Sáng 20/7, Bộ Tư pháp tổ chức Họp báo thông tin về công tác tư pháp quý 2/2018.
Bộ Tư pháp xin lỗi ông Lê Đình Vinh
Tại buổi Họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển, cho biết ngày 7/6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp phòng tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp năm 2018.
Theo Đề án, Bộ Tư pháp tổ chức thí điểm thi tuyển đối với 5 vị trí dự tuyển thuộc 3 đơn vị gồm: Phó Giám đốc Học viện Tư pháp; Phó Vụ trưởng Vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phó Chánh Văn phòng Tổng cục thi hành án dân sự; Trưởng Bộ môn ngoại ngữ và Phó trưởng phòng Phòng Tài chính-Kế toán, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Dự kiến việc tổ chức thi tuyển sẽ được tiến hành trong Quý 3/2018.
Đề án quy định cụ thể về đối tượng dự tuyển; điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển; môn thi, nội dung, thời gian, thang điểm chấm thi; quyền, nghĩa vụ của người dự thi; việc đưa tin, phát ngôn về kỳ thi; tiêu chuẩn, số lượng thành viên, thành phần, nhiệm vụ của Hội đồng thi tuyển, Ban giám sát và tổ giúp việc; quy trình, thời gian tổ chức kỳ thi tuyển; phân công nhiệm vụ các đơn vị liên quan đến tổ chức thực hiện.
Liên quan đến việc giải quyết kết quả thí điểm thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ Tư pháp đã có công văn trả lời ông Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Vietthink về việc không có đủ cơ sở để bổ nhiệm ông Vinh giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, mặc dù ông Vinh đã được công bố trúng tuyển kỳ thi năm 2015.
“Bộ Tư pháp trân trọng xin lỗi và mong muốn nhận được sự chia sẻ, cảm thông từ phía ông Lê Đình Vinh về sự việc đáng tiếc này. Bộ Tư pháp nhận thiếu sót chưa kịp thời điều chỉnh đối tượng thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội theo Đề án của Bộ Tư pháp để phù hợp với Thông báo số 202-TB/TW của Bộ Chính trị và sẽ chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra thiếu sót trên kiểm điểm nghiêm túc, coi đây là bài học sâu sắc trong công tác quản lý của Bộ," Chánh Văn phòng Đỗ Đức Hiển cho biết.
Khai thác, sử dụng thông tin hộ tịch phải tuân theo quy định pháp luật
Tại buổi Họp báo, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ cũng trả lời nhiều vấn đề báo chí quan tâm.
Liên quan đến việc thành phố Hà Nội đề xuất thu phí chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực chỉ rõ: Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào chính thức quy định chi tiết những nội dung gì được coi là bí mật cá nhân, dù quyền bảo vệ bí mật cá nhân đã được quy định trong một số văn bản luật.
Dưới góc độ pháp luật hộ tịch, theo ông Nguyễn Công Khanh, Luật Hộ tịch quy định tất cả thông tin khai sinh, kết hôn, khai tử... được coi là thông tin đầu vào của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu này gồm toàn bộ thông tin của người dân Việt Nam, được thu thập 15 trường thông tin, trong đó có 9 trường là thông tin hộ tịch như họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quốc tịch…
"Với tư cách thông tin đầu vào cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên thông tin hộ tịch được cập nhật thường xuyên. Việc bảo mật cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử nói chung và dữ liệu, thông tin hộ tịch của cá nhân nói riêng được quy định trong Luật Hộ tịch,” ông Khanh chỉ rõ.
Theo đó, Điều 59 Luật Hộ tịch quy định về nguyên tắc kết nối, khai thác, sử dụng thông tin hộ tịch trong cơ sở dữ liệu nói chung. Đến năm 2019, Bộ Tư pháp sẽ soạn thảo Nghị định về quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để trình Chính phủ, trong đó sẽ nêu lên nguyên tắc, trình tự thủ tục, kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu.
Về nguyên tắc bảo mật, Điều 61 Luật Hộ tịch quy định: Chỉ những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền mới được khai thác thông tin hộ tịch trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. "Như vậy, nếu pháp luật chưa quy định, bất cứ cơ quan, tổ chức cá nhân nào tự ý khai thác những thông tin này sẽ được coi là bất hợp pháp", ông Khanh nhấn mạnh.
Ông Khanh cũng nhắc đến trách nhiệm của người đăng ký hộ tịch được quy định trong Điều 74 của Luật Hộ tịch. Theo đó, công chức làm công tác hộ tịch phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về việc để lộ những thông tin mình biết được trong quá trình đăng ký hộ tịch. "Luật Hộ tịch quy định rất chặt chẽ. Việc khai thác, sử dụng thông tin hộ tịch của tổ chức, cá nhân phải tuân theo quy định của pháp luật chứ không thể khai thác tự do được," Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực khẳng định.
Không để nợ đọng văn bản
6 tháng đầu năm 2018, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ trong việc đôn đốc các bộ, cơ quan xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết luật, pháp lệnh. Qua đó số văn bản nợ đọng còn 11 văn bản, giảm 4 văn bản so với cùng kỳ năm 2017, riêng Bộ Tư pháp không để nợ đọng văn bản nào.
Chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật từng bước được nâng cao. Bộ Tư pháp đã thẩm định 141 văn bản quy phạm pháp luật, 19 điều ước quốc tế; kiểm tra theo thẩm quyền 1571 văn bản. Qua kiểm tra đã phát hiện, ra kết luận kiểm tra, kiến nghị xử lý đối với 39 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền.
Công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, nhất là việc xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài được chú trọng. Cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 389.293 việc, thi hành xong hơn 19.878 tỷ về tiền, theo dõi, đôn đốc thi hành xong 145 bản án, quyết định hành chính.
Toàn ngành đã tập trung nâng cao chất lượng và giải quyết số lượng lớn nhu cầu người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực hành chính tư pháp. Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được Bộ Tư pháp thực hiện đúng quy định của pháp luật./.
Theo VN+