Thứ Sáu, 29/11/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 16/11/2016 15:24'(GMT+7)

Bộ trưởng Giáo dục: Thi trắc nghiệm là phương án phù hợp nhất hiện nay

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng

Sáng 16/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội.

Trả lời câu hỏi về việc đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, rút kinh nghiệm từ năm trước, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016 đã có điều chỉnh và được xã hội ghi nhận là có tiến bộ; song, vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục đổi mới.

Theo Bộ trưởng, trong lộ trình đổi mới có rất nhiều thang bậc, Bộ Giáo dục và Đào tạo không muốn dồn cho xã hội mà trong quá trình thực hiện, mỗi năm hoàn thiện hoạt động này theo hướng ngày càng tiếp cận hợp lý. Đến năm 2016 có bước chuyển lớn là phương thức thi trắc nghiệm. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục đổi mới nhưng chủ yếu tập trung vào vấn đề kỹ thuật. 

Tranh luận về đào tạo về hình thức thi trắc nghiệm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu thực tế thi trắc nghiệm có tác dụng đánh giá học sinh công bằng và tránh gian lận trong thi cử nhưng thực tế thể hiện điều ngược lại. Có trường hợp một học sinh giỏi nhất nhắc bài cho cả phòng thi, vì vậy, chỉ cần một bạn làm được bài, tất cả các bạn làm được bài. Liệu thi trắc nghiệm có phải là phương án ưu việt hay không? 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định không có chuyện một em làm được bài, cả phòng thi làm được bài, bởi mỗi học sinh có một mã đề thi riêng, tổ hợp bài thi riêng với những câu hỏi đã được kỹ thuật chuẩn hóa. Đây là một trong những vấn đề được Bộ Giáo dục và Đào tạo rất quan tâm đến tính minh bạch, tính khách quan của kỳ thi. 

Bộ trưởng cho biết thêm việc quản lý kỳ thi, phương án thi và đổi mới căn bản giáo dục đã có bước đi, lộ trình cụ thể. Mỗi năm đều có sự cải tiến nhưng có sự tính toán chuyên môn, không đường đột. Học sinh "học gì thi nấy," "biến môn thành bài," dần dần tổng hợp các nội dung liên quan, sau đó thực hiện các môn thi tích hợp rất đơn giản. Thực hiện xong chương trình sách giáo khoa xong, khi đó, không phải thực hiện ba môn chập một như hiện nay mà học sinh chỉ thi môn tích hợp, rất nhẹ nhàng. Quá trình đổi mới là quá trình phải thay đổi. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cố gắng, tính toán kỹ hơn, thông báo cho xã hội tốt hơn. Theo báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi chung đã đi vào nền nếp, ổn định so với năm trước.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thi trắc nghiệm không ngược lại với chủ trương tích cực và năng động. Phương pháp tổ chức thi từ thụ động sang phát huy năng lực. Với hàng triệu học sinh thi tốt nghiệp/năm với thời gian ngắn sẽ kiểm tra kiến thức toàn diện chứ không đi vào chuyên môn. Kỳ thi chung bảo đảm toàn diện, khách quan, đúng kiến thức phổ thông. Đã có một thời gian dài, tình trạng ứng thí kéo dài dẫn đến học sinh phải luyện thi đại học dẫn đến kiến thức cơ bản ở phổ thông yếu, kém. Thi trắc nghiệm không cứng nhắc mà là trắc nghiệm khoa học, yêu cầu học sinh không học thuộc một cách máy móc. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo rất cân nhắc đối với việc đổi mới phương thức thi, bởi đây là việc ảnh hưởng đến hàng triệu người. Không có phương án nào ưu việt tuyệt đối. Thi trắc nghiệm là phương án phù hợp nhất hiện nay. Đây là phương pháp đã được thực hiện ở nhiều nước. Phương pháp thi mang tính ổn định tương đối. Mỗi sự thay đổi linh hoạt cần có sự cân nhắc, tính toán để giảm thiểu hạn chế, bức xúc cho xã hội... 

Làm rõ thêm về hình thức thi này, Bộ trưởng nêu rõ số môn thi so với tổng số môn học chưa phải là nhiều. Trước năm 2014, học sinh phải thi 6-7 môn, tạo áp lực lớn cho học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự tính toán kỹ. Kiến thức thi không trải rộng trong cả 3 năm cấp ba mà chỉ tập trung vào lớp 12. Bên cạnh đó, mặc dù có 3 môn thi trong một bài thi nhưng các câu hỏi thi đã được cân nhắc để mọi học sinh đều có thể tham gia, độ khó của câu hỏi thi là phù hợp với điều kiện hiện nay... Đến nay thực tế cho thấy việc này hoàn toàn có thể áp dụng được. 

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục lưu ý, nghiên cứu các giải pháp để giảm áp lực cho giáo viên và học sinh - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân đến 2020 liệu có đạt được mục tiêu đề ra hay không và giải pháp trong thời gian tới; giải pháp giảm tỷ lệ thất nghiệp đối với sinh viên mới ra trường; hướng đi nào để đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội… là những nội dung được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 16/11. 

Đầu giờ chiều, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về các nội dung trên./. 

PV tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất