Ông Nguyễn Văn Léo bên sản phẩm tàu biển. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)
“Bảo tàng” độc đáo
Những ngày cuối năm, khi gió chướng đưa mùi vị mặn mòi của biển cả vào làng chài thuộc xã Thới Thuận, chúng tôi tìm gặp ông Ba Léo để hỏi về các sản phẩm của ông. Ông Ba Léo chỉ trả lời “mỗi con tàu là một câu chuyện, mỗi sản phẩm là ký ức của ông lưu lại.”
Ông Ba Léo cho biết ông chỉ học đến lớp 4 rồi theo cha đi biển đánh bắt thủy sản. Với sự nhanh nhẹn, thông minh, ông sớm trở thành tài công của các loại tàu đi biển. Trong những lần lênh đênh trên biển, những con tàu đánh cá có nhiều hình dáng khác nhau theo đặc điểm của từng ngư trường đã in đậm tâm trí ông theo thời gian.
Trong nhiều năm gắn bó với biển cả, ông Ba Léo luôn có suy nghĩ làm sao lưu giữ lại cho bản thân và con cháu mai sau hình ảnh những con tàu.
Mặc dù không biết nghề mộc, nhưng với quyết tâm cao, ông đã tự làm các mô hình tàu thuyền đi biển và phương tiện tàu, ghe trên sông nước miền Tây.
Với tay chọn một chiếc tàu được xếp gọn gàng trên kệ, ông Ba Léo chậm rãi kể: Đây là con tàu được ví như chiếc xích lô, chuyên chở hàng trên sông cho “dân buôn” những năm 1950, 1960, nhiều nhất là ở khu vực thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), hiện vẫn còn nhưng rất hiếm và không được nguyên bản như trước.
Con tàu chở hàng sau khoảng hai thập kỷ phát triển thịnh vượng đã đi vào thoái trào, ít được sử dụng hơn do đường bộ phát triển và dần biến tấu nhiều chi tiết để thích ứng với thời thế, có chiếc được lắp băng ghế để chở người qua sông như một chiếc đò, có chiếc lắp mái che phục vụ du lịch, ông Ba Léo nói.
Cầm một chiếc đò mô hình khác, được chế tác từ gỗ mít chỉ bằng lòng bàn tay, dài hơn một gang tay, ông Ba Léo tiếc nuối: “Chiếc này giờ đã vắng bóng trên các dòng sông, kênh rạch miền Tây thật rồi.” Đó là chiếc đò ủi Long An, được ông chế tác qua lời kể của các vị cao niên ở tỉnh Long An. Khi làm xong và trình làng chiếc đò, ai cũng thán phục vì giống đến từng chi tiết.
Trên thân chiếc đò ủi, ông Ba Léo còn đề thêm hai câu thơ
“Thân em nhỏ bé cùng anh. Lưu thông vận tải khắp miền quê hương” như nhắc nhở về một loại hình vận tải phổ biến của người dân Long An một thời trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây…
Trong 10 bộ sưu tập của ông, hơn 400 sản phẩm là những chiếc tàu, thuyền đánh bắt thủy hải sản Nam Bộ, trong đó hơn 100 sản phẩm tàu thuyền được chế tác từ gỗ dừa.
Bên cạnh đó, ông Ba Léo chế tác các loại máy bay tàu chiến, bộ chông, hầm trốn đạn pháo bom thời chiến; bộ máy bay, tàu chiến phục vụ chiến tranh Việt Nam… Cầm tác phẩm nào lên, ông đều nói rõ ràng từng chi tiết về lịch sử xuất xứ, thời gian tồn tại đến quá trình chế tác của mình.
Thấy ông suốt ngày đục, đẽo, bà Trần Thị The (vợ ông) nhiều lần khuyên can nhưng ông vẫn làm. Những ngày theo ghe đi câu mực trên biển, tranh thủ thời gian rảnh, ông Ba Léo lại mang bộ đồ nghề ra để đục, đẽo.
Lâu dần, biết không thể ngăn cản được nên bà The chiều ý chồng. Ngay cả việc xây cất nhà, bà cũng thuận ý chồng dành riêng một phòng phía trước để ông làm nơi trưng bày sản phẩm, nay đã trở thành "bảo tàng" chuyên lưu giữ những chiếc tàu, thuyền và mô hình mà ông tạo ra.
Ông Nguyễn Văn Léo bên sản phẩm tàu biển đánh bắt xa bờ. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)
Món quà cho con cháu
Kinh tế nhiều lúc khó khăn, nhưng với ông Ba Léo, những sản phẩm của ông tạo ra không phải là mặt hàng thủ công mỹ nghệ bình thường, ông chỉ bán cho ai thật sự am hiểu về sản phẩm.
Ông Ba Léo cho biết, ông làm chủ yếu vì đam mê, không phải làm thương mại nên việc mua bán không quan trọng. Chủ yếu ông tạo ra là để cho con cháu hiểu về một giai đoạn lịch sử mà cha ông đã trải qua. “Bảo tàng” của ông Ba Léo chuyên phục vụ học sinh tại xã và nhiều người dân trên địa bàn.
[Nghệ sỹ Nguyễn Văn Được với thú chơi mô hình xe lửa]
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh Tiền Giang cho biết, ông Nguyễn Văn Léo là thành viên có nhiều đóng góp cho Hội Di sản văn hóa tỉnh Tiền Giang. Các sản phẩm của ông Ba Léo góp phần lưu giữ lại hình ảnh gắn liền với nghề biển và phương tiện thủy đi lại trên sông, qua đó góp phần giáo dục truyền thống nghề biển cho các thế hệ mai sau.
Trước đây, trong các buổi triển lãm đều có sản phẩm của ông Nguyễn Văn Léo. Dịp Tết sắp tới, Hội sẽ trao đổi với ông Ba Léo để đưa các sản phẩm ra trưng bày, phục vụ khách tham quan, ông Dũng chia sẻ.
Ngoài ra, sản phẩm của ông Ba Léo được triển lãm qua các sự kiện trong và ngoài tỉnh, đoạt nhiều giải cao. Năm 2010, nghệ nhân Nguyễn Văn Léo được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận người có bộ sưu tập mô hình tàu thuyền khai thác thủy sản và đường sông nhiều nhất./.