Thứ Ba, 26/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Bảy, 11/10/2014 14:10'(GMT+7)

Vai trò của Hội y học trong thực hiện Chiến lược y tế biển đảo

Bác sỹ Viện Y học Biển Việt Nam hướng dẫn sơ cứu ban đầu cho các ngư dân. (Nguồn: Thùy Giang/Vietnam+)

Bác sỹ Viện Y học Biển Việt Nam hướng dẫn sơ cứu ban đầu cho các ngư dân. (Nguồn: Thùy Giang/Vietnam+)

Ngày 11/10, Hội Y học biển Việt Nam và Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức hội thảo “Vai trò của Hội y học trong thực hiện Chiến lược y tế biển đảo và Chuyên đề y học biển đảo lần thứ 4."

Tại hội thảo, phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Văn Linh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thông tin về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X thông qua. Theo đó, mục tiêu chung của Đảng và Nhà nước hướng tới trong xây dựng Chiến lược biển là “mạnh về biển và giàu lên từ biển."

Nghị quyết về Chiến lược biển cũng đã xác định bảy nhóm nhiệm vụ và giải pháp trong thực hiện Chiến lược biển đến năm 2020 như nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng lực lượng mạnh nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên biển; đẩy mạnh điều tra cơ bản về phát triển khoa học-công nghệ biển...

Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, báo cáo về nội dung và kết quả thực hiện Đề án 371 của Chính phủ về “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020."

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết hệ thống y tế biển đảo của Việt Nam được tổ chức theo mô hình đất liền, chưa phù hợp với đặc thù địa lý kinh tế-xã hội của vùng biển. Năng lực của các cơ sở y tế vùng biển đảo còn hạn chế, không đủ khả năng mở rộng phạm vi cứu chữa khi bị chia cắt hoặc tăng đột biến nhu cầu khám chữa bệnh. Việc cấp cứu trên biển gặp rất nhiều khó khăn do thiếu phương tiện vận chuyển...

Đề án 371 đã đưa ra tám nhiệm vụ để phát triển hệ thống y tế biển đảo như nâng cao nhận thức và năng lực quản lý Nhà nước về y tế biển; củng cố và phát triển cơ sở y tế dự phòng; phát triển mạng lưới khám chữa bệnh gồm đầu tư trang thiết bị y tế, nhân lực, cơ sở hạ tầng cho sáu khoa hồi sức cấp cứu thành trung tâm tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù cho vùng biển đảo và làm nhiệm vụ hỗ trợ cấp cứu từ xa (Telemedicine) đặt tại sáu bệnh viện ven biển ở Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang; tổ chức mạng lưới vận chuyển, cấp cứu; đầu tư trang bị, nhân lực phù hợp. Để thực hiện tốt Đề án 371, trước mắt, 28 tỉnh, thành phố ven biển cần tập trung chỉ đạo việc thực hiện cấp bảo hiểm y tế cho ngư dân.

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn, Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam, Chủ tịch Hội y học biển Việt Nam, nhấn mạnh để góp phần thực hiện thắng lợi Đề án 371, Viện và Hội tập trung vào các nhiệm vụ như nghiên cứu khoa học về y học biển, y tế biển nhằm phát triển chuyên ngành y học biển của Việt Nam; tham gia đào tạo nguồn nhân lực biển, đào tạo môn y học biển cho sinh viên y khoa cùng với bộ môn y học biển; đào tạo bác sỹ chuyên khoa định hướng về lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, đào tạo y học biển cho các sỹ quan boong (người đảm nhiệm vị trí chăm sóc, khám chữa bệnh cho thủy thủ đoàn) và cấp cứu ban đầu trên biển cho thuyền viên, ngư dân và các lao động biển khác. Hội Y học biển Việt Nam làm tốt công tác tư vấn, phản biển về việc thực hiện Chiến lược phát triển y tế biển cho các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của công tác biển đảo với các cấp chính quyền, cho người lao động trên biển.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã trình bày 27 báo cáo, tham luận liên quan đến chiến lược chung về phát triển y học biển và kiến thức y khoa chuyên môn như nghiên cứu một số đặc điểm thần kinh tâm lý của thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu viễn dương năm 2013; ứng dụng một số trắc nghiệm tâm lý trong việc đánh giá trạng thái tâm sinh lý của thủy thủ tàu ngầm; đảm bảo an toàn truyền máu trên vùng biển, đảo Việt Nam.../.

TG

(Theo TTX)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất