Theo thống kê mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi tuyển
sinh cao đẳng, đại học năm nay giảm trên 100.000 hồ sơ (tương đương mức
giảm trên 6%). Đặc biệt, số hồ sơ ngành quản trị và kinh doanh thì giảm
mạnh tới 10%, trong khi đó ngành khoa học, giáo dục, kỹ thuật công nghệ,
nông lâm thuỷ sản thì số hồ sơ lại tăng.
Chỉ còn 1 tuần nữa là tới kỳ thi tốt nghiệp THPT và hơn 1 tháng nữa là
tới kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã trả lời các thắc mắc liên quan tới 2 kỳ
thi lớn nhất trong năm 2013 này.
Sẽ có hướng dẫn cụ thể nhận biết thiết bị phát âm, phát hình trực tiếp Quy chế cho phép thí sinh mang thiết bị có khả năng ghi âm, ghi hình nhưng không thể truyền đi trực tiếp tại phòng thi đã được triển khai trôi chảy ở kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012 và lần đầu triển khai tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Tuy đã được tập huấn ngắn ngày nhưng một số giáo viên vẫn còn lúng túng trước quy định mới này.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: “Vấn đề thật ra đơn giản. Chúng ta không nên đặt vấn đề là có quá nhiều loại thiết bị phức tạp mà chỉ cần đặt vấn đề ngăn chặn thiết bị phát hình và phát âm trực tiếp tại phòng thi. Để phát hiện thiết bị có phát hình trực tiếp không thì chỉ cần nhìn xem thiết bị có màn hình không? Nếu có màn hình tức là phát hình thì không được mang vào. Còn không có màn hình tức là không phát hình trực tiếp được. Muốn phát âm phải có loa, tai nghe, nếu thiết bị không có 2 thứ đó thì thiết bị không thể phát hình và phát âm trực tiếp được. Nắm bắt được băn khoăn và lo lắng của cơ sở, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể chi tiết về điều này.”
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ : “ Chúng tôi tin rằng bổ sung quy chế này sẽ nâng cao trách nhiệm, nâng cao khả năng giám sát đối với các lực lượng tham gia thi cử.” Ngoài ra, Bộ trưởng cũng khẳng định: “ Việc đưa nội dung được phép mang vào và được phép ghi lại là tạo hành lang pháp lý để bảo vệ những người chống tiêu cực dù đây không phải cách duy nhất để chống tiêu cực.”
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng bày tỏ: “Chống tiêu cực trong thi cử, trong giáo dục cũng như chống tiêu cực trong các lĩnh vực khác đều là công việc khó khăn, gặp phải, chúng ta cần sự đồng tình, ủng hộ của tất cả các lực lượng xã hội.”
Giảm 100.000 hồ sơ dự thi tuyển sinh cao đẳng, đại học
Theo thống kê mới đây của Bộ thì số lượng hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh cao đẳng, đại học năm nay giảm trên 100.000 hồ sơ (tương đương mức giảm trên 6%). Đặc biệt, số hồ sơ ngành quản trị và kinh doanh thì giảm mạnh tới 10%, trong khi đó ngành khoa học, giáo dục, kỹ thuật công nghệ, nông lâm thuỷ sản thì số hồ sơ lại tăng.
Nhận định về sự thay đổi này, Bộ trưởng cho đây là dấu hiệu đáng mừng, một sự thay đổi trong nhận thức của học sinh. Bộ trưởng cho rằng “Trước hết, là do kết quả của công tác dân số KHHGĐ nên chúng ta đã khống chế được tỷ lệ sinh. Những năm trước tỷ lệ học sinh ở các bậc học tiểu học, THCS giảm bây giờ lan đến giảm số học sinh bậc THPT và do vậy làm giảm số lượng hồ sơ đăng ký dự thi cao đảng, đại học. Thứ hai là kết quả của việc phân luồng đào tạo, đây là kết quả tổng hợp của nhiều ngành, nhiều cấp trong đó có ngành giáo dục. Thứ ba là do một số chương trình của Đảng và Chính phủ cũng đã phát huy hiệu quả ví dụ chương trình dạy nghề nông thôn, chương trình phát triển xây dựng nông thôn mới, hàng loạt những ngành nghề, hàng loạt những lĩnh vực đào tạo nghề đã được mở ra và thu hút lực lượng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông tham dự, làm giảm học sinh thi đại học.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh : “Việc giảm số lượng dự thi vào các ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh là một tín hiệu mừng sau khi chúng tôi phát đi cảnh báo là số lượng HSSV tốt nghiệp các ngành học này đã bão hoà nhu cầu thị trường, nhất là trong điều kiện suy thoái kinh tế khu vực, thế giới và những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam vừa rồi.”
Việc tăng lên khối lượng hồ sơ tham dự các ngành nông nghiệp, thuỷ sản, khoa học công nghệ là dấu hiếu rất là tốt bởi vì những ngành cơ bản: khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ tạo nên nền tảng của nền kinh tế. Bộ trưởng hy vọng: “Nếu chúng ta có được số lượng học sinh giỏi học những ngành nghề này làm việc trong những lĩnh vực công nghiệp nặng thì là điều kiện rất tốt cho sự phát triển bền vững.”
Tuy nhiên Bộ trưởng cũng băn khoăn và khuyên các thí sinh khi lựa chọn ngành sư phạm cần cân nhắc nhu cầu khả năng tuyển dụng thời gian tới không lớn.
Đã sẵn sàng cho 2 kỳ thi quan trọng nhất trong năm
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo cho biết đang có những đoàn kiểm tra tại các địa phương, những vùng trọng điểm. Đến thời điểm này, tất cả các công việc cho thi tốt nghiệp THPT năm 2013 đã sẵn sàng. Các trường đã kết thúc kế hoạch học tập và đang phối hợp ôn tập lại kiến thức để các thí sinh thực hiện kỳ thi tốt nhất.
Về đề thi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Nói chung cả hai kỳ thi sẽ ra đề thi nằm trong chương trình của THPT mà nằm nhiều ở chương trình của lớp 12. Đề thi sẽ được ra một cách căn bản, không đánh đố. Với những môn thuộc KHXH nhân văn sẽ ra đề theo hướng mở và không yêu cầu HS phải học thuộc lòng một cách máy móc.
Đề thi tuyển sinh ĐH có một yêu cầu khác nữa là phải phân loại được trình độ thí sinh để tuyển chọn cho nên sẽ có những câu khó hơn.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết: Năm nay, quy chế tổ chức thi còn một điểm mới nữa là: Sẽ tiến hành việc chấm kiểm tra bài thi của các địa phương. Năm ngoái, Bộ đã làm thí điểm với 17 ngàn bài ở 16 tỉnh thì năm nay sẽ được triển khai tiếp với quy mô lớn hơn, phạm vi rộng hơn và sẽ được thông báo kết quả sẽ công khai.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đưa ra lời khuyên cho thí sinh: “Các cháu hãy tự tin, giữ gìn sức khoẻ, học một cách khoa học điều độ, khi vào làm bài thì bình tĩnh, đọc kỹ đề, làm câu dễ trước, câu khó sau, làm được đến đâu chắc đến đáy, làm bài một cách trung thực, đối diện với chính mình, tự vượt qua bản thân mình.”
Với các thầy cô giáo, Bộ trưởng “mong các thầy các cô với tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp chúng ta tuân thủ đầy đủ quy chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cháu làm bài trong một môi trường nghiêm túc, bình tĩnh, từng bước đấu tranh chống tiêu cực đem lại lòng tin, giành lại lòng tin trước hết là của học sinh, sau nữa là của các cha mẹ học sinh, toàn xã hội.”
Theo TTXVN