Thứ Tư, 25/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Năm, 11/8/2011 18:13'(GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân: Đưa Khoa học và Công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân.

PV: Những ưu tiên phát triển của ngành Khoa học và Công nghệ trong thời gian tới là gì, thưa Bộ trưởng ?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Ưu tiên đầu tiên là tổ chức thực hiện tốt các chương trình quốc gia về KH-CN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có các chương trình có quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bao gồm: chương trình sản phẩm quốc gia, chương trình quốc gia công nghệ cao, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, chương trình phát triển thị trường công nghệ, chương trình nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp (DN) Việt Nam đến năm 2020. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ đề án về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính cho lĩnh vực hoạt động KH-CN vì đây là điểm nghẽn rất lớn, cản trở sự phát triển của ngành KH-CN. Ưu tiên cuối cùng là làm sao để các tổ chức KH-CN chuyển hoàn toàn theo cơ chế hoạt động của doanh nghiệp theo tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hình thành một hệ thống doanh nghiệp KH-CN theo chiến lược phát triển KT-XH. Mục tiêu của Bộ Khoa học và Công nghệ là từ nay tới năm 2015 có 3.000 doanh nghiệp KH-CN, đến năm 2020 có từ 5.000- 10.000 doanh nghiệp KH-CN. Đây là công việc có vai trò quyết định thay đổi diện mạo của KH-CN đến năm 2020, chìa khóa để Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại.

PV: Là Thứ trưởng thường trực và hiện nay trở thành Bộ trưởng, ông nhìn nhận thế nào về những thành tựu của KHCN đã đạt được trong giai đoạn vừa qua?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Dấu ấn đầu tiên trong hoạt động KH-CN giai đoạn vừa qua là chúng ta đã xây dựng được một hệ thống luật pháp được coi là nền tảng pháp lý cho hoạt động KH-CN, điều này trong suốt mấy chục năm của chế độ nhà nước chúng ta mới có thể làm được. Những thành tựu của KH-CN Việt Nam trong 10 năm vừa qua tuy còn khiêm tốn nhưng thực sự đã có những đóng góp rất to lớn phát triển KT-XH, đem lại hiệu quả cao cho nền kinh tế và củng cố được vị thế của nền KH-CN Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Cụ thể như trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, số lượng công bố quốc tế, số lượng sáng chế được bảo hộ ở trong nước và nước ngoài tăng nhanh. Trong nông nghiệp những thành tựu nghiên cứu về giống, quy trình canh tác, bảo vệ thực vật và chế biến đã giúp cho nông nghiệp Việt Nam trở thành một nền nông nghiệp hàng đầu trong khu vực có doanh thu xuất khẩu rất lớn, đóng góp quan trong vào an ninh lương thực thế giới. Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, chúng ta đã làm chủ được nhiều công nghệ hiện đại như cần cẩu siêu trường, siêu trọng, các hệ thống thủy lực của các nhà máy thủy điện…Trong y học, chúng ta đã có nhiều nghiên cứu và ứng dụng được những công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất của khu vực và thế giới vào điều trị khám chữa bệnh, sản xuất được vắcxin chống các dịch bệnh phức tạp.

PV: Để tiếp tục đưa KHCN trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội, một trong những nhiệm vụ hàng đầu là phát triển nguồn nhân lực KHCN, ông suy nghĩ như thế nào về việc này?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trong 10 năm qua, nguồn nhân lực KH-CN tăng rất nhanh nhưng tăng về số lượng, còn về chất lượng tiềm ẩn nguy cơ. Lực lượng cán bộ KH-CN rất nhiều nhưng chúng ta chưa có các tổng công trình sư đủ trình độ và chủ động trong việc thiết kế, thi công các công trình lớn tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Trong tổng thể bộ máy nhà nước, số lượng cán bộ có trình độ cao gắn bó với hoạt động KH-CN trong bộ máy đơn vị công lập ngày càng suy giảm. Chế độ chính sách đãi ngộ còn bất cập là nguyên nhân làm cho sự phát triển nguồn nhân lực bị hạn chế. Chúng ta chưa có cơ chế chính sách thật sự ưu đãi và trọng dụng những người làm khoa học, đặc biệt là những người có tài năng. Trong thời gian tới Bộ KH-CN sẽ có báo cáo với Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ để có những cơ chế chính sách phù hợp, động viên được các nhà khoa học, đặc biệt là những người được coi là nhà khoa học đầu đàn. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng trong những năm qua người làm khoa học nói chung, trong đó có cán bộ trẻ vẫn chưa có các chính sách ưu đãi trọng dụng tương xứng nên vẫn còn hiện tượng “chảy máu chất xám” từ các cơ quan nhà nước ra các khu vực doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, Bộ KH-CN cũng đã tham mưu cho Chính phủ, ngoài việc đưa các tổ chức KH-CN sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, được tự chủ và được sự hỗ trợ của Nhà nước về chi thường xuyên và đầu tư phát triển thì họ được quyền sản xuất kinh doanh, được quyền chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh, được góp vốn bằng tài sản trí tuệ. Khi đó, các hoạt động của tổ chức khoa học công nghệ sẽ tự tạo ra nguồn thu để tái đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Khoa học và Công nghệ, Nhà nước cần tạo cơ chế cho các nhà khoa học, ngoài tiền lương tối thiểu bảo đảm thì còn có những thu nhập chính đáng từ việc chuyển giao kết quả nghiên cứu, chuyển giao tài sản trí tuệ của mình cho sản xuất và kinh doanh. Cần tạo cơ chế sao cho các doanh nghiệp phải tìm đến và dựa vào các trường đại học, viện nghiên cứu để có thể phát triển các công nghệ mới, nâng cao sức cạnh tranh. Ðồng thời, có cơ chế để buộc các trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp tham gia sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hình thành được cơ chế liên kết hữu cơ giữa các cơ sở giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp và chính quyền, trên cơ sở làm rõ trách nhiệm và lợi ích của các bên, bảo đảm hiệu quả, tạo đà cho sự phát triển. Với sự kết hợp này, nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao sẽ được đào tạo và được sử dụng hợp lý, gắn với thực tiễn, tạo ra những đột phá, khác biệt trong phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất