Ngày 20/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự
án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ
thuật.
PHÙ HỢP VỚI THÔNG LỆ QUỐC TẾ
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho
biết, sau khi sửa đổi, bổ sung thì Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ
thuật có 6 chương và 66 điều (giảm 1 chương và giảm 5 điều so với Luật
hiện hành). Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 6 nhóm nội dung
chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua.
Qua thực tiễn hơn 17 năm thi hành, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ
thuật đã đưa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
được nâng lên cả chất và lượng; phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự
phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức minh bạch, phù hợp với quy định của
WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất
lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu
hàng hóa chủ lực của Việt Nam.
Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, Đảng ta
đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết chỉ đạo thể chế hóa chủ trương đổi
mới đối với lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; đồng thời, thực
tiễn thi hành thời gian qua cho thấy Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ
thuật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù
hợp với các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới,
đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm nâng
cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa
học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Thường
trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cơ bản tán thành với việc
sửa đổi các quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp để đáp ứng yêu cầu
minh bạch hóa trong thực thi các Hiệp định FTA. Tuy nhiên, dự thảo Luật
cần nghiên cứu, bổ sung quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức
đánh giá sự phù hợp để bảo đảm tính cạnh tranh, khách quan và hiệu quả
của hoạt động này, đặc biệt là hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.
Thường trực Ủy ban đồng tình với quy định thừa nhận đơn phương kết
quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức quốc tế, nước ngoài là giải pháp
tối ưu, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của
doanh nghiệp trong tình hình hiện nay đối với một số lĩnh vực công nghệ
mới nổi mà nguồn lực trong nước chưa thể đáp ứng nhu cầu thị thường,
thúc đẩy xã hội hoá hoạt động thử nghiệm, chứng nhận, giám định, phù hợp
thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đây là quy định mới, cần được quy
định cụ thể để hướng dẫn bộ, ngành thực hiện việc thừa nhận đơn phương
kết quả đánh giá sự phù hợp phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.
Về đánh giá sự phù hợp, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy Thường
trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành với việc
sửa đổi các quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp để đáp ứng yêu cầu
minh bạch hóa trong thực thi các Hiệp định FTA. Tuy nhiên, dự thảo Luật
cần nghiên cứu, bổ sung quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức
đánh giá sự phù hợp để bảo đảm tính cạnh tranh, khách quan và hiệu quả
của hoạt động này, đặc biệt là hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đồng tình với
quy định thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ
chức quốc tế, nước ngoài là giải pháp tối ưu, tháo gỡ khó khăn trong sản
xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong tình hình hiện
nay đối với một số lĩnh vực công nghệ mới nổi mà nguồn lực trong nước
chưa thể đáp ứng nhu cầu thị thường, thúc đẩy xã hội hoá hoạt động thử
nghiệm, chứng nhận, giám định, phù hợp thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, một
số ý kiến cho rằng, đây là quy định mới, cần được quy định cụ thể để
hướng dẫn bộ, ngành thực hiện việc thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá
sự phù hợp phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.
Về việc công bố hợp chuẩn, hợp quy, dự thảo Luật đã bổ sung quy định
thử nghiệm phục vụ chứng nhận của tổ chức chứng nhận; tự đánh giá sự phù
hợp của tổ chức, cá nhân được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm được chỉ
định hoặc kết quả thử nghiệm được thừa nhận; bổ sung thêm 1 biện pháp
công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận được thừa nhận (Điều 57),
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng việc điều
chỉnh, bổ sung quy định trên là phù hợp với cam kết minh bạch hóa tại
các FTA mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý.
QUY ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng
Thanh cho biết, qua theo dõi thấy các doanh nghiệp có phản ánh quy chuẩn
kỹ thuật của chúng ta đâu đó còn có nội dung quy định thiếu thống nhất,
các hiểu chưa rõ ràng dẫn đến trong quá trình triển khai thực hiện có
vướng mắc. Ví dụ quy chuẩn về an toàn về cháy của các công trình, hay
quy chuẩn điều kiện, đầu tư kinh doanh. Ngoài ra các doanh nghiệp cũng
phản ánh quá trình ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn còn “giật cục”,
nhanh quá mà không có lộ trình để thực hiện. Điều này làm cho chi phí
tuân thủ của doanh nghiệp tăng lên, ảnh hưởng đến áp lực cạnh tranh hàng
hoá của doanh nghiệp. Đây là cái chúng ta cần phải sửa đổi để có quy
định, tránh các vướng mắc bất cập.
Về quy định cho các tổ chức, doanh nghiệp được tham gia vào quá trình
xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng
Thanh là rất đúng vì đây là
những đối tượng chịu tác động trực tiếp của những tiêu chuẩn, quy chuẩn
này để hàng hoá người ta có thể được đưa ra thị trường trong nước và
thị trường của nước ngoài. Tuy nhiên cần có tiêu chí, có điều kiện quy
định trách nhiệm cũng như hình thức của các doanh nghiệp tham gia vào
quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc tham vấn ý kiến cộng đồng doanh
nghiệp hết sức quan trọng. Do đó cần có cơ chế khuyến khích để tham vấn
ý kiến doanh nghiệp bởi trong quá trình sản xuất kinh doanh họ va chạm,
vướng mắc ở chỗ này, chỗ kia, nên họ có kinh nghiệm thực tiễn có thể
tham vấn đóng góp đưa ra bộ tiêu chuẩn quy chuẩn phù hợp. Về trách nhiệm
quản lý nhà nước của các cơ quan đã có quy định, các bộ ban hành quy
chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành. Nhưng vai trò trách nhiệm của Bộ Khoa
học công nghệ cũng cần được quy định rõ ràng hơn.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị nghiên cứu trách nhiệm của
các cơ quan khi ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn nếu xảy ra những bất
cập, hoặc có quy trình thủ tục gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp,
tránh được những tiêu cực phát sinh. Tổng Thư ký Quốc hội lấy ví dụ nếu đưa ra
tiêu chuẩn quá cao, liệu có xảy ra trình trạng rút ruột công trình mà
vẫn đảm bảo không bị sập khiến nguồn lực nhà nước bị lãng phí.
“Có những quy chuẩn, tiêu chuẩn đặt ra để rồi người dân, doanh nghiệp
phải “thế này, thế kia”. Do đó cần nghiên cứu thêm để quy định cho đầy
đủ”, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh./.
TTXVN