Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 12/4/2013 17:25'(GMT+7)

Bộ Tài chính góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Quyết liệt triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý thu NSNN

Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện các nhiệm vụ tài chính-NSNN Quý 1/2013 của Bộ Tài chính nêu rõ, ngành Tài chính đã triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2013, các Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, trong tháng 3 và Quý I/2013, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài chính – NSNN và đã đạt những kết quả tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Theo báo cáo, tăng trưởng GDP quí I/2013 ước đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm 2012 (4,75%). Lạm phát được kiềm chế, giá cả thị trường tương đối ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2013 giảm 0,19% so với tháng trước, là tháng có chỉ số giảm sau 7 tháng tăng liên tiếp; so với tháng 12/2012 tăng 2,39%, đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua. Chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến - chế tạo tính đến 1/3/2013 tăng 16,5% so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn thấp. Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, tháng 3 ước đạt 11 tỷ USD, tăng 53,9% so với tháng trước; quí I/2013 ước đạt 29,69 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2012. Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 ước đạt 11,3 tỷ USD, tăng 56% so với tháng trước. Kim ngạch nhập khẩu quí I/2013 ước đạt 29,2 tỷ USD, tăng 17%. Xuất siêu quí I/2013 đạt khoảng 481 triệu USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và dự trữ ngoại hối của Nhà nước. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2013 ước đạt 202,6 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước (tương đương 29,6% GDP). Vốn FDI đăng ký và thực hiện trong quí I/2013 tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn đăng ký ước đạt trên 6 tỷ USD, tăng 63,6%; vốn thực hiện ước đạt 2,7 tỷ USD tăng 7,1%; Lãi suất tiếp tục giảm, góp phần từng bước tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thanh khoản các ngân hàng thương mại đã có bước chuyển biến. Tỷ giá, thị trường ngoại hối tương đối ổn định; dự trữ ngoại tệ của Nhà nước tăng cao (đạt hơn 12 tuần nhập khẩu); thị trường vàng từng bước ổn định; Thị trường chứng khoán tăng điểm khá trong Quý I/2013 theo xu thế từ tháng 12/2012. Tính đến ngày 29/3/2013, chỉ số VN-Index ở mức 491,04 điểm, tăng 19% so với đầu năm; Giá trị giao dịch bình quân đạt 1.726 tỷ đồng, tăng 105% so với đầu năm. Mức vốn hóa thị trường khoảng 890 nghìn tỷ đồng, tương đương 30% GDP. Tính đến ngày 22/3/2013, vốn huy động qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa đạt khoảng 1.153 tỷ đồng. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thuần trong tháng 3/2013 đạt khoảng 44 triệu USD; trong Quý I/2013 là 133 triệu USD.

Về công tác thu chi ngân sách, tổng thu cân đối thực hiện tháng 3 ước đạt 54.140 tỷ đồng; luỹ kế thu 3 tháng đạt 167.710 tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó: Thu nội địa: thực hiện tháng 3 ước đạt 35.000 tỷ đồng, bằng 6,4% dự toán, tăng 19% (5.400 tỷ đồng) so với thực hiện tháng 2. Luỹ kế thu 3 tháng ước đạt 114.040 tỷ đồng, bằng 20,9% dự toán, xấp xỉ bằng mức thực hiện cùng kỳ năm 2012. Thu về dầu thô: thực hiện tháng 3 ước 8.200 tỷ đồng, luỹ kế thu quý I ước đạt 25.770 tỷ đồng, bằng 26% dự toán. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: thực hiện tháng 3 ước đạt 14.540 tỷ đồng, tăng khoảng 540 tỷ đồng so thực hiện tháng trước. Luỹ kế thu 3 tháng đạt 41.150 tỷ đồng, bằng 17,3% dự toán.

Tổng chi NSNN tháng 3 ước 70.850 tỷ đồng; luỹ kế chi 3 tháng ước đạt 218.385 tỷ đồng, bằng 22,3% dự toán, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2012.

Trả lời câu hỏi của báo chí về kết quả thu chi ngân sách đang trong bối cảnh khó khăn và liệu bội chi ngân sách có giữ được con số 4,8% như mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra hay không, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho rằng, tỷ lệ thu-chi ngân sách của quý I/2013 là thấp so với tiến độ thu các năm, dự báo rất khó khăn trong tiến độ thu NS những tháng còn lại. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính xác định cần hết sức quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý thu ngân sách mà giải pháp đầu tiên là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Hoàn thiện và rà soát các cơ chế chính sách thu; tăng cường quản lý thu ngân sách, chống thất thu; Đẩy mạnh tiết kiệm chi nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách; xử lý cân đối ngân sách địa phương một cách chủ động linh hoạt nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu đề ra.

Có lộ trình thích hợp đưa mức thuế TNDN về 20%

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng đã chia sẻ với các cơ quan thông tấn báo chí về một số nội dung liên quan đến thuế TNDN và thuế GTGT hiện đang được Bộ Tài chính trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Theo Nghị quyết 02 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu trình Quốc hội về các nội dung miễn, giảm thuế. Hiện nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp thuế tháo gỡ khó khăn cho DN, dự kiến trong phiên họp ngày 18/4 sắp tới, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về Nghị quyết này và Dự án luật thuế TNDN.

 Về câu hỏi liệu thuế GTGT có kích cầu tiêu dùng hay không, và miễn giảm thuế được áp dụng như thế nào, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, tại dự thảo Nghị quyết trên, Bộ Tài chính trình 2 nội dung liên quan đến thuế GTGT để kích cầu và hỗ trợ cho thị trường BĐS là xem xét giảm 50% số thuế VAT đầu ra từ ngày 1-7-2013 đến hết 30-6-2014 đối với hoạt động đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội; giảm 30% số thuế VAT từ ngày 1-7-2013 đến hết 30-6-2014 đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

 Đối với nội dung liên quan đến thuế TNDN, áp dụng thuế suất thuế TNDN 20% từ 1/7/2013 đối với DNVVN; Áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% từ 1/7/2013 đối với DN kinh doanh nhà ở xã hội. thực hiện ưu đãi mở rộng đối với lĩnh vực ưu đãi. Cả 3 nội dung này đều được đề nghị áp dụng bắt đầu từ 1-7-2013, tức là sớm 6 tháng so với lộ trình.

Trả lời câu hỏi về quan điểm của Bộ Tài chính về việc giảm thuế suất thuế TNDN về 20%, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, thuế suất thuế TNDN có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến thuế suất phổ thông về 20% nhưng có ý kiến đề xuất 23% như đề nghị của Chính phủ. Quốc hội cũng đã cho ý kiến đề nghị Chính phủ nghiên cứu đưa ra lộ trình cụ thể đối với thuế suất 20%. Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu để lựa chọn phương án tối ưu nhất với lộ trình phù hợp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cho sản xuất phát triển, đồng thời tạo sự cạnh tranh cho môi trường đầu tư Việt Nam.

 Về thuế TNDN với báo chí, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nêu rõ, tại Dự án thuế TNDN trình Quốc Hội đã đề xuất thuế TNDN cho thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) từ 25% về thuế suất 10% của cơ quan báo chí. Hiện Bộ Tài chính đã trao đổi thống nhất với Bộ Thông tin truyền thông và Hội Nhà báo trình Chính phủ để trình Quốc hội.

Tăng cường kiểm soát thị trường sữa

Một số nội dung quan trọng khác được dư luận đang hết sức quan tâm như công tác quản lý điều hành giá đối với một số mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân như giá xăng dầu, giá sữa và một số mặt hàng khác cũng được đại diện lãnh đạo đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính trả lời cụ thể tại cuộc họp báo.

Liên quan đến các câu hỏi về việc tăng, giảm giá xăng, việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý Giá cho biết, về cơ bản, việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ, trên cơ sở Nghị định 84, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 về việc hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá. Quỹ được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở là 300 đồng/lít (kg) của lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ và được xác định là một khoản mục chi phí trong cơ cấu giá cơ sở của thương nhân đầu mối. Việc trích lập Quỹ bình ổn giá là chi phí bắt buộc, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của DN. Dựa trên cơ sở chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ liên bộ Tài chính-Công thương sẽ có quyết định điều chỉnh cho phù hợp. Khi mặt bằng giá thế giới lên cao, giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ Liên Bộ sẽ quyết đinh các phương án điều hành, trong đó có việc sử dụng Quỹ bình ổn(nếu quỹ bình ổn còn) hoặc yêu cầu doanh nghiệp giảm giá nếu giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ. Điều hành xăng dầu theo tín hiệu thị trường, có sự quản lý của nhà nước thông qua các công cụ, trong đó có quỹ bình ổn giá là phương châm nhất quán trong tư duy và thực tế công tác điều hành của Bộ Tài chính. Ông Tuấn cũng cho biết thêm, liên quan đến thuế suất xăng dầu, hiện mức thuế suất với xăng thấp hơn rất nhiều so với barem quy định. Tuy nhiên để chia sẻ với người tiêu dùng, Liên Bộ đề nghị ko tăng thuế trong lần điều chỉnh xăng ngày 9/4 vừa qua.

Trả lời câu hỏi của báo chí về tình trạng hiện nay, một số DN kinh doanh sữa thay đổi tên thành thực phẩm dinh dưỡng bổ sung nên đã không phải nằm trong diện quản lý giá, ông Tuấn nêu rõ: Trước tình hình một số doanh nghiệp tăng giá sữa, ngày 12/3/2013, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 3181/BTC-QLG đề nghị Sở Tài chính các tỉnh thành phố tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh sữa bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về giá; chỉ đạo không tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi; đồng thời có Công văn số 3080/BTC-QLG gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị cung cấp danh sách các sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm là sữa, sản phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng hay thức ăn công thức... của các công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa để làm cơ sở theo dõi và kiểm tra. Đồng thời, ngay tại cuộc họp Tổ Thị trường trong nước tháng 2, tháng 3, Bộ Tài chính đã kiến nghị  Bộ Công thương cần sớm có cuộc họp liên ngành bàn vấn đề quản lý giá đối với mặt hàng sữa, đặc biệt trên 3 khía cạnh:Thương phẩm (Tên gọi chuẩn hóa là gì); Chất lượng; Giá cả. Trên cơ sở đó, có kiến nghị lại bộ ngành liên quan xem xét, nếu mặt hàng này ảnh hưởng lớn đến người dân sẽ kiến nghị đưa vào danh mục bình ổn để thực hiện quản lý theo Luật Giá. Không riêng gì mặt hàng sữa mà đối với những mặt hàng có ảnh hưởng tới người dân sẽ xem xét một cách nghiêm túc, kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền kiếm soát giá cả, đem lại lợi ích thực sự cho người tiêu dùng.

SCIC sẽ công khai việc sử dụng quỹ

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đem gửi tiền vào ngân hàng, ông Đặng Quyết Tiến,  Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết: “SCIC có hai nhiệm vụ: Một là công ty đầu tư vốn (đầu tư tài chính) và thứ hai, SCIC được Chính phủ giao cho quản lý Quỹ hỗ trợ sản xuất và phát triển doanh nghiệp theo quyết định 21/2012/QĐ-Ttg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định thì tiền vốn thuộc quỹ này được gửi ngân hàng và tiền lãi thì thu về cho quỹ, SCIC có trách nhiệm giữ quỹ,  còn việc chi như thế nào lại theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. SCIC được quyền quản lý quỹ và đem gửi tiền ở ngân hàng hoặc kho bạc như bất kỳ một doanh  nghiệp nào. Lãi thu được nhằm tăng thêm số dư quỹ. Về nguyên tắc, SCIC phải công khai báo cáo kế toán và báo cáo tài chính quỹ hàng năm đồng thời Kiểm toán nhà nước hàng năm đều kiểm toán quỹ này. SCIC là doanh nghiệp kinh doanh vốn, nguyên tắc hiệu quả của nguồn vốn đầu tư cũng như việc bảo toàn được nguồn vốn của nhà nước luôn phải được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, nhiều DN thiếu vốn nhưng ko được SCIC đầu tư do không có phương án kinh doanh, không đảm bảo được hiệu quả của đầu tư. Trong thời gian tới SCIC sẽ công khai việc sử dụng quỹ.”

Về triển khai tái cấu trúc các DNNN, một số DN phản ánh gặp khó khi phải đảm bảo giá thoái vốn không thấp hơn giá mua, ông Đặng Quyết Tiến, khẳng định: Khi thoái vốn phải theo nguyên tắc thị trường công khai minh bạch, bảo toàn vốn cao nhất, để tránh việc tiêu cực đẩy thiệt hại về phía Nhà nước. Khi thoái vốn công khai qua thị trường, chỉ sau khi mở thầu rồi không có người mua mới được bán thỏa thuận, đảm bảo giá bán... Các quy trình và thủ tục đã có hướng dẫn cụ thể, các doanh nghiệp xây dựng các phương án thoái vốn và phối hợp với Bộ Tài chính để đưa ra phương án cụ thể cho các trường hợp.

Cổng TTĐT Bộ Tài chính

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất