Không có trường chuyên đào tạo ngành thủy văn, tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, nhân tài cho ngành thủy văn ngày càng cạn kiệt... Ngày 20/11, tại Hội nghị dự báo viên khí tượng thủy văn toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Phạm Khôi Nguyên đã đưa ra hàng loạt nguyên cớ lý giải vì sao ngành khí tượng thủy văn đang "bất lực".
Trước khi vào nội dung chính của hội nghị, hàng loạt những lý do, kinh nghiệm, bài học và cả định hướng cho ngành khí tượng thủy văn đã được nhắc đến, xoay quanh việc phân tích những dự báo thiếu chính xác của ngành trong thời gian qua.
Tiền dùng không hết, chỉ thiếu cán bộ tài?
Tại đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Phạm Khôi Nguyên không ngần ngại đưa ra những hạn chế của ngành khí tượng thủy văn trong thời gian qua, trong đó có lý do: ở nước ta chưa có trường đào tạo riêng cho ngành khí tượng thủy văn khiến cho đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm đã già và về hưu gần hết không có người thay thế.
Hàng năm, tuyển sinh dù điểm chuẩn thấp nhưng cũng rất ít sinh viên. Bên cạnh đó, việc thu hút sinh viên giỏi, kỹ sư tài năng, đồng thời "giữ chân" cán bộ có năng lực đang làm việc là rất cần thiết.
Bộ trưởng Nguyên cũng khẳng định: "Chúng ta không lo về thiết bị, bởi Bộ sẵn sàng đầu tư kinh phí. Ngay cả việc sang học tập, học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài Bộ cũng sẵn sàng cho người đi để nâng cao nhất lượng cho công tác dự báo. Trong tương lai chúng ta phải có những thiết bị hiện đại hơn nữa, chứ vài năm nữa, những thiết bị hiện nay không đáp ứng được yêu cầu".
"Muốn vậy cần có người tài" - Bộ trưởng trăn trở.
Theo Bộ trưởng, thực tế, hàng năm Bộ vẫn cấp kinh phí hoạt động cho trung tâm dự báo khí tượng thủy văn nhưng dùng không hết. "Như vậy, chứng tỏ kinh phí đầu tư không thiếu. Do đó, thời gian tới cần chấn chỉnh lại ngành khí tượng thủy văn, có thể thực hiện luân chuyển công tác đối với các địa phương để học tập kinh nghiệm, cần đặt công tác dự báo khí tượng thủy văn lên hàng đầu" - ông Nguyên chỉ đạo.
Đồng tình với nhận định của Bộ trưởng, Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia Bùi Văn Đức thừa nhận: "Sau hơn 1 tháng liên tiếp có bão vào và có những thông tin dự báo chưa chính xác, chúng tôi đã chấn chỉnh lại tinh thần làm việc trong những lần dự báo vừa qua; tổ chức sắp xếp công việc; năng lực cán bộ cũng cần nhìn nhận lại; công nghệ cũng được đưa ra".
Ông Đức thông tin, hiện nay, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đang thử nghiệm dự báo bão thời gian 72 giờ. Thủy văn có thể dự báo 5-10 ngày; dự báo mùa... Khi có bão, áp thấp nhiệt đới hay thời tiết nguy hiểm các bản tin được phát liên tục.
Về việc dự báo, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, ông Bùi Minh Tăng cho biết, Việt Nam cố gắng dự báo được bằng các nước. Nếu bão bình thường vào thì có thể dự báo trước 1-2 ngày nhưng bão đổi hướng liên tục cũng phải chú ý. Thời gian tới, Trung tâm sẽ cố gắng có những kỹ sư tin học đạt trình độ cao.
"Thu nhập cán bộ trung tâm còn hạn chế cũng là nguyên nhân của việc khó thu hút nhân tài. Với mức lương 1,5-2 triệu/tháng thì những nhân tài sẽ không ai về với trung tâm. Máy móc có thể mua được nhưng thiết bị hiện đại mà không có người đủ năng lực sử dụng thì cũng chẳng để làm gì", ông Bùi Minh Tăng trình bày.
Dự báo không thể chính xác 100%
Ông Bùi Minh Tăng giải thích: Việc dự báo có xác suất, không thể chính xác tuyệt đối được. Mọi vật đều có thể biến đổi nên việc dự báo cũng không thể lúc nào cũng chính xác. Do đó, chúng tôi phải thực hiện vài ba tiếng cập nhật bản tin mới một lần. Việc này cần tuyên truyền cho người dân hiểu để họ không cho rằng chúng tôi dự báo sai, nói bão vào rồi lại không có bão vào..."
Cũng liên quan đến việc dự báo, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đề nghị cần xem lại việc thông báo bản tin. Ông nói: "Những bản tin như hiện nay người dân không thể hiểu hết được là có xác suất sai lệch, họ cứ nghĩ thông báo thế nào là diễn ra như thế. Như vậy, việc cần thiết phải thông báo bản tin thế nào cho người dân dễ hiểu. Chẳng hạn, người dân không biết bão đang ở kinh tuyến, vĩ tuyến nào nhưng khi nói khu vực nào họ lại dễ nắm hơn...".
Sau hàng loạt những việc liên quan đến công tác dự báo trong thời gian qua, không còn nhắc đến chuyện thiếu kinh phí, lãnh đạo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương bày tỏ nguyện vọng duy nhất: đội ngũ cán bộ của ngành thường xuyên được học tập nâng cao trình độ, cập nhật thông tin, ứng dụng các tiên bộ kỹ thuật vào công việc. Về lâu dài cần khuyến khích sinh viên học tập có kết quả cao và tốt nghiệp đại học sẵn sàng về phục vụ tại Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương..
Được biết, ngay trong ngày 20/11, lãnh đạo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương sẽ có thêm buổi làm việc kín với lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường để rút kinh nghiệm công tác dự báo trong thời gian qua.
Theo Lệ Hà (VietNamNet)