Thứ Năm, 21/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Ba, 2/10/2018 15:26'(GMT+7)

Những bằng chứng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Cắt băng khai mạc Triển lãm. (Ảnh: TTXVN)

Cắt băng khai mạc Triển lãm. (Ảnh: TTXVN)

Triển lãm trưng bày khoảng 120 hình ảnh, các tư liệu văn bản, bản đồ... đã được thu thập trong nước và trên thế giới, khẳng định về pháp lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Triển lãm đã mang tới cho người xem những hình ảnh văn bản bằng chữ Nôm, chữ Hán, Hán Nôm có niên đại từ thế kỷ thứ XVI-XX, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, bao gồm: Toàn tập "Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư" của ông Đỗ Bá, người huyện Thanh Chương (Nghệ An); bộ "Đại Việt sử ký tục biên" do chúa Trịnh Sâm chỉ đạo biên soạn ghi rất rõ Chúa Trịnh Sâm đã tổ chức Đội Hoàng Sa đi ra ngoài quần đảo Hoàng Sa để đánh bắt hải sản và thu nhặt các vật là tài sản hoang hóa tại đây đưa về Đàng Trong.

Trong tập "Đại Nam thực lực Tiền biên," "Đại Nam thực lực Chính biên" và các tài liệu thời các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị đều nói rằng các vua nhà Nguyễn đã cử lực lượng ra Hoàng Sa đo đạc, kiểm đếm các hòn đảo, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền, xây dựng miếu thờ, trồng cây trên các đảo để đánh dấu nhằm giúp tàu bè khi đi ngang qua đây không bị mắc cạn.

Đặc biệt, các tài liệu còn cho biết các hoạt động cứu hộ trên biển của lực lượng thủy quân và lực lượng thủy đội Hoàng Sa của triều đình nhà Nguyễn đã cứu hộ tàu của người Anh, người Pháp bị mắc cạn ở quần đảo Hoàng Sa.

Tại Triển lãm còn có văn bản bằng chữ Chăm phản ánh việc triều đình nhà Nguyễn huy động cư dân ra thực hiện công cuộc xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài ra, Triển lãm còn có các công trình nghiên cứu của các học giả lúc bấy giờ như Lê Quý Đôn, Lê Dân... 

Cùng với đó, Triển lãm cũng trưng bày các tư liệu hình ảnh bản đồ gồm các nhóm tư liệu bản đồ do người Việt vẽ từ thế kỷ XVII-XX; bản đồ Trung Quốc do các nước phương Tây và Trung Quốc xuất bản có niên đại từ thế kỷ XVI - XX đã ghi rõ: lãnh thổ của Trung Quốc về phía cực Nam là ở đảo Hải Nam; nhóm tư liệu bản đồ Việt Nam do các nước phương Tây vẽ xuất bản từ thế kỷ XVI-XX đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều là của Việt Nam; bản An Nam Đại Quốc họa đồ do linh mục Tabe vẽ năm 1838 - bản đồ Việt Nam gần như hoàn chỉnh như bây giờ... 

Tại Triển lãm lần này, lần đầu tiên có triển lãm số thông qua đĩa CD, trong đó thuyết minh toàn bộ về tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa chiếu trên máy tính, tivi để mọi người có thể tiếp cận một cách sinh động.

Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” diễn ra đến ngày 5/10./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất