Chiều 18/10/2016, Bộ TT&TT đã cấp phép 4G cho Gtel. Như vậy cho
đến thời điểm này đã có 4 mạng di động được cấp phép 4G là Viettel,
MobiFone, VNPT và Gtel.
Gtel được cấp phép 4G trên băng tần 1800 MHz. Đây là băng tần mà Gtel
đã được cấp phép cho dịch vụ 2G trước đó. Việc cấp phép 4G cho Gtel
được cho là sẽ tăng thêm giá trị cho mạng này nếu kêu gọi nhà đầu
tư. Thông tin từ Bộ TT&TT cho hay, trong tổng số hơn 128,3 triệu
thuê bao điện thoại di động có trên mạng tính đến hết tháng 8/2016 thì
Gtel có gần 5,9 triệu thuê bao. Trong một vài năm qua, sự xuất hiện của
thương hiệu Gtel trên truyền thông rất hiếm hoi.
Trước đó, ngày 8/7/2008, Tập đoàn VimpelCom đến từ Nga và GTel đã ký
kết thành lập Công ty CP di động GTel Mobile với thương hiệu Beeline.
Trong GTel Mobile, VimpelCom nắm giữ 40% cổ phần - tương đương khoản đầu
tư tài sản 267 triệu USD. Thời điểm này, thị trường di động Việt Nam đã
chững lại sau một thời gian dài bùng nổ. Nhiều chương trình khuyến mãi
tung ra được nhiều người nhận định là những gói cước thiết kế kiểu "chém
giết lẫn nhau". Cước di động Việt Nam đang từ nhóm cao trên thế giới đã
hạ xuống nhóm thấp nhất thế giới. Mặc dù Beeline tung ra khá nhiều gói
cước siêu rẻ như BigZero nhưng nó chỉ như những cơn sóng ào lên rồi rơi
vào lặng lẽ. Đến tháng 4/2011, VimpelCom tái khởi động tấn công thị
trường Việt Nam khi tuyên bố đầu tư thêm 500 triệu USD vào Beeline và
nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông này trong GTel Mobile từ 40% lên
49%. Không lâu sau, hình ảnh Beeline xuất hiện trở lại kèm gói cước
"nóng" mang tên Tỷ phú và điện thoại siêu rẻ chỉ 149.000 đồng.
Thế nhưng, đến 23/4/2012, GTel Mobile bất ngờ tuyên bố mua lại hết cổ
phần của đối tác VimpelCom trong mạng Beeline, đưa Gtel Mobile trở
thành công ty 100% vốn của các cổ đông trong nước. Giới chuyên môn cho
rằng, việc VimpelCom "bỏ chạy" khỏi Việt Nam bằng việc bán rẻ cổ phần
trong mạng Beeline chỉ với 45 triệu USD chủ yếu do thị trường di động đã
"chia xong" và không còn "cửa" cho mạng di động mới. Lãnh đạo một mạng
di động cho rằng thị trường di động Việt Nam đã cạnh tranh bằng cả những
hình thức "phi kinh tế".
Một điều khoản sau khi VimpelCom rút khỏi thị trường
Việt Nam là GTel Mobile sẽ ngừng sử dụng thương hiệu Beeline sau 6 tháng
kể từ ngày chuyển giao. Ngày 17/9/2012, GTel Mobile đã công bố thương
hiệu mới Gmobile - chính thức thay thế và chấm dứt việc sử dụng thương
hiệu Beeline tại Việt Nam.
Từ ngày 11/3/2013, thuê bao của mạng di động Gmobile
được sử dụng hạ tầng của mạng VinaPhone để thực hiện nhận cuộc gọi,
gửi/nhận SMS và sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng khác. Đây là lần
đầu tiên việc hợp tác chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông mạng di động được
triển khai giữa hai mạng di động độc lập tại Việt Nam. Việc triển khai
chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông mạng di động giữa VinaPhone và Gtel
Mobile được thực hiện trên cơ sở Thỏa thuận khung về Chia sẻ hạ tầng
viễn thông mạng đi dộng giữa Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam
(VNPT) và Công ty Cổ phần Viễn thông Di động Toàn cầu (GTel Mobile JSC).
Theo hợp đồng ký giữa VinaPhone và GTel Mobile, thuê
bao di động của cả hai mạng sẽ có thể sử dụng sóng của nhau để thực hiện
nhận cuộc gọi, gửi/nhận SMS và sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng
khác trong phạm vi các tỉnh, thành phố được mở dịch vụ (trừ Hà Nội và TP
Hồ Chí Minh).
GTel Mobile nói rằng đây là dịch vụ chuyển vùng trong
nước của hai mạng VinaPhone và Gmobile. Các thuê bao của Gmobile khi có
nhu cầu tiếp cận vùng phủ sóng toàn quốc và duy trì liên lạc trên tất cả
64 tỉnh thành thông qua hai vùng phủ sóng của Gmobile và VinapPhone.
Theo đó, khi sử dụng dịch vụ này, nếu thuê bao di chuyển vào các vùng
Gmobile có phủ sóng thì SIM sẽ tự động chọn mạng và sử dụng sóng của
Gmobile và khi thuê bao di chuyển vào vùng Gmobile không có sóng thì SIM
sẽ tự động chuyển và sử dụng sóng của VinaPhone.
Tất cả các thuê bao của Gmobile có thể đăng ký sử dụng
dịch vụ chuyển vùng trong nước theo hình thức bấm lệnh trực tiếp từ
điện thoại hoặc gửi tin nhắn đăng ký lên hệ thống để kích hoạt dịch vụ.
Các chính sách về gói cước hiện tại của Gmobile không thay đổi cho mọi
thuê bao khi đăng ký sử dụng dịch vụ. Thuê bao chỉ phải trả cước phí sử
dụng dịch vụ chuyển vùng trong nước khi phát sinh giao dịch thực tế
trong khu vực Gmobile chưa phủ sóng và sử dụng sóng của VinaPhone./.
Theo ICTnews