Thứ Hai, 14/10/2024
Thế giới
Thứ Ba, 29/12/2015 21:57'(GMT+7)

Bỏ phiếu cho hòa bình

Sôi động trước ngày bầu cử

Trong những ngày cận kề đợt tổng tuyển cử bầu tổng thống và quốc hội, thủ đô Ban-gui của Trung Phi như sôi động hơn hẳn. Trên các con đường hướng về trung tâm thành phố, chúng tôi chứng kiến nhiều tốp người đứng ngồi lố nhố trên thùng xe bán tải, hoặc thò nửa người ra khỏi cửa kính xe tắc-xi, giương biểu ngữ và ảnh của ứng viên tổng thống. Phía sau là đoàn xe gắn máy, có xe chở chồng chất 4-5 người. Họ bấm còi inh ỏi, hô vang tên ứng viên và kêu gọi cử tri cùng ủng hộ. Thi thoảng lại nghe tiếng súng bắn chỉ thiên của lực lượng tuần tra thuộc Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), nhằm cảnh cáo các đối tượng quá khích trên đường phố. Ảnh của các ứng viên xuất hiện khắp nơi, bằng nhiều hình thức: Treo trên gốc cây, cột đèn; được đóng khung và đặt quanh bùng binh của ngã tư hay nằm án ngữ ngay trên lối dành cho người đi bộ; và chúng còn được dán trên những bức tường bao nham nhở vết đạn. Nhiều ứng viên đang tận dụng thời gian ít ỏi còn lại để vận động tranh cử ở khu trung tâm đông dân cư. Có tới 30 ứng viên cho ghế tổng thống, nên có lẽ tùy vào năng lực tài chính, mỗi người đều có cách riêng của mình để thu hút sự ủng hộ của cử tri.

Lực lượng vận động bầu cử trên phố.

Phát biểu với báo giới ngày 26-12, ông Béc-na Kpông-ga-ba (Bernard Kpongaba), Phó chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết, đây là cuộc bầu cử có ý nghĩa quyết định hòa bình của Trung Phi, quốc gia giàu tài nguyên nhưng chìm trong bạo loạn đẫm máu trong suốt 3 năm vừa qua. Nước này rơi vào vòng xoáy bạo lực kể từ khi Tổng thống Phrăng-xoa Bô-di-dê (Francois Bozize) bị lực lượng nổi dậy Hồi giáo Seleka lật đổ hồi tháng 3-2013 và đưa ông Mi-sen Dô-tô-di-a (Michel Djotodia), chỉ huy của lực lượng này lên làm Tổng thống lâm thời. Tuy nhiên, ông Dô-tô-di-a đã phải từ chức vào tháng 1-2014 do không thể kiềm chế làn sóng tàn sát và cướp bóc do các tay súng Seleka cũ tiến hành nhằm vào người Cơ đốc giáo. Theo thống kê chưa đầy đủ của Liên hợp quốc, bạo lực ở quốc gia có gần 5 triệu dân này đã khiến ít nhất 5.000 người thiệt mạng, gần 440.000 người phải di tản sang các khu vực khác trong nước, 190.000 người phải xin tị nạn tại các quốc gia láng giềng. Một chính phủ lâm thời đã được lập ra từ tháng 1-2014, do bà Ca-thơ-rin Xam-ba Pan-da (Catherine Samba-Panza), nguyên là Thị trưởng thủ đô Ban-gui và là người theo đường lối ôn hòa, làm Tổng thống lâm thời.

Lực lượng quân sự và cảnh sát của chính quyền lâm thời gần như bị tê liệt, và Trung Phi vẫn chịu lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng Bảo an LHQ từ năm 2013. Hoạt động bảo đảm an ninh trên toàn quốc cơ bản do lực lượng GGHB của LHQ và Pháp thực hiện. Kế hoạch tổng tuyển cử bầu chính phủ mới đã phải trì hoãn tới 5 lần vì lý do an ninh và hậu cần, tài chính chưa bảo đảm.

Những tín hiệu lạc quan

Phó chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Béc-na Kpông-ga-ba cũng bày tỏ sự lạc quan về khả năng thành công của đợt bầu cử này. Theo ông, đợt trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới được tổ chức vào ngày 13 và 14-12, đã là một phép thử hữu hiệu. Nhiều bài học đã được rút ra và an ninh trên toàn quốc, đặc biệt là ở các điểm bầu cử sẽ được bảo đảm tốt hơn. Theo kết quả được thông báo hôm 22-12, 93% cử tri đi bầu đã bỏ phiếu ủng hộ bản hiến pháp mới, trong đó quy định tổng thống chỉ được 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm, cắt giảm quyền lực của quân đội, mở rộng tự do tín ngưỡng. Trong số cử tri đã đăng ký, chỉ có 38% đi bỏ phiếu cho bản hiến pháp mới, bởi một số nhóm vũ trang đã kêu gọi tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý và ngăn cản cử tri tới các điểm bỏ phiếu. Ủy ban Bầu cử quốc gia đã phải gia hạn thời gian bỏ phiếu thêm một ngày nữa (14-12). Lực lượng GGHB LHQ đã tăng cường an ninh và có mặt ở khắp các điểm bỏ phiếu, tuy nhiên, bạo lực ở một số nơi vẫn xảy ra giữa các nhóm vũ trang. Theo ghi nhận của Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế, 5 người chết và 20 người khác bị thương trong 2 ngày trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới. “Những thiếu sót trong đợt trưng cầu dân ý sẽ được khắc phục triệt để. Việc lùi thời gian tổng tuyển cử thêm 3 ngày cũng là để làm tốt hơn công tác chuẩn bị về an ninh và vật chất ở từng điểm bỏ phiếu”, ông Béc-na Kpông-ga-ba cho biết.

Một diễn biến mới được coi là tín hiệu khả quan cho thành công của cuộc tổng tuyển cử, đó là việc thủ lĩnh nhóm vũ trang Hồi giáo Seleka, ông Nu-rê-đin A-đam (Noureddine Adam) đã rút lời tuyên bố thành lập nhà nước tự trị ở phía Đông Bắc nước này. Tuyên bố đòi tự trị được ông A-đam đưa ra ngày 13-12 cùng với việc kêu gọi cử tri trong khu vực do nhóm vũ trang Seleka kiểm soát tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới và cuộc tổng tuyển cử. Trong cuộc họp với Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tại nước láng giềng Sát (Chad) vào cuối tuần qua, ông A-đam cũng đã khẳng định sẽ “đóng góp tích cực và chân thành” vào cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Trong cuộc họp toàn thể Phái bộ MINUSCA gần đây, ông Pa-phết Ô-nan-ga A-ni-an-ga (Parfait Onanga-Anyanga), Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc-Trưởng phái bộ cho rằng: Tình hình an ninh nói chung cơ bản đang được kiểm soát trên toàn lãnh thổ Trung Phi. Vừa qua, MINUSCA đã tiếp nhận thêm hơn 1.000 quân được điều động tạm thời từ 2 phái bộ GGHB ở Tây Phi, bổ sung vào lực lượng gần 12.000 quân sẵn có. Bên cạnh đó, chiến dịch Sangaris của Pháp cũng có gần 1.000 quân đồn trú tại nước này. Việc giải giáp vũ khí của các nhóm vũ trang do lực lượng GGHB đang đạt được nhiều kết quả tích cực. Và một điều lạc quan dễ nhận thấy nhất, đó là an ninh được lực lượng GGHB bảo đảm trong lễ Giáng sinh vừa qua. Thủ đô Ban-gui hầu như không có tiếng súng, tình hình tại các địa phương tương đối ổn định. Ông Pa-phết kêu gọi mỗi cá nhân và đơn vị trong phái bộ cần hoạt động nỗ lực hơn nữa để bảo đảm an ninh cho sự kiện quan trọng, quyết định tương lai của Trung Phi. “Tôi lạc quan là hoạt động bỏ phiếu sẽ diễn ra tốt đẹp. Thành công của đợt tổng tuyển cử sẽ mở ra một trang mới cho Trung Phi, từng bước chấm dứt bạo loạn và tiến tới xây dựng một nước Trung Phi hòa bình, hòa hợp dân tộc và phát triển”, Trưởng Phái bộ MINUSCA Pa-phết  bày tỏ tin tưởng.

Vũ Hiệp/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất