Thứ Ba, 26/11/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 16/3/2012 22:27'(GMT+7)

Bộ trưởng Y tế đối thoại trực tuyến về dịch vụ y tế

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Cuộc đối thoại diễn ra trong vòng 1 giờ 30 phút với hàng chục câu hỏi đã được chuyển tới Bộ trưởng và một số bệnh viện, trao đổi về việc điều chỉnh 447 giá dịch vụ y tế theo Thông tư liên bộ 04 giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính vừa thông qua.

Theo đó, từ ngày 15/4 tới, Thông tư liên bộ 04 bắt đầu có hiệu lực, các đơn vị trực thuộc phải trình mức thu lên Bộ Y tế, các bệnh viện khác phải trình Sở Y tế, Sở Y tế trình Hội đồng Nhân dân, nơi nào làm nhanh sẽ thực hiện sớm tùy theo mức phê duyệt của các cấp có thẩm quyền.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá viện phí được liên bộ Y tế, Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng dựa trên giá dịch vụ y tế ban hành từ năm 1995, thời điểm đó chỉ tính 1 phần giá dịch vụ và một số dịch vụ được điều chỉnh giá năm 2006 cũng chỉ tính một phần. Trong khi đó, lương cơ bản tới nay tăng 6,9 lần, giá các nguyên liệu đầu vào phục vụ ngành y tế cũng tăng theo thị trường.

Theo đó, mức tăng giá viện phí lần này được tính toán trong cấu thành của giá có 7 yếu tố, lần này mới chỉ tính 3 yếu tố gồm các chi phí trực tiếp (máu, dịch truyền, bơm kim tiêm…), chi phí điện nước, chi phí duy tu sửa chữa một số trang thiết bị, tức là những phần tối thiểu nhất, chưa tính tiền lương, khấu hao… Mức tăng từ 2-4 lần, một số ít dịch vụ tăng tương đối nhiều (hơn 6 lần).

Theo phản ánh của các sở y tế, địa phương và bệnh viện cho thấy mức thu phí dịch vụ thấp ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng khám chữa bệnh. Khi mức thu không đủ cho chi, người bệnh phải mua thêm thuốc, ngay chi phí cho phòng khám chữa bệnh, ga trải giường... cũng rất khó khăn. Chất lượng dịch vụ y tế thấp nên không khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế, người có điều kiện thì tìm tới dịch vụ trả tiền. Thu bảo hiểm y tế có tăng vì tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm y tế tăng, tỷ lệ mức thu cũng tăng so với lương, lương cũng tăng. Với phương châm người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách sẽ do Nhà nước lo, còn những ai có điều kiện nên đóng góp nhiều hơn.

Theo Bộ trưởng, đối với đối tượng nghèo, Nhà nước hỗ trợ 95%, với đối tượng cận nghèo, năm nay hỗ trợ mức đóng bảo hiểm là 75%…

Ngoài ra, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 14 ngày 1/3/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều chỉnh quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. Đối tượng dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn và nghèo mà mắc bệnh hiểm nghèo như chạy thận nhân tạo, ung thư… được hỗ trợ một phần tiền ăn, đi lại, chữa bệnh... Đây là nỗ lực lớn và sự ưu việt của Nhà nước. Còn những đối tượng khác, đã nằm trong diện bảo hiểm y tế.

Nhà nước và ngành y tế đã cân nhắc kỹ khi ban hành Thông tư này. Thời gian qua, mức thu giá dịch vụ quá thấp, nên có những loại bệnh, nếu theo mức chi của bảo hiểm, không thể đủ. Có lúc giá vật liệu, dụng cụ thay đổi, có những phần phải trả thêm so với mức quy định của bảo hiểm y tế bởi mức chi trả của bảo hiểm quá thấp, như phần đồng chi trả, nếu dùng thuốc đặc trị, biệt dược không có trong danh mục thì có trường hợp phải trả thêm một khoản hơn 20%.

Nếu viện phí tăng lên như mức hiện nay, về nguyên tắc gần như không phải đóng nữa, như mức đóng 20% hiện nay. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp cá biệt, có những thủ thuật trên cơ địa một số người phải dùng, bởi nếu dùng thuốc trên danh mục quy định sẵn thì không phù hợp với bệnh nhân như bệnh dễ chảy máu, tan huyết…

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng những băn khoăn của độc giả là rất chính đáng, Chính phủ và ngành Y tế trăn trở nhiều về vấn đề này trước khi ban hành Thông tư. Tuy nhiên, Chính phủ đã hỗ trợ mua bảo hiểm cho người nghèo là 95%, cận nghèo 70%, đồng chi trả là 50%. Chuẩn nghèo và cận nghèo như thế nào đã được ban hành với quy định cụ thể.

Đối tượng thứ ba là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở những vùng khó khăn cũng được quan tâm. Gần đây nhất, theo Quyết định 14/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 về khám, chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, người mắc bệnh hiểm nghèo… được hỗ trợ về chi phí ăn uống, đi lại, chữa bệnh… Sắp tới, Nhà nước sẽ tiến tới lộ trình y tế toàn dân, hỗ trợ 30% cho các hộ có mức thu nhập trung bình.

Theo Bộ trưởng, mức đóng bảo hiểm y tế chỉ vào khoảng 400.000 đồng, trong khi mức chi có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Do đó, người dân nên mua bảo hiểm y tế.

Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ Hồ Đức Hải bổ sung thêm biểu giá điều chỉnh viện phí hiện nay mới đáp ứng một phần nhỏ. Như vậy, vấn đề nâng cao chất lượng khám chữa bệnh không phải chỉ một vấn đề bổ sung giá viện phí, mà phải bao gồm tất cả các yếu tố, như đầu tư trang thiết bị, đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực...

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính Phạm Lê Tuấn nói: "Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận được ý kiến của các đơn vị trực thuộc và các tỉnh về vấn đề thiếu kinh phí, điển hình như Bệnh viện Bạch Mai, Lão khoa, Học viện Y học cổ truyền… Đây là bức xúc kéo dài với các bệnh viện."

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nghề y đòi hỏi 3 yếu tố là y lý, y thuật (là chuyên môn) và y đức. Vì vậy, để khám chữa bệnh tốt, người thầy thuốc ngoài dược phẩm, trang thiết bị, còn có tấm lòng. Đúng là cần phải có nụ cười, tính nhân văn. Tình trạng thiếu nụ cười cũng xảy ở một số cơ sở, nhất là những nơi quá tải ở phòng khám ngoại trú, phòng khám bệnh, quá đông, chật chội, nóng bức.

Bộ Y tế đã và đang thực hiện việc này, gắn với việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ y tế đã được ban hành. Vừa rồi, Bộ đã tổ chức chung kết hội thi toàn quốc quy tắc ứng xử ngành y tế với hơn 1.000 bệnh viện tham gia./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất