Thứ Năm, 17/10/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 11/12/2018 20:18'(GMT+7)

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội: Thể chế “mềm” bổ sung cho các khung pháp lý của Nhà nước

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu khai mạc Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu khai mạc Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu nhấn mạnh như trên tại Hội thảo “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam” (Bộ Quy tắc).

Hội thảo do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chiều 11/12 tại Hà Nội.

THỂ CHẾ "MỀM" SONG HÀNH VÀ BỔ TRỢ CHO PHÁP LUẬT

Với vai trò chủ trì Hội thảo, trong phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết: Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã liên tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật trong quản lý phát triển mạng xã hội, đã tích cực phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội để xử lý, ngăn chặn loại bỏ những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc đấu tranh với những luồng thông tin xấu, độc vẫn ở phía trước với nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với đó, những tin tức giả, những phát ngôn gây thù ghét đang trở nên tràn lan trên mạng xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong, mỹ tục, nền tảng văn hóa và đạo đức của dân tộc, đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Ông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: Thực tiễn cho thấy, việc ban hành các văn bản pháp lý, các quy định về quản lý nhà nước, cho dù có nghiêm ngặt đến đâu, cũng không thể loại trừ hoàn toàn những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Mặt trái của mạng xã hội luôn tồn tại và không thể xóa bỏ mà chỉ có thể hạn chế nó. Vì thế, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần phải có một khuôn khổ thể chế “mềm”, để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của Nhà nước.

“Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế tại nhiều quốc gia, kể cả ở cấp nhà nước hay ở phạm vi nội bộ trong một tổ chức, chúng ta có thể nhận thấy, việc ban hành một Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết với tình hình hiện nay”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nêu.

Trong phát biểu của mình, ông Chu Tuấn Tú, Bộ Nội vụ khẳng định: Mạng xã hội luôn có hai mặt, với tính tương tác và sự lan tỏa của nó buộc chính quyền phải năng động hơn nhưng cũng giúp chính quyền gần dân hơn; nếu biết phát huy lợi ích của nó sẽ mang lại hiệu quả cao, mạng xã hội sẽ thực sự trở thành môi trường tương tác giữa cơ quan nhà nước và người dân trên mạng. Đây cũng là điều cần thiết để các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước tiếp cận nhanh với người dân. Qua đó, tạo niềm tin vào hệ thống công quyền, góp phần tạo nên sự đồng thuận trong xã hội. Mặt khác, mạng xã hội cũng là công cụ tuyên truyền gây hoang mang, dao động trong tâm lý cán bộ, công chức, viên chức; kích động hằn thù, gây chia rẽ mất đoàn kết dân tộc, vùng miền, do vậy cần phải có biện pháp quản lý một cách phù hợp.

“Vấn đề này đòi hỏi cả hai phía là cơ quan nhà nước và cá nhân cán bộ, công chức, viên chức đều phải hết sức thận trọng, tỉnh táo và có nhận thức đầy đủ, chấp hành pháp luật, tuân thủ các quy định, quy chế về văn hóa, đạo đức khi thiết lập cũng như tham gia mạng xã hội. Có nhiều vấn đề mà pháp luật không thể bao quát, điều chỉnh hết, các chế tài cũng không thể xử lý hết thì đòi hỏi phải có thêm các cơ chế khác như Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội để góp phần điều chỉnh các hành vi, hoạt động của mạng xã hội trong các cơ quan nhà nước một cách văn minh, lịch sự, có văn hóa, phù hợp với phong tục, truyền thống dân tộc và chấp hành pháp luật của Nhà nước”, ông Chu Tuấn Tú phát biểu.

TÔN TRỌNG - TRÁCH NHIỆM - LÀNH MẠNH - AN TOÀN

Theo ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, nội dung của dự thảo “Bộ Quy tắc ứng xử cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam” được xây dựng trên cơ sở của những tiêu chí: Tôn trọng - Trách nhiệm - Lành mạnh - An toàn.

Theo đó, tiêu chí Tôn trọng bao gồm: Cung cấp dịch vụ, sử dụng mạng xã hội phải trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật Việt Nam; nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm pháp luật; người sử dụng mạng xã hội phải tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng bản thân mình; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền tự do và riêng tư cá nhân.

Tiêu chí Trách nhiệm là: Nhà cung cấp dịch vụ công khai việc thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin của người sử dụng và cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam; người sử dụng dịch vụ công khai sự xuất hiện của mình trên mạng xã hội bằng cách sử dụng đúng thông tin cá nhân, tổ chức; có trách nhiệm phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan hữu quan để xử lý, ngăn chặn và đấu tranh loại bỏ các nội dung thông tin xấu, độc, các tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực.

Tiêu chí Lành mạnh: Ứng xử, tương tác trên mạng xã hội phải tôn trọng các giá trị đạo đức, giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, phong tục -  tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; luôn hành xử mang tính xây dựng, hướng về cái tốt, suy xét cẩn trọng đối với các tương tác trên mạng xã hội; bảo đảm những gì đăng tải là sự thật. Không đăng tải, chia sẻ những thông tin xấu, độc.

Tiêu chí An toàn: Việc cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội tuân theo các quy định của Nhà nước và hướng dẫn của các cơ quan chức năng về bảo mật thông tin; không được tương tác trên mạng xã hội nội dung thông tin bí mật của Nhà nước, thông tin liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự xã hội mà chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, xác nhận; thông tin cá nhân và mật khẩu phải được bảo mật, không được chia sẻ cho cá nhân tổ chức khác.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BỘ QUY TẮC ĐI VÀO CUỘC SỐNG?

Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đều nhất trí rằng, việc cần thiết phải ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là điều không phải bàn cãi,  tuy nhiên, làm thế nào để Bộ Quy tắc tăng tính hiệu quả, phát huy tính khả thi, nghĩa là đi vào cuộc sống, để không bị lãng quên như không ít bộ quy tắc khác, lại là điều không đơn giản.

Một trong những giải pháp được PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đưa ra là: Trong việc nâng cao nhận thức của người dân về mạng xã hội nói chung, Bộ Quy tắc nói riêng, nên thay vì làm một cách dàn trải, thì trước hết hãy tác động nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp… và từ họ sẽ lan sang người thân, bạn bè. Bởi đây là những người có trình độ nhận thức tương đối cao trong xã hội, lại gắn bó và chịu sự ràng buộc của một tập thể, tổ chức nhất định nên việc đo lường sự thay đổi, biến chuyển cũng dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, vẫn theo PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, công tác truyền thông, phổ biến Bộ Quy tắc cần được quan tâm, tăng cường. Ngoài việc sử dụng các phương tiện truyền thông như báo chí, mạng xã hội thì sự chung tay, góp sức của các bộ, ban, ngành trong việc đưa Bộ Quy tắc vào các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường là hết sức cần thiết.

“Nước ngoài quy định về việc sử dụng mạng xã hội rõ ràng, nghiêm khắc trong sử dụng hình ảnh, video, bình luận trên mạng xã hội, đặc biệt là ở các tổ chức có quy định cụ thể, chặt chẽ. Giải pháp căn cơ và cần thiết là đưa bộ quy tắc này vào trong trường học, vì độ tuổi sử dụng mạng xã hội ở lứa tuổi học sinh rất nhiều”, PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang nói.

Còn theo đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thì việc tăng cường phê phán, phản bác, chủ động đấu tranh đẩy lùi những thông tin xấu độc trên mạng xã hội cũng là một cách gián tiếp để tuyên truyền, góp phần hiện thực hóa, đưa Bộ Quy tắc đi vào cuộc sống. Cùng với đó, những nội dung cần tuyên truyền trong Bộ Quy tắc phải được chuyển tải bằng các phương pháp, hình thức truyền thông hiện đại với những sản phẩm phù hợp với xu hướng, thị hiếu xã hội, ví dụ như: bản đồ tư duy hiện đại (infographic, motiongraphic, clip ngắn…), các video clip truyền động lực, cảm xúc.

Các ý kiến khác tại Hội thảo cũng đã nêu lên một số luận điểm như: phải xác định rõ “mạng xã hội là một cuộc chơi sòng phẳng”, vì thế cần có sự đầu tư nghiêm túc, hợp lý với sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương; cần chú trọng xây dựng lực lượng chuyên trách xây dựng và bảo vệ môi trường mạng, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…

Kết luận Hội thảo, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, hiện nay, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành dự thảo, trước cuộc Hội thảo này, Bộ đã tổ chức một cuộc tọa đàm lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

“Đây là nhiệm vụ có đối tượng ảnh hưởng rộng, được sự quan tâm của người sử dụng, vì thế, để tạo được sự đồng thuận và bảo đảm chất lượng nội dung, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục cung cấp thông tin cho báo chí về nhiệm vụ để truyền thông cho người dân và tổ chức thêm các hội thảo lấy ý kiến góp ý trước khi hoàn thiện, ban hành”, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nói.

Tiếp theo Hội thảo này, tới đây Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tổ chức Hội thảo tại TP. Hồ Chí Minh để lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia và đại diện cơ quan, tổ chức khu vực phía Nam./.

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép hoạt động cho 436 mạng xã hội, như: Facebook, Youtube, FB Mesenger, Zalo, Google+, Mocha… là những mạng có số lượng người sử dụng đông nhất.

Theo báo cáo năm 2018 của We are Social, Facebook ở Việt Nam hiện có khoảng 55 triệu thành viên (chiếm 57% dân số). Việt Nam xếp thứ 7/10 quốc gia có số người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới.

Về cơ cấu người sử dụng mạng xã hội Việt Nam, nhóm tuổi đông nhất sử dụng mạng xã hội như Facebook hiện nay đang là nhóm 25-34 tuổi (tăng 20%).

Theo khảo sát của chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) cho thấy, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam thể hiện tập trung: nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%)…

Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), trong nhiều trường hợp, mạng xã hội đang chiếm ưu thế so với các phương tiện truyền thông truyền thống trong việc định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội, đặc biệt là ở vụ việc nhạy cảm.

Minh Thế

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất