Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay của Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) là đẩy nhanh tiến độ đo đạc, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các địa phương trong cả nước; đồng thời triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 1474 của Thủ tướng Chính phủ, về thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách để chấn chỉnh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đất ở và tài sản khác gắn liền với đất, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai.
Chiều 7/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp báo để thông báo 3 vấn đề lớn về quản lý đất đai đang được các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm. Đó là tiến độ và kết quả cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc xử lý vấn đề hết thời hạn giao đất theo Luật Đất đai năm 1993 và tiến độ sửa đổi Luật Đất đai năm 2003.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đào Trung Chính: Tính đến ngày 31/12/2011, đã thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính trên cả nước với tổng diện tích trên 25 triệu ha đất, chiếm 76% tổng diện tích cần đo đạc, trong đó tỷ lệ 1:200 là 15,30 nghìn ha; tỷ lệ 1:500 là 237,80 nghìn ha; tỷ lệ 1:1000 là 1.526 nghìn ha; tỷ lệ 1:2000 là 4.443, 80 nghìn ha; tỷ lệ 1:5000 là 3.181,50 nghìn ha, tỷ lệ 1:10.000 là 15.664,90 nghìn ha.
Qua đó, cho đến nay các địa phương trong cả nước đã cấp được 35.394.800 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với diện tích 20.264 nghìn ha; trong đó đất sản xuất nông nghiệp đạt 85,1% diện tích, đất lâm nghiệp đạt 86,3%, đất nuôi trồng thủy sản đạt 83% diện tích cần cấp, đất ở nông thôn đạt 79,3%, đất ở đô thị đạt 63,5%...
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay của Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) là đẩy nhanh tiến độ đo đạc, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các địa phương trong cả nước; đồng thời triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 1474 của Thủ tướng Chính phủ, về thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách để chấn chỉnh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đất ở và tài sản khác gắn liền với đất, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai.
Về việc xử lý vấn đề hết hạn giao đất theo Luật Đất đai năm 1993, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Theo đúng quy định của Luật Đất đai 2003, khi hết thời hạn giao đất (20 năm đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy và 50 năm đối với đất trồng cây lâu năm và rừng sản xuất), nếu người dân có nhu cầu và trong quá trình sử dụng tuân thủ đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch sẽ được tiếp tục sử dụng phần đất đó mà không gây bất cứ sự xáo trộn nào. Luật Đất đai cũng đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giao đất. Nên người dân cần phải hiểu đúng, đầy đủ về bản chất của Luật.
Các cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 trình Chính phủ xem xét vào tháng 6 năm nay, sau đó xin ý kiến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân để chỉnh sửa và trình Quốc hội vào kỳ họp tới. Hiện Chính phủ cũng đang thảo luận về vấn đề sửa đổi Luật Đất đai 2003; đồng thời đã giao các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết việc thi hành Luật Đất đai. Sắp tới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ bàn về vấn đề này.
Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã trả lời một số câu hỏi của các nhà báo về những vấn đề nổi cộm trong công tác quản lý đất đai thời gian vừa qua. Nhân dịp này, Bộ cũng đã thông tin về một số hoạt động của Bộ trong năm nay, như kỷ niệm 10 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (2002-20120); kỷ niệm Ngày nước thế giới 22/3 sẽ được tổ chức tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Mặt khác, Bộ đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Ngày Môi trường thế giới 5/6; Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 1-8/6 và Ngày Khí tượng thế giới 23/3…/.
TTX