Thừa nhận việc đăng ký xét tuyển đợt 1 bộc
lộ bất cập, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, trong đợt 2 các thí sinh
chỉ cần dùng một phiếu đăng ký xét tuyển ghi tất cả nguyện vọng gửi về
các trường. Bộ đảm bảo tất cả phiếu đăng ký sẽ được chuyển nhanh chóng,
chính xác.
Chiều 21/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng một số bộ, ngành, cơ quan chức năng để nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về tình hình xét tuyển đại học, cao đẳng hệ chính quy đợt 1 và hướng giải quyết cho đợt 2.
8,1% thí sinh thay đổi nguyện vọng
Báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công việc liên quan đến kỳ thi tuyển sinh đại học 2015, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết: Bộ đã có đánh giá sơ bộ về công tác tuyển sinh trong đợt 1. Đến nay, các trường đã tiến hành xét tuyển đợt 1, kết thúc việc nhận hồ sơ, trong 1-2 ngày tới sẽ có kết quả. Theo thống kê, đã có hơn 560 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong đợt đầu, trong đó hệ đại học là 531 nghìn. Có thể nói phần lớn thí sinh có từ 15 điểm trở lên đã tham gia xét tuyển đại học đợt này. Trong số hơn 400 trường đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển, có 108 trường đại học, 21 trường cao đẳng có số thí sinh đăng ký xét tuyển lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh của trường (so với năm 2014, chỉ có khoảng 50 trường xét đủ chỉ tiêu ngay từ nguyện vọng 1).
Bên cạnh đó, các trường Đại học tốp đầu đều có báo cáo là tuyển được học sinh có điểm cao. Đa số các học sinh có điểm cao đã vào được các trường theo nguyện vọng và đăng ký xét tuyển. Một số trường Đại học ngoài công lập cũng có số lượng thí sinh đăng ký cao. Các trường này đều khẳng định so với kết quả xét tuyển đợt đầu năm 2014, kết quả xét tuyển đợt 1 năm nay tốt hơn về số lượng và chất lượng.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, số lượt thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển là gần 43 nghìn em, chiếm 8,1% số thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1; trong đó số thí sinh đăng ký thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển tại các Sở Giáo dục và Đào tạo là 11 nghìn em, tại các trường đại học, cao đẳng là 31 nghìn em. Việc thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển chủ yếu tập trung vào 30 trường có số thí sinh đăng ký xét tuyển vượt nhiều chỉ tiêu - đây là những trường có điểm chuẩn ở tốp cao nhất trong năm trước và cả năm nay.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định: Việc đăng ký xét tuyển đợt 1 vừa qua đã bộc lộ một số bất cập. Trước hết là việc để cho thí sinh đăng ký 4 ngành và được điều chỉnh nguyện vọng trong một thời gian dài (20 ngày). Các quy định liên quan đến hồ sơ đăng ký xét tuyển chưa được hợp lý dẫn đến sự lo lắng, căng thẳng của nhiều thí sinh và phụ huynh. Tình trạng phải đi lại, chờ, chực ở các trường đại học, cao đẳng gây tốn kém, phiền hà. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, trong đó có phần trách nhiệm lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của các giải pháp trong tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận trách nhiệm và cam đoan sẽ nghiêm túc khắc phục những bất cập này, không để xảy ra ở đợt 2.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Trong đợt xét tuyển 2, các thí sinh sẽ không phải đăng ký nhiều lần mà dùng một phiếu đăng ký xét tuyển ghi tất cả nguyện vọng của mình gửi về các trường đại học và cao đẳng thông qua các kênh: Sở Giáo dục và Đào tạo, trường trung học phổ thông mà các em học qua đường bưu điện; gửi trực tiếp đến các trường đại học, cao đẳng mà mình đăng ký. Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm bảo tất cả phiếu đăng ký của các thí sinh qua các kênh trên đều sẽ được chuyển nhanh chóng, trực tiếp, chính xác đến các trường mà các em có nguyện vọng đăng ký.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng nhanh chóng công bố kết quả tuyển sinh đại học đợt 1 và chỉ tiêu còn lại xét tuyển trong đợt 2; đồng thời ngay sau khi các trường xét tuyển xong đợt 2 sẽ công bố kết quả tuyển sinh, không chờ thời hạn 20 ngày như đợt 1 - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.
Khắc phục các hạn chế, bất cập
Theo nhiều đại biểu đánh giá việc tổ chức Kỳ thi chung Quốc gia đã đạt được yêu cầu đề ra, được dư luận đồng tình cao. Tuy nhiên, việc sử dụng kết quả thi để xét tuyển còn một số hạn chế. Có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân của sự bất cập vừa qua là do một số trường đại học khi xác định điểm chuẩn không cân nhắc hết các điều kiện, thông số dẫn đến nhiều trường đại học có truyền thống lấy điểm thi cao ở các năm trước vẫn để điểm lấy hồ sơ ở mức sàn là 15 điểm. Điều này dẫn đến số lượng đăng ký vào các trường này rất đông, dẫn đến có sự điều chỉnh, thay đổi lớn.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương là thí sinh khi đăng ký xét tuyển không cần rút phiếu điểm ra, chỉ cần in phiếu đăng ký bổ sung điều chỉnh nguyện vọng, gửi phiếu đó trực tiếp qua các trường/qua đường bưu điện/qua mạng, nhưng nhiều thí sinh, phụ huynh không cập nhật được thông tin, vẫn tìm cách lấy được phiếu báo điểm rồi mới thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung trường mới. Phần trách nhiệm này thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa làm tốt công tác truyền thông, chưa giải thích cặn kẽ cho thí sinh, phụ huynh nội dung đổi mới, cách thức triển khai, phương thức tuyển sinh.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rút kinh nghiệm quá trình thực hiện việc xét tuyển đại học, cao đẳng đợt 1 để làm tốt việc xét tuyển trong đợt 2. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lâm Phương Thanh chia sẻ: Theo điều tra dư luận xã hội về Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2015 của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy đa số ý kiến người dân đánh giá cao kỳ thi đã đạt được 2 mục tiêu lớn: Tiết kiệm được thời gian và chi phí cho xã hội; giảm áp lực thi cử cho thí sinh và phụ huynh. Đây là nỗ lực, cố gắng lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện bước đột phá đổi mới về thi cử, thực hiện chủ trương đổi mới về giáo dục theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.
Bà Lâm Phương Thanh chỉ rõ: Việc thực hiện bước đầu đã đạt tốt nhưng việc sử dụng kết quả thi cho công tác tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng chưa được tốt. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lắng nghe các ý kiến đóng góp của xã hội, học sinh, sinh viên, các nhà khoa học... để phân tích nguyên nhân, từ đó có giải pháp khắc phục để đợt 2 và đặc biệt là các năm sau sẽ làm tốt hơn công tác này.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những cố gắng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như đóng góp của người dân, cấp ủy chính quyền các cấp và toàn thể xã hội trong việc tổ chức kỳ thi quốc gia Trung học phổ thông về cơ bản đạt mục tiêu như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên việc sử dụng kết quả kỳ thi vẫn chưa thật tốt. Mục tiêu ban đầu của kỳ thi là tạo thuận lợi, công bằng cho thí sinh nhưng vẫn còn để nhiều người dân và thí sinh rất vất vả.
Phó Thủ tướng yêu cầu: Qua ý kiến phát biểu của đại diện các cơ quan chức năng và dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, bám sát tình hình trên tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của chuyên gia, của dư luận, của học sinh để có ngay những giải pháp phù hợp, rõ ràng, dễ hiểu, khả thi. Ngay sau cuộc họp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thông tin để dư luận người dân được biết.
Theo TTXVN