Thứ Năm, 10/10/2024
Môi trường
Thứ Năm, 18/8/2022 15:4'(GMT+7)

Bộ TN-MT: Năm 2025 phải cảnh báo, dự báo được ô nhiễm môi trường

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Nhằm góp phần cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái và phát triển kinh tế bền vững, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng thời gian tới cần nâng cao chất lượng công tác quan trắc, giám sát môi trường, để đến năm 2025, Việt Nam có thể bước đầu cảnh báo và đến năm 2030 có thể dự báo được tỉnh hình ô nhiễm.

Thông tin thêm tại Hội nghị “Quan trắc và dự báo, cảnh báo môi trường khu vực miền Nam” diễn ra trong ngày 22/7, ông Nhân nhấn mạnh 2022 là năm đầu tiên triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường; hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển kinh tế bền vững.

Một trong những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là đã xác lập đúng vai trò hoạt động quan trắc, cảnh báo và dự báo cảnh báo môi trường với các quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp trong hoạt động quan trắc; đặt ra yêu cầu phải kịp thời đầu tư nâng cấp, thống nhất thông tin, dữ liệu và kỹ thuật hoạt động quan trắc môi trường.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang khẩn trương xây dựng Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu chính là đánh giá hiện trạng và theo dõi diễn biến chất lượng môi trường; kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường và công khai thông tin tới cộng đồng.

Tuy vậy, theo ông Lê Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Nam (Tổng cục Môi trường) hiện nay, nguồn nhân lực, trang thiết bị thực hiện quan trắc môi trường vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cho công tác quan trắc và trong thời gian đến là dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, bộ dữ liệu quan trắc hàng năm cũng chưa được sử dụng hiệu quả tương xứng với kinh phí được đầu tư. Không những vậy, việc chia sẻ dữ liệu giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương chưa được liền mạch dẫn đến công tác dự báo, cảnh báo có tính liên vùng, liên lưu vực sông gặp nhiều khó khăn.

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng việc nâng tầm công tác quan trắc, gắn với dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện.

Do vậy, thời gian tới cần tăng cường các giải pháp, nhiệm vụ để triển khai hoạt động quan trắc môi trường theo hướng tập trung; đẩy mạnh hơn nữa việc tích hợp dữ liệu, xây dựng mô hình phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo môi trường, thay vì ưu tiên đánh giá hiện trạng, diễn biến môi trường như hiện nay.

Theo đó, thời gian tới cần phải dự báo, cảnh báo được một số lĩnh vực. Việc dự báo, cảnh báo cái gì, lĩnh vực nào, ở đâu, sử dụng công cụ nào, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương. “Sau hội nghị này, các đơn vị thuộc bộ phải ngồi lại với nhau để bàn thảo, xây dựng dự thảo hướng dẫn để trình lãnh đạo Bộ phê duyệt,” ông Nhân nói./.

 TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất