Chủ Nhật, 24/11/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 11/2/2013 8:57'(GMT+7)

Bộ trưởng Y tế: Quá tải bệnh viện vẫn là thách thức

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. (Ảnh: TTXVN)

Năm qua, ngành y tế đã tạo được dấu ấn lớn khi giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh, kiểm soát tốt nhiều loại dịch bệnh, tổ chức thành công hội nghị của Tổ chức Y tế giới khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì tình trạng quá tải bệnh viện vẫn còn phổ biến...


Nhân dịp đầu Xuân, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến xung quanh những vấn đề “nóng bỏng” của ngành y tế trong năm vừa qua.

- Thưa Bộ trưởng, năm 2012 đã khép lại, với cương vị là người đứng đầu của ngành y tế, Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về công tác y tế trong năm qua?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong năm qua, nền kinh tế của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh trên, ngành y tế cũng không tránh khỏi xu hướng đó. Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ, Quốc hội giám sát thì ngành y tế đã có được một số sự đổi mới và có được nhiều thành tựu.

Qua đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2012, ngành y tế hoàn thành các chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao, trong đó 4 chỉ tiêu quan trọng là: số giường bệnh trên 1 vạn dân, chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; mức giảm tỷ lệ sinh và tỷ lệ các cơ sở y tế xử lý chất thải đúng quy định.

Đối với chỉ tiêu còn lại do Quốc hội giao, ngành y tế đã đạt được 17/18 chỉ tiêu, trong đó 1 chỉ tiêu không hoàn thành đó là không đạt chỉ tiêu về cân bằng giới tính khi sinh. 

Một thành tựu rất quan trọng của năm qua là Việt Nam được quốc tế xếp trong 7 nước hàng đầu trong 74 nước được xếp hạng về giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em.

Một thành tựu nổi bật tiếp theo là ngành y tế đã phát hiện ra căn nguyên và khống chế thành công bệnh “lạ” viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi.

Đặc biệt, năm qua, Việt Nam đã lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị của Tổ chức Y tế  Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63. Sự kiện trên được Giám đốc Tổ chức Y tế  Thế giới đánh giá là hội nghị thành công và ấn tượng nhất.

- Bên cạnh những thành tựu nổi bật đã đạt được, Bộ trưởng có thể chia sẻ những khó khăn và thách thức đối với ngành y tế trong thời gian qua?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Đúng là hiện nay ngành y tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Thứ nhất là tình trạng quá tải bệnh viện vẫn là một thách thức lớn khi số giường bệnh trên 10.000 dân ở Việt Nam là 21,5 - thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Chẳng hạn như yêu cầu tối thiểu của các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương là 32 giường/10.000 dân thì Việt Nam vẫn còn thiếu hơn so với tiêu chí đó hơn 10 giường. Đối với một số nước khác trong khu vực thì có thể lên tới 80 giường bệnh, thậm chí có một số nước còn lên tới 140 giường/10.000 dân.

Vấn đề thứ hai là mô hình bệnh tật hiện nay có nhiều thay đổi, các dịch bệnh mới phát sinh có thể bùng phát bất khi nào do sự thay đổi thời tiết. Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp, các bệnh không truyền nhiễm và các dịch bệnh mới, bệnh lạ khó lường trước được. Vì vậy ngành y tế luôn phải trong tình trạng sẵn sàng ứng phó.

Một khó khăn nữa là về vấn đề bảo hiểm y tế. Hiện nay tình trạng người dân tự nguyện mua bảo hiểm y tế vẫn còn thấp, và đặc biệt họ vẫn chưa mặn mà với bảo hiểm y tế. Bộ Y tế đã xây dựng đề án bảo hiểm y tế toàn dân và trình chính phủ và nhà nước quyết định hỗ trợ để vận động người dân mua bảo hiểm y tế.

Vấn đề thứ tư là vấn đề an toàn thực phẩm vẫn còn rất nóng bỏng. Giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm cần sự phối hợp liên ngành của chính quyền các cấp.

Bên cạnh đó là khó khăn trong công tác dân số. Hiện nay chúng ta đang đối mặt với thách thức mất cân bằng giới tính khi sinh. Việt Nam rất khó khăn để khống chế mất cân bằng giới tính do cái văn hóa trọng nam khinh nữ, cần con trai để nối dõi tông đường. Vì vậy đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng.



Tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép xảy ra ở nhiều bệnh viện. (Ảnh: TTXVN)


- Vấn đề quá tải bệnh viện được nhiều người dân quan tâm. Có ý kiến cho rằng giá viện phí tăng nhưng tình trạng trên vẫn chưa được cải thiện nhiều. Vậy Bộ trưởng có quyết sách gì để giải quyết dứt điểm tình trạng này?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Đúng là vấn đề quá tải bệnh viện hiện nay vẫn là một thách thức lớn của ngành y tế. Hiện nay, các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang quá tải trầm trọng. Sau mấy chục năm, số lượng bệnh tại Thủ đô Hà Nội hiện nay so với thời điểm sau khi giải phóng miền nam viện hầu như không tăng, trong khi đó dân số càng ngày càng nhiều.

Để góp phần giảm tải bệnh viện, trong năm 2012 ngành y tế đã xây mới 1.350 giường bệnh ở tuyến trung ương, chủ yếu ở Hà Nội. Điển hình như đã xây dựng được cơ sở 2 của Bệnh viện K ở Tam Hiệp và một số chuyên khoa của Bệnh viện Quảng Nam. Những giường bệnh mới đi vào hoạt động đã từng bước góp phần giảm tải bệnh viện.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải bệnh viện, Bộ Y tế cũng đề nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội và và chính quyền địa phương các tỉnh phải tăng cường đầu tư cho các bệnh viện đặc biệt là tuyến trung ương, tuyến cuối cùng, nhất là 5 chuyên khoa quá tải nhiều.

Theo đề án giảm quá tải bệnh viện, các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ cùng với Bộ Y tế thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh. Qua việc chuyển giao công nghệ, các bệnh viện vệ tinh sẽ tự khám chữa bệnh khó ngay tại tỉnh để không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Cùng với hệ thống bác sỹ gia đình, Bộ Y tế sẽ tăng cường năng lực của y tế cơ sở.

- Trên những thuận lợi và khó khăn đó, xin bà cho biết những nhiệm vụ trọng tâm ngành y tế sẽ giải quyết trong năm 2013?


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Thứ nhất là chúng tôi tiếp tục thực hiện đề án giảm tải bệnh viện. Thứ hai là Bộ Y tế đã trình chính phủ đề án nghĩa vụ luân phiên cán bộ xuống phía dưới. Như vậy, mỗi một cán bộ y tế sẽ phải xuống phía dưới và sẽ được hưởng những trợ cấp. Bộ Y tế cũng sẽ thí điểm đề án bác sỹ trẻ tốt nghiệp loại giỏi tình nguyện xuống công tác tại 62 huyện nghèo theo nhu cầu chuyên khoa của bệnh viện đó.

Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh cuộc vận động người việt dùng thuốc việt để giúp giảm chi phí và tăng điều kiện cho công nghiệp dược trong nước phát triển; tiếp tục thực hiện đề án  đổi mới cơ chế tài chính; tiến tới thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.

Về đổi mới công nghệ, chúng tôi cũng mong muốn ứng dụng những công nghệ cao và cũng đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao để họ thực hiện được những kỹ thuật cao. Đó cũng là mục tiêu xây dựng những trung tâm y tế chất lượng cao với chất lượng tốt và giá cả phải chăng.

Một vấn đề nữa Bộ Y tế đang tập trung giải quyết là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh và sẽ làm quyết liệt cả giải pháp hành chính về giáo dục tư tưởng và giải pháp về kinh tế để  tăng cường đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ y tế. Những việc làm trên nhằm dần dần cải thiện sự hài lòng của người dân về đội ngũ bác sỹ từ đó xây dựng hình ảnh người bác sỹ trong lòng người dân hướng tới sự công bằng hiệu quả và phát triển.

- Giả sử được quay lại năm 2012, Bộ trưởng thấy có những vấn đề gì đang giải quyết còn dang dở?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Đó là vấn đề giảm tải bệnh viện, vấn đề tài chính về y tế, là vấn đề bảo hiểm y tế và đặc biệt nữa là vấn đề quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế. Dù rất ít cán bộ y tế có thái độ không đúng, nhưng con sâu làm rầu nồi canh đã làm cho người dân nghĩ không tốt về hình ảnh người thầy thuốc.

Có lẽ là ước mơ của tôi cũng hơi nhiều và khát vọng cũng hơi lớn. Vì vậy, để làm được những việc trên thì Bộ Y tế cũng phải trăn trở và cố gắng nhiều.

- Năm 2013, Bộ trưởng có ước vọng vào sự đột phá nào để khắc phục những điều dang dở đó?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Mơ ước của chúng tôi là Đảng, Nhà Nước, Quốc hội đầu tư nhiều hơn nữa cho y tế, cụ thể cấp kinh phí để xây dựng thêm nhiều các bệnh viện.

Chúng tôi cũng mơ ước xã hội cùng chính những nhà hảo tâm và chính những người dân tăng cường tham gia bảo hiểm y tế. Bởi bảo hiểm y tế chính là quyền lợi của mình. nó như một cái bùa hộ mệnh cho những lúc ốm đau, bệnh tật.

Một điều nữa mà tôi mong mỏi là có những người thầy thuốc có tâm, có đức, giỏi cả lý luận và thực tiễn để có nghĩa vụ đóng góp với các tuyến vùng sâu vùng xa nhằm dáp ứng ngày càng cao hơn sự hài lòng của người bệnh ở những vùng khó khăn. Bộ Y tế sẽ cố gắng phấn đấu để cải thiện chất lượng dịch vụ, trước mắt là thái độ ứng xử của thầy thuốc.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thùy Giang (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất