Bộ Atlas Thế giới gồm 6 tập với 7 bản đồ chung của 5 châu lục, trong đó Việt Nam được giới thiệu thông qua các tấm bản đồ số 97, 105, 106, 110. Partie de la Cochinchine là tờ số 106, vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16. Phía ngoài khơi, Paracels (Hoàng Sa) được vẽ khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng từ vĩ độ 16 đến vĩ độ 17 và kinh độ từ 109 đến 111.
Partie de la Cochinchine là tờ số 106, vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16.
Theo Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Partie de la Cochinchine là bản đồ thực sự khách quan, khoa học, đánh dấu một cách chính xác vùng các đảo ven bờ như Cham Collac ou Champella (Cù Lao Chàm), P.Canton ou Cacitam (Cù Lao Ré) … và phân biệt rạch ròi với quần đảo Hoàng Sa ở giữa Biển Đông. “Tấm bản đồ này đã khẳng định một cách mạnh mẽ, tuyệt đối chính xác chủ quyền của Việt Nam ở Paracels (Hoàng Sa), có giá trị pháp lý quốc tế khẳng định một cách tuyệt đối chính xác chủ quyền của Việt Nam ở Paracels tương đương khu vực từ vĩ tuyến 17 độ trở xuống phía Nam còn lãnh thổ, lãnh hải cực Nam của Trung Quốc chỉ bắt đầu từ phía trên vĩ tuyến 18 độ ngược lên phía Bắc", Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.
Bộ Atlas Thế giới Bruxelles 1827
Phát biểu tại buỗi Lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đánh giá cao tầm quan trọng của Bộ Atlas trong công tác tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhất là trong đợt đấu tranh kéo dài 75 ngày phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông vừa qua. Cũng theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, Bộ Atlas đang được khai thác phục vụ chuỗi Triển lãm, trưng bày bản đồ và tư liệu lịch sử “Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” do Bộ TT&TT tổ chức tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước và đang có kế hoạch tổ chức ở nước ngoài nhằm khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa,
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, “việc bàn giao chính thức bộ tư liệu quý này cho Bộ Nội vụ quản lý và khai thác nhằm tạo điều kiện lưu trữ bảo quản tốt nhất, phục vụ các nhà khoa học và các cơ quan đơn vị trong công tác nghiên cứu, đấu tranh trên mặt trận thông tin tuyên truyền và pháp lý, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam”.
Phát biểu tại Lễ bàn giao, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đánh giá cao nỗ lực đóng góp của Bộ TT&TT trong việc sưu tầm và chuyển giao bộ bản đồ quý vào Lưu trữ Quốc gia Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng yêu cầu Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước trong thời gian tới cần phối hợp với các cơ quan trong việc tiếp nhận bản chính, bản sao có chứng thực hoặc bản gốc các tài liệu, bản đồ, ấn phẩm có giá trị liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam và bảo quản, tổ chức, sử dụng các tài liệu này theo chế độ đặc biệt.
Bộ TT&TT bàn giao bộ tư liệu quý Atlas Thế giới cho Bộ Nội vụ
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đánh giá cao tầm quan trọng của Bộ Atlas trong công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam./.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông