Chiều 20/8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Phiên họp thứ
36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán
ngân sách nhà nước năm 2024 của Bộ Y tế.
KIỂM ĐỊNH RÕ, TRÁNH TAI BIẾN DO VACCINE
Trình bày tóm tắt tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho
biết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán chi sự
nghiệp y tế, dân số và gia đình năm 2024 của Bộ Y tế là hơn 424,5 tỷ
đồng để thực hiện hoạt động tiêm chủng mở rộng năm 2024.
Cụ thể, kinh phí mua vaccine năm 2024 và dự trữ trong 6 tháng đầu năm
2025 là hơn 423 tỷ đồng (11 loại vaccine: Viêm gan B sơ sinh, lao, bại
liệt uống, sởi, sởi - rubella, viêm não Nhật Bản, bạch hầu - ho gà - uốn
ván, uốn ván - bạch hầu giảm liều, uốn ván, rota, DPT-VGB-Hib), trong
đó đã bao gồm 110,6 tỷ đồng để thanh toán hợp đồng mua 2,8 triệu liều
vaccine DPT-VGB-Hib ngày 5/2/2024 giữa Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
và Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1.
Kinh phí thực hiện hoạt động bồi thường trường hợp tai biến do tiêm
vaccine năm 2024 là gần 1,497 tỷ đồng, gồm: 118 triệu đồng bồi thường
cho 1 trường hợp tai biến nặng năm 2023 và 1,379 tỷ đồng dự kiến bồi
thường cho 12 trường hợp tai biến nặng có thể xảy ra trong năm 2024.
Trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân
sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, việc Chính phủ trình Ủy
ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024
của Bộ Y tế để thực hiện hoạt động tiêm chủng mở rộng là đủ
cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền theo quy định; đáp ứng yêu cầu
về sự cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho sức khỏe, tính mạng cho người
dân, đặc biệt là trẻ em.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất
trí với phương án Chính phủ trình về kinh phí mua vaccine năm 2024
và dự trữ trong 6 tháng đầu năm 2025; đồng thời đề nghị Chính phủ
chịu trách nhiệm trong việc bố trí kinh phí mua vaccine theo đúng quy
định của pháp luật, bảo đảm tính hợp lý để triển khai nhiệm vụ tiêm
chủng theo kế hoạch đã đề ra.
Có ý kiến cho rằng, do chưa xác định được đơn giá tối đa năm
2024 nên chưa thể xác định giá cụ thể để đặt hàng và triển
khai đặt hàng; đồng thời, chưa đảm bảo căn cứ xác định giá như
tính toán của Bộ Tài chính cũng như xác định số chênh lệch
giữa dự toán do Bộ Y tế lập so với dự toán của Bộ Tài
chính. Vì vậy, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cân nhắc việc
quyết định kinh phí này.
Về kinh phí bồi thường tai biến sau tiêm vaccine, Thường trực
Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành với đề nghị của Chính
phủ. Song, có ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo rõ lý do dự
kiến tai biến nặng có thể xảy ra năm 2024 tăng nhiều lần (12
trường hợp), so với năm 2023 (1 trường hợp); đồng thời cân nhắc
bổ sung thêm kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền
thông do kinh phí được bố trí không đủ so với nhu cầu thực tế phát sinh.
Có ý kiến đề nghị bố trí kinh phí để thực hiện việc kiểm
định vaccine, bảo đảm an toàn cho người dân, tránh tai biến do
vaccine.
TRÁNH CHẬM TRỄ, KÉO DÀI NGUỒN LỰC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách
nhà nước năm 2024 của Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
khẳng định, việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước để mua vaccine thực
hiện tiêm chủng mở rộng là cần thiết, vì hiện nay đang phát sinh một số
loại dịch bệnh.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu
rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung dự toán chi sự nghiệp y
tế, dân số và gia đình năm 2024 cho Bộ Y tế hơn 424,5 tỷ đồng để thực
hiện hoạt động tiêm chủng mở rộng theo Tờ trình của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Chính phủ chịu trách nhiệm về căn cứ
pháp lý của các nội dung đề xuất, tính chính xác của số liệu, tính đầy
đủ, hợp lệ, tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi và các điều kiện
bổ sung, giao dự toán theo đúng quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng
quyết toán kinh phí được phân bổ, bổ sung dự toán đúng quy định của
Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan, bảo đảm kịp thời,
hiệu quả, đúng mục đích, không để xảy ra thất thoát lãng phí tiêu cực.
Chính phủ khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán ngân sách 2024 cho Bộ Y tế, gửi
Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; đồng thời báo cáo Quốc hội tại
Kỳ họp tới.
“Chính phủ rút kinh nghiệm trong xây dựng dự toán, hạn chế thấp nhất
các khoản kinh phí không phân bổ được từ đầu năm, không để xảy ra tình
trạng chậm trễ, trái quy định, khoản chi thường xuyên ổn định hàng năm
không được giao dự toán ngay từ đầu năm. Quá trình điều hành Chính phủ
cần chỉ đạo quyết liệt để sớm giao dự toán các khoản chưa phân bổ, tránh
chậm trễ, kéo dài, lãng phí, kém hiệu quả nguồn lực ngân sách nhà
nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng biểu quyết thống nhất với
kết luận nêu trên; giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chủ trì
phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về bổ sung dự toán chi
sự nghiệp y tế, dân số và gia đình năm 2024 cho Bộ Y tế. Bộ Y tế xin ý
kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Bộ trưởng ký ban hành./.
TTXVN