Chủ Nhật, 8/12/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 31/1/2020 8:41'(GMT+7)

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Ưu tiên giáo dục phổ thông và đại học

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

CHƯƠNG TRÌNH MỚI SẼ DẦN KHẮC PHỤC TỒN TẠI, TIÊU CỰC

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thách thức lớn nhất hiện nay trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ giáo viên ở một số nơi còn thiếu. Số lượng giáo viên phải bồi dưỡng cho đổi mới rất lớn, trong khi vẫn phải đảm đương đứng lớp hàng ngày.

Hệ thống cơ sở trường lớp, thiết bị dạy học phục vụ dạy học 2 buổi/ngày, tại các địa phương gặp khó khăn, không chỉ miền núi, ngay cả thành phố lớn cũng phải đối mặt với tình trạng sĩ số lớp đông, tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn tới thiếu trường, thiếu lớp.

Trong năm 2020, Bộ GD&ĐT tăng cường chỉ đạo các địa phương chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là những điều kiện để áp dụng: giáo viên, cơ sở vật chất, trường lớp, thiết bị và sách giáo khoa.

“Trách nhiệm của Bộ là ban hành chương trình, sách giáo khoa cũng đã được công bố nhưng quan trọng là tổ chức triển khai như thế nào và quyết định vấn đề này thuộc về địa phương. Năm 2020, tôi sẽ dành nhiều thời gian cho các địa phương trong tổ chức thực hiện, nhất là với những vùng khó khăn, miền núi, hải đảo”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết và nhấn mạnh việc thực hiện chương trình phổ thông mới là gốc, nếu làm tốt, đúng theo lộ trình thì nhiều vấn đề còn tồn tại của giáo dục phổ thông hiện nay sẽ gián tiếp hoặc trực tiếp mất đi.

ĐẨY MẠNH TỰ CHỦ NHƯNG TRÁNH RỐI LOẠN, ĐỔ VỠ

Đối với giáo dục đại học, người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh đến triển khai hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó đẩy nhanh tự chủ đại học nhưng phải căn cơ, tránh trường hợp có những rối loạn, đổ vỡ.

Khó khăn hiện nay là tốc độ tự chủ đại học không đi liền với khả năng tự chủ dẫn đến không ít trường đại học năng lực kém, không đủ điều kiện, chệch choạc về chất lượng. Thêm nữa, về Hội đồng trường, luật pháp quy định thực quyền nhưng thực tế chưa thể làm làm ngay. Đội ngũ giảng viên trình độ còn thấp, tiến sĩ trở lên mới đạt khoảng 27%.

“Trong tự chủ đại học, tôi quan tâm sâu tới vấn đề làm sao để Hội đồng trường phải thực quyền. Quá trình chuyển đổi từ không thực quyền sang thực quyền là vô cùng khó khăn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.

Bộ GD&ĐT đang sửa tất cả các quy chế đào tạo đại học theo hướng siết chất lượng, tạo điều kiện cho các trường nhưng phải đảm bảo chất lượng chứ không theo hướng “cầm tay chỉ việc” hoặc “xin cho”, tăng tự chủ đi cùng với tăng chất lượng giải trình, siết chặt các hình thức, loại hình đào tạo.

Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục đại học phải được sắp xếp một cách hợp lý, tránh tình trạng dàn trải, không phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế.

Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ 2 Đề án là Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học công lập và Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm, hình thành một số trường sư phạm trọng điểm.

“Sắp xếp là giải bài toán vừa trước mắt, vừa lâu dài để 10 năm sau chúng ta sẽ có được hệ thống giáo dục đại học tốt, hình thành nên các khu đại học, các trường đại học lớn, có tầm vóc, theo đó khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất