Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 14/4/2013 17:19'(GMT+7)

Chọn lựa lịch sử

Tổng thống lâm thời N. Man-đu-rô vẫy chào người ủng hộ tại Ba-ri-nát, Vê-nê-xu-ê-la. (Ảnh: Báo Nhân dân).

Tổng thống lâm thời N. Man-đu-rô vẫy chào người ủng hộ tại Ba-ri-nát, Vê-nê-xu-ê-la. (Ảnh: Báo Nhân dân).

Ngày 14/4, các cử tri Vê-nê-xu-ê-la chính thức đi bỏ phiếu chọn người kế nhiệm cố Tổng thống U.Cha-vết (H. Chavez) lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ này. Sự chọn lựa của người dân Vê-nê-xu-ê-la không chỉ quyết định tương lai của quốc gia nhiều dầu mỏ, mà còn tác động và ảnh hưởng tới sự phát triển của nhiều nước trong khu vực.

Mặc dù có tới 7 ứng cử viên tham gia tranh cử, nhưng thực chất cuộc chạy đua vào Dinh Miraflores chỉ diễn ra giữa hai ứng cử viên là Quyền tổng thống N.Ma-đu-rô (Nicolás Maduro) của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Vê-nê-xu-ê-la (PSUV) cầm quyền và lãnh đạo phe đối lập Khối Ðoàn kết dân chủ (MUD), Thống đốc bang Mi-ran-đa E.Ca-pri-lết (Henrique Capriles).

Sự ra đi đột ngột vì bạo bệnh của Tổng thống U.Cha-vết sau 14 năm cầm quyền thành công đã để lại một khoảng trống quá lớn, khó có thể lấp đầy cho Vê-nê-xu-ê-la và khu vực Mỹ La-tinh. Chính vì thế, người dân Vê-nê-xu-ê-la bước vào cuộc bầu cử lần này với một tâm thế chưa hẳn vững chắc như họ đã từng xây niềm tin trong 14 năm qua. Giờ đây, việc lựa chọn giữa một bên là người có khả năng kế thừa, phát huy các “di sản” mà ông Cha-vết để lại, hay người có chủ trương đưa Vê-nê-xu-ê-la quay lại nền kinh tế thị trường theo chủ nghĩa tự do là điều mà cử tri nước này phân vân.

Chỉ ít giờ trước khi các phòng bỏ phiếu mở cửa, kết quả thăm dò mới nhất cho thấy, Quyền tổng thống Ma-đu-rô bỏ xa đối thủ, 61,9% số người được hỏi tin rằng ông Ma-đu-rô sẽ đắc cử tổng thống, trong khi chỉ 19,9% tin vào chiến thắng của Thống đốc bang Mi-ran-đa Ca-pri-lết. Các cuộc điều tra dư luận trước đó cũng cho kết quả gần như tương tự, khi Quyền tổng thống Ma-đu-rô luôn dẫn trước từ 10 đến 20% tỷ lệ cử tri ủng hộ so với ứng cử viên đối lập Ca-pri-lết.

Nếu không có điều gì quá bất ngờ vào phút chót, ông N.Ma-đu-rô sẽ là chủ nhân mới của Dinh thự Miraflores.

Là người được cố Tổng thống Cha-vết “chọn mặt gửi vàng”, quyền Tổng thống Ma-đu-rô luôn được coi là người sẽ tiếp tục những "di sản" của ông Cha-vết lúc sinh thời. Trong các bài phát biểu, ông Ma-đu-rô cũng luôn “nhắc nhở” cử tri về điều này. Bằng việc hoạch định tuyến đường tranh cử giống như chặng đường mà cố Tổng thống Cha-vết đã đi qua trong chiến dịch tranh cử 6 tháng trước, ông Ma-đu-rô cam kết đẩy mạnh các chương trình cải cách xã hội, trung thành theo đuổi cam kết của cố Tổng thống Cha-vết với Cách mạng Bolivar và chủ nghĩa xã hội ở Vê-nê-xu-ê-la.

Nhìn một cách tổng thể, mặc dù chính phủ của cố Tổng thống Cha-vết chưa giải quyết được triệt để một số vấn đề về kinh tế, xã hội như tình hình an ninh hay tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao, song trong suốt 14 năm cầm quyền, cố Tổng thống U.Cha-vết đã cải thiện một cách có hiệu quả cuộc sống của người nghèo.

Hơn nữa, sau 14 năm cầm quyền, cố Tổng thống Cha-vết đã đánh thức được ý thức chính trị của người dân Vê-nê-xu-ê-la. Mặc dù Vê-nê-xu-ê-la có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, trước khi Tổng thống Cha-vết cầm quyền, đa số người dân sống trong cảnh nghèo khổ và bị loại ra lề xã hội. Thế nhưng giờ đây họ đã trở thành chủ nhân của đất nước và hiểu rõ hơn ai hết rằng, Tổng thống Cha-vết đã thực hiện cam kết tranh cử, và chỉ có ứng cử viên của phe chính phủ mới tiếp tục sự nghiệp dang dở của ông.  Bên cạnh đó, trên thực tế, tuy đã qua đời nhưng cố Tổng thống Cha-vết từng có tầm ảnh hưởng sâu rộng với tầng lớp nghèo khổ, nên không nghi ngờ gì về sự ủng hộ của họ với ông Ma-đu-rô, người vốn được ông Cha-vết tin tưởng nhất.

Đây chính là những lợi thế lớn khiến quyền Tổng thống Ma-đu-rô có thể đạt được "điểm tuyệt đối" trong cuộc bầu cử lần này.

Tất nhiên không có gì là hoàn hảo. Phe đối lập vẫn liên tục chỉ trích những chính sách mà cố Tổng thống Cha-vết để lại đã khiến cho kinh tế Vê-nê-xu-ê-la rơi vào cảnh khó khăn. Nhưng cho dù là vậy, thì người dân Vê-nê-xu-ê-la cũng hiểu rằng, chí ít ra, dưới thời cố Tổng thống Cha-vết, dân nghèo dễ thở hơn.

Nhìn sang phía ứng cử viên E.Ca-pri-lết. Không phải ngẫu nhiên mà mới ở tuổi 40, ông Ca-pri-lết đã “kinh qua" những chức vụ chính trị cao cấp cũng như được phe đối lập “đôn” lên làm đại diện tranh cử Tổng thống.

Tại cuộc vận động tranh cử lần này, Thống đốc bang Mi-ran-đa khôn khéo lôi kéo, thuyết phục, vận động các cử tri ủng hộ mình bằng việc khai thác những khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong đời sống kinh tế, xã hội Vê-nê-xu-ê-la để công kích chính phủ và ứng cử viên của đảng cầm quyền; đồng thời cam kết đổi mới chính sách kinh tế, cân bằng tài chính, ngân sách…

Tuy nhiên, với một đất nước như Vê-nê-xu-ê-la, nơi “tinh thần Cha-vết” từng có tầm ảnh hưởng sâu rộng với tầng lớp nghèo khổ, thì những lời hứa mà ông Ca-pri-lết đưa ra chưa đủ để thuyết phục cử tri. Trong khi đó, xuất thân giàu có của ông Ca-pri-lết cũng khiến không ít người dân băn khoăn về năng lực cảm thông và thấu hiểu đối với tầng lớp nghèo khổ, nhóm cử tri có ảnh hưởng quyết định đến kết quả bầu cử. Quan trọng hơn, người dân Vê-nê-xu-ê-la mới chỉ nghe thấy ông nói mà chưa được nhìn thấy ông làm.

Một điểm được cho là thiếu khôn ngoan nữa của ông Ca-pri-lết là đã công khai lên án quyền Tổng thống Ma-đu-rô lợi dụng tình hình sức khỏe của cố Tổng thống Cha-vết để phục vụ cho mục đích vận động tranh cử. Điều này chẳng những không thu hút sự chú ý của cử tri mà còn gây tác dụng ngược khi bị chỉ trích là “không công bằng, không có tình người”.

Tất cả những điều này đã đặt ông Ca-pri-lết vào thế yếu hơn trong cuộc đua tới Dinh Miraflores.

Ưu thế đang ở phía ông Ma-đu-rô, nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng chiến thắng với ông là dễ dàng. Sát ngày bầu cử, Thống đốc bang Mi-ran-đa vẫn nỗ lực “giành giật từng lá phiếu”, với hy vọng có thể lật ngược được thế cờ. Phải nhớ rằng, trong cuộc  tranh cử tổng thống năm ngoái, ông Ca-pri-lết đã giành được thiện cảm và sự ủng hộ của không ít cử tri (gần 45%) khi tuyên bố ủng hộ quan điểm xây dựng đất nước theo mô hình phát triển kinh tế của Bra-xin. Còn nay, để tranh thủ lá phiếu cử tri, đối thủ Ca-pri-lết đã không ngần ngại điều chỉnh thông điệp tranh cử, hướng tới những cử tri nghèo khổ khi cam kết sẽ tiếp tục những chương trình xã hội do cố Tổng thống Cha-vết khởi xướng, nhắm tìm kiếm những chiếc “vé vớt”.

Cũng không thể bỏ qua những yếu tố bất ngờ. Lịch sử chính trị cho thấy, không điều gì là không thể xảy ra. Cuộc thăm dò do Công ty Datamatica thực hiện qua điện thoại ngày 12/4 cho biết, có 39,7% số người được hỏi tuyên bố ủng hộ Đảng Đoàn kết Dân chủ (MUD) của ông Ca-pri-lết so với tỷ lệ 34,9% khẳng định sẽ bầu cho ông Ma-đu-rô. Ngoài ra, có khoảng 24% số người được hỏi quyết định không tiết lộ ứng cử viên mà mình sẽ bầu chọn.

Như thế, liệu cử tri Vê-nê-xu-ê-la có đồng ý “cấp phép” để ông Ma-đu-rô “tiếp bước” người tiền nhiệm bảo vệ ngọn cờ cách mạng Bolivar, tiếp tục dẫn dắt quốc gia Nam Mỹ trở thành “linh hồn” của phong trào cánh tả ở Mỹ La-tinh hay không? Câu hỏi này chỉ có lời giải đáp sau ngày 14/4.

Dù kết cục thế nào thì sự chọn lựa của người dân Vê-nê-xu-ê-la lần này cũng đi vào lịch sử, bởi điều đó sẽ quyết định đường hướng tương lai của Vê-nê-xu-ê-la cũng như các biến động của nền chính trị khu vực Nam Mỹ sau này. Và giờ chính là thời điểm quyết định./.

Thu Trang (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất