(TG) - Ngày 13/1, Bộ Y tế đã ra văn bản, khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp nhằm chủ động phòng, chống căn bệnh liên cầu lợn.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu nhấn mạnh thời gian qua, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm, số ca mắc và tử vong do bệnh liên cầu lợn tăng mạnh so với ngày thường vì nghỉ lễ nên nhu cầu tiêu dùng thịt tăng cao.
Mặc dù số ca bệnh mắc không nhiều nhưng tỷ lệ các ca nặng có di chứng và tử vong rất cao.
Bên cạnh đó, dù được tuyên truyền thường xuyên nhưng thói quen ăn tiết canh và các sản phẩm thịt chưa chín kỹ trong trong ngày lễ, Tết của người Việt vẫn làm gia tăng gây nguy cơ bùng phát, lây lan bệnh liên cầu lợn.
Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…); không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng; không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết; tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Năm 2016, cả nước có 414.587 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn, giảm 19,4% so với 2015, trong đó có 7 trường hợp tử vong, giảm 58% so với năm 2015.
Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Người bị bệnh có biểu hiện đa dạng nhưng hay gặp nhất là hai thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn.
Bệnh thường để lại biến chứng nặng và có thể tiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, khi mắc liên cầu lợn, bệnh nhân có diễn biến nhanh, gây suy đa phủ tạng, viêm màng não mủ, giảm thính lực (chiếm 40%), 20% bị điếc vĩnh viễn và các di chứng thần kinh.
Bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất lớn nếu bị nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm não. Thời gian điều trị bệnh này là từ 3-4 tuần, thậm chí kéo dài 2 tháng với chi phí điều trị cao.
Điều đáng nói là liên cầu lợn không tạo ra miễn dịch vĩnh viễn, những trường hợp mắc rồi vẫn có thể mắc lại…/.
TG