Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Chủ Nhật, 5/5/2013 11:40'(GMT+7)

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời một số chính sách liên quan đến người lao động

Những nội dung liên quan trên đã được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời trong Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tại Cổng Thông tin điện tử (Văn phòng Chính phủ) vào ngày 26/4. 

- Từ ngày 1/5/2013, Bộ luật Lao động mới sẽ có hiệu lực, một số chính sách dành cho người lao động cũng sẽ có hiệu lực, theo đó những thay đổi này có tác động tích cực như thế nào đối với NLĐ?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Bộ luật Lao động được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013 trên cơ sở kế thừa Bộ luật Lao động năm 1994. Bộ luật Lao động quy định nhiều chính sách, nội dung theo hướng mở rộng, phát triển các quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ trong quan hệ lao động như: thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ trước và sau khi sinh con được tăng lên là 6 tháng, thay vì 4 tháng như hiện nay; ngày nghỉ lễ, tết được tăng thêm 1 ngày (thành 10 ngày). Về độ tuổi nghỉ hưu, Bộ luật cho phép Chính phủ quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm lao động cụ thể, trong đó có lao động làm công tác quản lý, làm cơ sở quan trọng để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng bình đẳng giữa nam và nữ. Trong lần sửa đổi này, vấn đề lao động không chọn thời gian, lao động giúp việc gia đình và cho thuê lại lao động nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường lao động, lao động có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn việc làm phù hợp với bản thân mình, đồng thời cũng đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Bộ luật Lao động có quy định nhằm bảo vệ các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tiến tới xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Vấn đề này có nhiều nội dung, trong đó việc thay đổi các quy định về: chế độ tiền lương theo hướng có lợi hơn cho NLĐ, ví dụ như tiền lương làm thêm giờ của NLĐ vào ban đêm; vấn đề “dân chủ ở cơ sở”, “đối thoại tại nơi làm việc” theo hướng phát triển quan hệ lao động một cách lành mạnh…

Với quan điểm bảo vệ NLĐ thì những quy định của Bộ luật Lao động khi đi vào thực tiễn sẽ giúp cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ ngày một tốt hơn, sẽ tạo ra sự phấn khởi của họ khi tham gia lao động, vì quyền lợi của họ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm bảo vệ. Điều này sẽ tạo ra động lực để NLĐ hăng say sản xuất, thực hiện quyền lao động vì sự phát triển của mình, doanh nghiệp cũng như toàn xã hội.

- Theo quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi sắp tới thì mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Tuy nhiên, dù đã có đến 10 lần điều chỉnh nhưng chưa bao giờ có thể đáp ứng tối thiểu đời sống của người làm công ăn lương, vậy đến khi nào mới giải quyết được nghịch lý này?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Về mặt nguyên lý thì mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Tuy nhiên, do đặc điểm lịch sử và điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta, thị trường lao động vẫn đang trong quá trình hình thành và phát triển cho nên mức tiền lương của NLĐ, mức lương tối thiểu hiện nay còn thấp, chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ (theo tính toán thì mức lương tối thiểu vùng đặc thù được Chính phủ điều chỉnh từ ngày 1/1/2013 mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tối thiểu của NLĐ).

Theo quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/5/2013 thì mức lượng tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Tuy nhiên, trong điều kiện các doanh nghiệp nước ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp gia công; tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2012 gặp nhiều khó khăn và dự báo trong năm 2013 sẽ còn tiếp tục khó khăn. Vì vậy, nếu điều chỉnh ngay mức lương tối thiểu đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ thì nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn, không có khả năng đáp ứng được; đặc biệt là doanh nghiệp dệt may, da giầy, gia công có khả năng phá sản. Khi đó NLĐ sẽ mất việc làm, không có thu nhập. Vì vậy, trong điều kiện này cần phải cân nhắc lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu cho phù hợp, đảm bảo có sự chia sẻ giữa doanh nghiệp và NLĐ.

Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Lao động – TBXH đã xây dựng phương án báo cáo Thủ tướng về lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng để đạt nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ vào năm 2016 hoặc năm 2017. Trong quá trình thực hiện, nếu điều kiện kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi thì điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nhanh hơn để đạt nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.

- Trong thời gian qua, câu chuyện về nợ BHXH đang được đặc biệt quan tâm, nhiều người bày tỏ búc xúc của họ về việc mặc dù đã chuyển công tác sang đơn vị khác, nhưng do đơn vị cũ còn nợ tiền BHXH nên sang đơn vị mới công tác, họ không được tiếp tục tham gia đóng BHXH. Vậy trong trường hợp này, NLĐ sẽ phải làm gì?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Theo quy định của Luật BHXH và Bộ luật Lao động, NLĐ có quyền nhận lại sổ BHXH khi không còn làm việc; người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với NLĐ có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại hồ sơ BHXH cho NLĐ.

Trường hợp đơn vị cũ của NLĐ nợ BHXH dẫn đến chưa thực hiện chốt sổ BHXH để trả cho NLĐ khi chuyển sang làm việc tại đơn vị mới, nếu NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì doanh nghiệp mới và NLĐ vẫn phải tham gia BHXH và cơ quan BHXH có trách nhiệm thu BHXH bắt buộc; đồng thời, NLĐ và cơ quan BHXH phải chủ động phối hợp với các cơ quan Lao động – TBXH, Liên đoàn Lao động đôn đốc, buộc đơn vị nợ BHXH thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH để xác nhận thời gian đóng trên sổ BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

Tình trạng nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp đang ở mức báo động và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của NLĐ. Vậy đâu là nguyên nhân chính của tình trạng này và phía Bộ Lao động – TBXH sẽ xử lý như thế nào trong thời gian tới?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tính đến hết năm 2012, số nợ BHXH, BHTN là 4.639 tỷ đồng (trong đó nợ BHXH bắt buộc là 4.247 tỷ đồng, nợ BHTN là 365 tỷ đồng). Số nợ đóng BHXH tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Mặc dù số nợ BHXH giảm 232 tỷ đồng so với năm 2011, tuy nhiên tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH vẫn tồn tại, ảnh hưởng tới quyền lợi của NLĐ.


Nợ đóng, chậm đóng BHXH đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của NLĐ

Tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH nêu trên được lý giải ở một số nguyên nhân do nhận thức của một số chủ sử dụng lao động, NLĐ về chính sách BHXH còn hạn chế; NLĐ còn chưa mạnh dạn đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình; nhiều nơi chưa có tổ chức công đoàn hoặc có tổ chức công đoàn nhưng chưa mạnh dạn bảo vệ quyền lợi BHXH cho NLĐ. Công tác tuyên truyền, vận động chưa thật sâu rộng, mạnh mẽ, nội dung và hình thức tuyên truyền chưa thật đa dạng và phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Bên cạnh đó, quy định chậm đóng BHXH được tính bằng lãi suất đầu tư của quỹ BHXH trong năm, trong khi đó lãi suất đầu tư quỹ BHXH thời gian qua chỉ trong khoảng 9 – 10% và thường thấp hơn lãi suất vay ngân hàng trong cùng kỳ. Điều này đã dẫn tới một số doanh nghiệp cố tình chậm đóng, nợ đóng để sử dụng tiền BHXH vào mục đích khác. Đội ngũ cán bộ thanh tra ngành Lao động – TBXH còn quá mỏng nên công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về BHXH rất hạn chế, mới được chú ý trong một số thành phố lớn và hoạt động này còn lồng ghép với các lĩnh vực khác. Một nguyên nhân nữa là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc đăng ký ngừng hoạt động.

Một số giải pháp hạn chế tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH trong thời gian tới đó là: trước mắt, tiếp tục đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về hình thức và nội dung nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của chủ sử dụng lao động và NLĐ về quyền và trách nhiệm trong thực hiện chính sách BHXH. Tăng cường sự phối hợp giữa Sở Lao động – TBXH, cơ quan BHXH, Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp nợ đóng BHXH. Cơ quan BHXH tiếp tục áp dụng các biện pháp nhằm giảm chậm đóng, nợ đóng BHXH như đăng tên các đơn vị nợ BHXH trên báo chí, thành lập tổ chỉ đạo thu nợ BHXH liên ngành cấp tỉnh, khởi kiện ra tòa đối với các đơn vị nợ BHXH kéo dài và bám sát từng đơn vị sử dụng lao động để kiểm tra, đôn đốc việc thu nộp BHXH. Bộ Lao động – TBXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung triển khai các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH.

 

Giải pháp khi xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) và pháp luật liên quan sẽ nghiên cứu điều chỉnh mức lãi chậm đóng BHXH theo hướng cao hơn mức lãi suất vay ngân hàng trong cùng kỳ. Điều chỉnh mức xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH lên mức tối đa trong khung phạt của Luật xử lý vi phạm hành chính. Kiến nghị bổ sung trong Luật Hình sự hành vi của cá nhân người sử dụng lao động có tình trốn đóng BHXH hoặc đã trích tiền đóng của NLĐ mà không đóng vào quỹ BHXH.

Giao Tuyến (theo website Bộ LĐTBXH)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất