(TG) - Đối với các trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong nước, Bộ
Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra kiểm tra xử lý
nghiêm các sai phạm để hoạt động đúng quy định pháp luật.
Tại Hội thảo chuyên đề về "Quản lý báo chí, thông tin điện tử và viễn
thông trong tình hình mới" do Bộ TT&TT tổ chức hôm 23/12 vừa qua, ông
Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục PTTT&TTĐT chia sẻ: Hiện nay Bộ
TT&TT đang thực hiện đổi mới cơ chế quản lý đối với lĩnh vực thông
tin điện tử, mạng xã hội. Thời gian qua, Bộ đã ban hành các văn bản pháp
luật quản lý như Nghị định 72, Thông tư 09, Thông tư 24. Hiện Bộ cũng
đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số
72/2013 để tăng cường quản lý.
"Dự thảo Nghị định, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013 đã điều
chỉnh, giảm bớt một số thủ tục hành chính trong quá trình cấp phép, tạo
điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp như rút ngắn thời gian xử
lý hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng
hợp, giấy phép thiết lập mạng xã hội và giấy phép cung cấp dịch vụ trò
chơi điện tử G1 trên mạng", ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết.
Bên cạnh đó, đối với các trang thông tin điện tử, mạng xã hội cung
cấp qua biên giới (Facebook, YouTube…), Bộ TT&TT sắp ban hành Thông
tư quản lý việc cung cấp dịch vụ nội dung công cộng xuyên biên giới. Mục
tiêu quản lý là ngăn chặn thông tin xấu, độc hại chứ không hạn chế
quyền tự do ngôn luận chính đáng, hợp tác kinh doanh hay chia sẻ thông
tin tình cảm một cách chính đáng của cộng đồng người sử dụng.
Gần đây Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng đã quyết liệt chỉ đạo đối với
việc xử lý lĩnh vực thông tin điện tử trên không gian mạng xã hội, đặc
biệt mạng xã hội lớn như Facebook. Cụ thể, trong khi chưa có giải pháp
để quản lý Facebook với tư cách như một pháp nhân thì hướng đến việc
quản lý hành vi của các chủ thể trên đó. Quản lý hành vi phát ngôn, chia
sẻ thông tin, mục đích của chia sẻ thông tin… để việc thông tin chia sẻ
không vi phạm những quy định khác của pháp luật như bôi nhọ, nói sai sự
thật nhằm mục đích kích động, chia rẽ, kêu gọi biểu tình trái pháp
luật…
“Những hành vi, chủ thể tham gia cung cấp thông tin đó trên
mạng xã hội sẽ tập trung quản lý. Với những vụ việc gần đây (như một số
vụ việc tung hình ảnh bịa đặt cô giáo tại Hà Tĩnh đi tiếp khách, đối
tượng Nguyễn Danh Dũng sử dụng các tài khoản YouTube, Facebook chuyên
đăng tải các video clip xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà
nước) cho thấy hoàn toàn có thể làm được”, Cục trưởng Cục PTTT&TTĐT
Nguyễn Thanh Lâm cho hay.
Theo ông Lâm, quan điểm của Bộ TT&TT đối với các trang thông tin
điện tử, mạng xã hội trong nước sẽ là tăng cường công tác hậu kiểm,
thanh tra kiểm tra xử lý nghiêm các sai phạm để hoạt động đúng quy định
pháp luật. Đồng thời, đơn giản hoá công tác tiền kiểm, giảm bớt thủ tục
hành chính trong quá trình cấp phép.
Đối với dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động sẽ
tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông trong việc giám
sát chặt chẽ các nhà cung cấp dịch vụ nội dung thực hiện đầy đủ trách
nhiệm bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng thông qua việc
tiếp tục rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan (hiện
Bộ TT&TT đang rà soát, bổ sung sửa đổi Thông tư số 17/2016 và Thông
tư 25/2015/TT-BTTTT).
Chia sẻ thêm, ông Lâm cho biết hiện Cục PTTT&TTĐT cùng đơn vị
liên quan đang thực hiện tăng khả năng, tốc độ phát hiện sai phạm bằng
các biện pháp nghiệp vụ như cử cán bộ theo dõi, tham gia các diễn đàn
trên mạng xã hội, sử dụng ứng dụng CNTT (như dùng chat nhóm Viber) để
trong thời gian ngắn nhất có thể chuyển văn bản, hình ảnh đến tất cả các
cán bộ quản lý, từ cấp lãnh đạo Cục, trưởng phòng, chuyên viên... Sau
khi rút ngắn thời gian phát hiện, vấn đề đẩy nhanh tốc độ xử lý cũng
được đẩy mạnh./.
TG