Thứ Hai, 23/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 8/7/2014 11:7'(GMT+7)

Bộ Thông tin và Truyền thông sơ kết công tác 6 tháng đầu năm

Đồng chí Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT  trình bày báo cáo tại Hội nghị

Đồng chí Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT trình bày báo cáo tại Hội nghị


Sáng ngày 7/7, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014. Tham dự hội nghị có Nguyễn Bắc Son, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, các Thứ trưởng, Lãnh đạo là Trưởng, Phó các đơn vị thuộc Bộ và các Sở TT&TT (dự họp qua cầu truyền hình). Hội nghị đã nghe và nhất trí cao với dự thảo báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 của Bộ TT&TT do đồng chí Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng trình bày.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2014, trong bối cảnh nền kinh tế từng bước phục hồi; tình hình chính trị căng thẳng do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, Bộ TT&TT đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước trên cả 5 lĩnh vực báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông và CNTT. Trong đó, đặc biệt tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền, vận hành tốt mạng lưới thông tin, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Bộ đã chủ động xây dựng nhiều văn bản quản lý, cơ chế, chính sách nhằm góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy lĩnh vực TT&TT phát triển. Tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 đề án. Trong đó, phải kể đến các đề án: Thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020; Ngày Sách Việt Nam; Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Tổ chức và hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; Nghị định quy định về hoạt động in;... Hoàn thiện dự thảo Luật an toàn thông tin, Nghị quyết của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ. Tập trung xây dựng dự thảo Luật sửa đổi Luật báo chí, Chỉ thị của Ban Bí thư về Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới và các đề án trong Chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2014.

Các cơ quan báo chí, xuất bản hoạt động theo đúng định hướng của Đảng và sự chỉ đạo của Nhà nước, thông tin, tuyên truyền tốt về những sự kiện, hoạt động quan trọng của đất nước, nhất là đối với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo và Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII. Qua đó, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; nâng cao nhận thức, tăng cường sự thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân; góp phần định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội; củng cố và tăng thêm niềm tin của nhân dân; phản bác kịp thời những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Các thông tin báo chí đã góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại, qua đó góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Bộ đã tổ chức Hội nghị giới thiệu, phổ biến nội dung, tinh thần và ý nghĩa của Hiến pháp cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và phóng viên báo chí khu vực phía Bắc và phía Nam.

Bộ đã chỉ đạo các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp viễn thông phổ biến tinh thần Công điện và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh, trật tự để tuyên truyền, vận động nhân dân không có những hành động trái pháp luật, cùng nhau giữ gìn an ninh, trật tự, đoàn kết, góp phần cùng cả nước bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tổ chức nhiều hoạt động nhằm góp tiếng nói tăng cường công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo như: Mở Điểm Bưu điện - Văn hóa ở đảo Trường Sa Lớn và Sinh Tồn thuộc huyện đảo Trường Sa; tiếp tục triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam tại đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn thuộc huyện đảo Trường Sa và 04 địa phương khác; tiếp nhận và công bố bộ Atlas thế giới 1827; tổ chức chiến dịch nhắn tin “Chung sức vì biển đảo quê hương”, “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”; triển khai chương trình hỗ trợ ngư dân các tỉnh miền Trung ra khơi bám biển Hoàng Sa;...

Công tác quản lý xuất bản, in và phát hành được tăng cường qua việc triển khai Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các nghị định về thi hành Luật xuất bảnchế độ nhuận bút, xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Nội dung xuất bản phẩm đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước. Bộ đã tổ chức thành công Lễ công bố Ngày Sách Việt Nam tại Hà Nội và chuỗi sự kiện Ngày Sách Việt Nam lần thứ nhất tại các địa phương trên toàn quốc; Triển lãm Sách kỷ niệm 60 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ;...

Hoạt động khai thác mạng lưới, vận chuyển trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát ổn định. Bộ chỉ đạo tốt việc điều chỉnh giá cước dịch vụ bưu chính phổ cập; triển khai xây dựng đề án về đề xuất công nhận ngày Tem Việt Nam và đề án điều chỉnh giá cước phát hành báo chí công ích.

Hệ thống viễn thông, internet đảm bảo hoạt động ổn định và tiếp tục phát triển, phục vụ tốt việc thông tin, liên lạc của Nhà nước, nhân dân và việc phòng, chống lụt, bão. Công tác quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông được tăng cường. Cổng thông tin nhân đạo 1400 tiếp tục được sử dụng hiệu quả trong các chương trình nhân đạo. Nhiệm vụ triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020 được khẩn trương thực hiện với việc ng bố Biểu trưng số hóa truyền hình Việt Nam và triển khai việc cấp phép cho các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất.

Việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh. Bộ đã hoàn thành điều tra thực trạng và nguồn nhân lực để triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước; nâng cấp Hệ thống chứng thực chữ ký số quốc gia. Chương trình Ngày hội Máy tính cho cuộc sống được tổ chức góp phần nâng cao kiến thức cho người dân, thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền. Việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng được tập trung thực hiện để phòng, chống các cuộc tấn công mạng với quy mô ngày càng lớn từ nước ngoài.

Công tác hợp tác quốc tế tiếp tục được chú trọng với việc tích cực chuẩn bị các nội dung cam kết cuối cùng thuộc lĩnh vực TT&TT trong đàm phán Hiệp định TPP; ký kết các Biên bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Văn hóa Cuba và Microsoft; hoàn thành tổ chức phối hợp tần số biên giới với Campuchia; tổng kết cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43; tham gia diễn tập an ninh mạng Châu Á – Thái Bình Dương; tham dự Hội nghị phát triển viễn thông thế giới lần thứ 6 và làm việc với nhiều đoàn lãnh đạo cao cấp của quốc tế.

Các đề án lớn tiếp tục được chú trọng triển khai như: Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT; Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo;... Bộ triển khai thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ; phối hợp thường xuyên với các bộ, ban, ngành và địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng, tham mưu thuộc Bộ với các Sở TT&TT tiếp tục được triển khai thường xuyên. Các Sở TT&TT đã triển khai toàn diện công tác quản lý nhà nước hiệu quả, thiết thực; tập trung chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm sách, báo phục vụ người dân, đặc biệt là trong dịp Tết và trong việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Bên cạnh công tác quản lý nhà nước, nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực TT&TT được tập trung thực hiện với việc xây dựng và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2014-2015. Công tác chia tách giữa Tổng công ty VTC và Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, chuyển Cục Bưu điện Trung ương thành đơn vị thuộc Bộ cũng được chỉ đạo sát sao.

Theo báo cáo trong 6 tháng qua, Bộ TT&TT cũng đã có nhiều thành tựu, hoàn thành được những công việc được giao. Tuy nhiên, bên những thành tích đạt được vẫn  còn tồn tại những hạn chế cần khắc phục như:

Hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật để quản lý đôi khi chưa theo kịp thực tiễn phát triển, còn thiếu do các lĩnh vực viễn thông, CNTT, thông tin điện tử có tốc độ phát triển rất nhanh. Bên cạnh đó, chế độ lương, thưởng hiện tại chưa đủ hấp dẫn để giữ và thu hút nhân tài làm công tác quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực do Bộ quản lý...

Môi trường Internet là môi trường mở với nhiều trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội, blog cá nhân có máy chủ đặt tại nước ngoài nên khó kiểm soát. Do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, một số cơ quan báo chí chạy theo lợi nhuận, không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của báo. Sự cạnh tranh về tốc độ đưa tin giữa các trang thông tin điện tử tạo sức ép khiến các trang tin nhiều khi vì để đưa tin nhanh mà thiếu đi sự kiểm chứng.

Phát biểu kết luận hội nghị đồng chí Nguyễn Bắc Son, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ TT&TT yêu toàn ngành tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa việc thực hiện Hiến pháp; Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là các nội dung liên quan tới bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Hoàn thiện môi trường pháp lý, thực thi hiệu quả công tác quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Các cơ quan, đơn vị cần tập trung triển khai thực hiện các đề án lớn đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Chương trình hành động Bộ đã ban hành. Hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, bộ máy, nhân lực để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước; tiếp tục tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Tăng cường cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Đặc biệt, đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nêu lên 10 nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong 6 tháng tới, đó là:

1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo; Hiến pháp; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục thông tin, tuyên truyền làm cho các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội nhận thức sâu sắc về tình hình thế giới, trong nước, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội; đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch, tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội. Tiếp tục tuyên truyền đấu tranh về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Chỉ đạo tuyên truyền vận động nhân dân đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đúng pháp luật Việt Nam và quốc tế; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Tuyên truyền để thế giới, nhất là nhân dân Trung Quốc, hiểu đúng thực tế diễn biến trên Biển Đông và đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, bảo đảm an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

2. Tiếp tục triển khai thực hiện Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

3. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản đã đăng ký với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Luật an toàn thông tin, Đề án quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020 và Chỉ thị của Ban Bí thư về Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện và ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật góp phần tạo môi trường pháp lý minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

4. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 132/2013/NĐ-CP. Đẩy nhanh việc hoàn thiện và ban hành các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và thành lập các đơn vị mới. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ TT&TT. Tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước.

5. Tăng cường triển khai thực hiện các đề án lớn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông; Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đoạn 2012-2015; Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015; Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến 2020;... và các Chương trình hành động Bộ đã ban hành như: Ngành TT&TT thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016; Bộ TT&TT thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020;...

6. Đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thông tin, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương ứng phó kịp thời trước các nguy cơ tấn công từ bên ngoài qua mạng Internet, bảo đảm chủ quyền quốc gia về không gian mạng.

7. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Giải đáp, trả lời kịp thời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.

8. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch đầu tư phát triển và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2014. Xây dựng và bảo vệ tốt Kế hoạch đầu tư phát triển và dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2015.

9. Tổ chức và triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế lớn. Tăng cường công tác xây dựng chính sách hợp tác quốc tế mở rộng các mối quan hệ hợp tác song phương và đa phương. Thực hiện tốt công tác nghiên cứu, xây dựng phương án đàm phán các hiệp định trọng điểm mà Việt Nam tham gia.

10. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng CNTT, áp dụng quy trình ISO trong công tác quản lý nhà nước./.

Duy Hưng

 

 

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất