Thứ Sáu, 13/12/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 7/12/2018 16:15'(GMT+7)

Để văn hoá trở thành nền tảng

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Được định hướng bởi kim chỉ nam mỹ học Macxit và tư tưởng Hồ Chí Minh, con thuyền văn học nghệ thuật trên biển cả nhân dân sẽ hướng tới phía chân trời chân thiện mỹ. Đây là vấn đề mang tính nguyên lý đã được lịch sử khẳng định. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã gặp gỡ với tinh thần triết học văn hóa hiện đại trên thế giới: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

1. Người ta hay nói “dòng chảy văn hóa” là bởi văn hóa bao giờ cũng có ngọn nguồn, đó là các giá trị truyền thống. Không có nguồn thì không bao giờ có dòng chảy. Câu nói của Bác Hồ - danh nhân văn hóa kiệt xuất trở thành chân lý: “Chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”(1). 

Càng hội nhập văn hóa sâu người ta càng thấy rõ hơn quy luật: đi đến tận cùng dân tộc sẽ bắt gặp nhân loại. Đây là vấn đề bản sắc. Có thể ví văn hóa thế giới hôm nay như một Festival khổng lồ mà mỗi xứ sở tham gia đều phải đem đến nét bản sắc của riêng mình, vì nếu không sẽ bị hòa lẫn vào các sắc màu văn hóa khác. Chỉ có cái bản sắc riêng ấy mới là vị sứ giả thuyết phục nhất để mời gọi, tham gia đối thoại, giao lưu, để khẳng định giá trị. Bởi một quy luật thông thường trong giao tiếp là những gì lạ, đặc sắc, độc đáo mới dễ được quan tâm, chú ý. Mà muốn tạo ra được bản sắc thì chỉ có cách đi sâu vào truyền thống. Văn hóa thế giới hôm nay có quá nhiều hướng nghiên cứu nhưng có hướng không bao giờ lạc hậu là tìm về những giá trị cổ truyền rồi nối vào hiện đại để làm mới hiện đại.

Văn hóa luôn là một quá trình tiếp biến lâu dài, bền bỉ, có kế thừa phát triển, có chọn lọc đào thải. Cái mạch nguồn dinh dưỡng để nhà nghệ sỹ thai nghén, sáng tạo tác phẩm là văn hóa dân tộc. Đứa bé thiếu nguồn sữa mẹ sẽ còi cọc cả về thể chất và tinh thần. Cũng như vậy, nghệ sỹ xa rời truyền thống dứt khoát không thể có tác phẩm lớn. Phải ngụp lặn sâu vào tinh hoa vốn cổ, học hỏi ở đó tri thức, tìm thấy ở đó tâm hồn, tính cách con người, dân tộc Việt Nam, kết hợp với tâm huyết, tài năng, cơ hội… thì may ra mới có thành công để đời. Dĩ nhiên tiếp thu truyền thống phải trên tinh thần phản biện, gạn lọc, có kế thừa, những cái gì bất cập, cổ hủ, không phù hợp với hôm nay cần phải nghiên cứu loại bỏ. Lịch sử văn hóa nhân loại chứng minh bất kỳ sáng tác của một tác giả lớn nào đó cũng đều được bắt nguồn, khơi nguồn từ truyền thống, đồng thời trong những sáng tác ấy đều có những dấu ấn cách tân rất rõ.

2. Cuộc sống lao động và sáng tạo của nhân dân vừa là cái nôi, là mảnh đất màu mỡ, vừa là cảm hứng, vừa là đối tượng sáng tạo của nghệ thuật. Bất kỳ một nghệ thuật chân chính nào, trước nay cũng đều bắt nguồn từ đời sống, phản ánh và phục vụ đời sống. Nếu chỉ quanh quẩn với đề tài tình yêu, tình dục, tiền vàng, là chuyện cướp bóc, tù tội, là những suy nghĩ quẩn quanh, vụn vặt…thì sớm muộn sẽ đi vào ngõ cụt bởi những cái đó đều là đời sống, thuộc về đời sống nhưng dứt khoát không phải là điều cơ bản, không phải là ý nghĩa mang tầm thời đại, không phải là hơi thở của thời đại hôm nay. Hiện thực là nguồn gốc của nhận thức. Văn nghệ là một hình thái ý thức nên càng phải cắm sâu vào mảnh đất hiện thực để hút lấy tinh chất của cuộc đời. Thoát ly hiện thực, nghệ thuật nhất định khô héo. Chỉ có từ mảnh đất đời sống mới có thể nảy nở những tài năng. Không có cách nào khác, muốn rèn luyện tài năng người nghệ sĩ phải trở về cái gốc của nghệ thuật là đời sống muôn màu muôn vẻ kia. Các cây đại thụ văn chương thế giới, trước khi có những trước tác đồ sộ, họ cũng đều là những người lăn lộn với thực tế. Một tấm gương gần gũi mà sáng ngời: Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh - 30 năm tìm đường cứu nước đi qua 40 quốc gia lãnh thổ nói thành thạo hàng chục thứ tiếng, thấu hiểu và thấu cảm nhiều nền văn hóa để rồi sau này mỗi câu nói lời văn ý thơ của Người đều chứa đựng triết lý sâu sắc lớn lao mang tầm nhân loại phổ quát.

Mẫu số chung của văn hóa nhân loại là thương yêu, kính trọng con người. Lý thuyết diễn ngôn hiện đại rất có cơ sở khi cho rằng tác phẩm văn nghệ cũng là một tiếng nói đối thoại giữa người với người, thời đại này với thời đại khác, nền văn hóa này với nền văn hóa kia, nếu thiếu phẩm chất chân thành sớm muộn cũng bị tẩy chay, từ chối. Phải thật sự vì con người, có thể nói về những cái xấu, cái thấp hèn nhưng với mục đích để con người tốt hơn, nhân văn hơn, tác phẩm ấy mới có thể hòa vào cái mẫu số chung kia của thế giới. Những thứ phẩm có ngôn từ tục tĩu hay sáo rỗng, khêu gợi hoặc nhàn nhạt viết về những điều quá cũ nhằm mục đích câu khách hướng bạn đọc đi về miền tăm tối bản năng sẽ không bao giờ tạo nên giá trị.

3. Tiếp biến, giao thoa như là một thuộc tính của văn hoá, thường diễn ra trong những môi trường có điều kiện tương tự giữa các nước cùng khu vực, nhất là giữa các dân tộc “đồng văn, đồng chủng”. Có thể ví chúng như những cơn gió lạ đến từ nhiều phương trời khác nhau, có gió lành và gió độc. Vấn đề ở chỗ phân biệt để hưởng gió lành mà loại trừ gió độc, đề kháng với gió độc. Cần tiếp thu đa dạng các nền văn hoá khác nhau, nhưng là tiếp thu cái tiến bộ; phải chủ động, không nô lệ bắt chước, biết tiếp thu cái gì là đặc sắc mà mình còn thiếu. Chúng ta đang phải đối mặt với một thực tế về sự “xâm lăng văn hóa” mà một biểu hiện là các khuynh hướng, các trào lưu sáng tác văn học nghệ thuật trên thế giới hay có dở có đang từng bước ảnh hưởng. Chấp nhận sự đa dạng hóa các khuynh hướng sáng tạo nhưng làm sao phải đảm bảo yếu tố phù hợp với bản sắc văn hóa Việt, phù hợp với tâm lý tiếp nhận, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của đông đảo quần chúng lao động. Về điều này, lời căn dặn của Bác Hồ chỉ rõ hướng đi: “Muốn thấy hết cái hay cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta, thì phải đừng bị trói buộc bởi những tiêu chuẩn này nọ của nghệ thuật phương Tây, phải dựa trên tiêu chuẩn của ta…Tiêu chuẩn ấy là gì? Đó là nền mĩ học ẩn chứa trong thực tiễn truyền thống nghệ thuật dân gian” (Mịch Quang. Khơi nguồn mĩ học dân tộc, 2004. Nxb Chính trị Quốc gia, tr 8). Đấy cũng chính là quan niệm của triết học văn hóa: đánh mất bản sắc là mất tất cả. Vì lẽ ấy chúng ta cổ vũ những sáng tạo đích thực nằm trong dòng chảy vì con người, vì lẽ phải, trân trọng quá khứ, có lối sống vị tha bao dung đã làm nên bản sắc Việt, tính cách Việt./.

________________________________

(1) Trần Đương: Bác Hồ như chúng tôi đã biết. Nxb. Thanh Niên, H, 2009, tr. 166.

PGS. TS. Nguyễn Thanh Tú

(Nguồn: TC Văn nghệ Quân đội)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất