chính trị nước này. Dù đa số người dân đất nước Nam Mỹ này vẫn dành tình cảm cho “chủ nghĩa Cha-vết”, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không quan tâm tới những yếu tố khác. Lịch sử các cuộc bầu cử cho thấy nhiều chính phủ không trụ được và buộc phải ra đi hoặc lao đao từ những “yêu cầu kiểm phiếu” tưởng như vô hại này. Bài học từ những cuộc cách mạng sắc màu tại U-crai-na, Gru-di-a và Cư-rơ-gư-xtan… khi phe đối lập tổ chức biểu tình để phản đối điều mà họ cáo buộc là "gian lận" trong bầu cử vẫn còn nguyên giá trị. Và xác suất rủi ro là không hề nhỏ. Xử lý khôn khéo vấn đề này sẽ là bài “sát hạch” đầu tiên của ông Ma-đu-rô ở cương vị Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la.

Nói thế nào đi nữa thì vẫn phải khẳng định rằng, con đường cố Tổng thống Cha-vết đã đi phù hợp với đông đảo người dân và ông Ma-đu-rô là người tiếp bước. Đưa một đất nước đi lên có rất nhiều cách, nhiều con đường, nhưng con đường được đông đảo nhân dân ủng hộ, đồng tình sẽ là con đường phù hợp nhất. Dù còn nhiều chông gai và thách thức, nhưng những người ủng hộ đều hy vọng rằng, dưới sự chèo lái của ông Ma-đu-rô, con thuyền cách mạng Bolivar sẽ tiếp tục hướng đi mà cố Tổng thống Cha-vết luôn mong mỏi. 

Theo QĐND


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất