Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói việc có cán bộ y tế vẫn cho
rằng mình là người ban ơn cho người bệnh nên còn hách dịch với họ là
điều phải sửa chữa ngay. Một số lãnh đạo BV chưa thực sự thấy hết tầm
quan trọng của công tác này, nên việc triển khai chưa quyết liệt, chưa
đồng bộ và chưa triệt để với quyết tâm cao nhất.
Thưa Bộ trưởng, trong nhiệm kỳ vừa qua, Bộ trưởng đã có
những quyết định làm thay đổi bộ mặt của ngành y, đặc biệt là việc thay
đổi thái độ phục vụ làm hài lòng người bệnh. Xin Bộ trưởng cho biết
những dự định tiếp theo của ngành để sự thay đổi này phải trở thành nếp
ứng xử thường xuyên của từng cán bộ y tế?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Với quyết tâm cao, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế, sự ủng hộ, hưởng ứng của cán bộ y tế, của nhân dân, việc
thay đổi thái độ phục vụ để làm hài lòng người bệnh bước đầu đã đạt
được kết quả nhất định: Số thư khen ngợi tinh thần, thái độ của nhân
viên y tế tăng lên, số cuộc điện thoại phê bình đã giảm. Nhiều người
bệnh nhận xét cán bộ y tế có tinh thần, thái độ phục vụ, hướng dẫn người
bệnh tận tình, chu đáo hơn trước.
Cùng với đó là cơ sở vật chất, vệ sinh
môi trường xanh sạch đẹp tại khu vực khám bệnh cũng như tại phòng bệnh
trong các bệnh viện (BV) đã được cải thiện và nâng cấp hơn: Ghế ngồi cho
người bệnh chờ khám tăng, nước uống, báo đọc, quạt mát phục vụ người
bệnh cũng đã được quan tâm đáp ứng...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt
được, vẫn còn rất nhiều tồn tại cần giải quyết. Đó là tình trạng quá
tải BV; một số lãnh đạo BV chưa thực sự thấy hết tầm quan trọng của công
tác này, nên việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ và chưa
triệt để với quyết tâm cao nhất.
Về phía cán bộ y tế, nhận thức của một
bộ phận cán bộ y tế chưa thay đổi, vẫn nặng về tâm lý “xin-cho”, tâm lý
“mang ơn”, chưa nhận thức người bệnh là trung tâm, là đối tượng phục vụ…
nên còn có tình trạng hách dịch, thậm chí quát mắng người bệnh.
Về phía nhân dân, nhiều người bệnh, gia
đình người bệnh có tâm lý sốt ruột, không quen xếp hàng, chờ đợi (chờ
làm các xét nghiệm); không thông cảm với ngành y tế, đôi khi còn có thái
độ coi thường cán bộ y tế, không chấp hành nội quy, quy định và chỉ
định, y lệnh của thầy thuốc…
Để thực hiện một cách triệt để, trong
thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ Đề án giảm tải BV,
triển khai thực hiện BV vệ tinh; đổi mới cơ chế tài chính trong BV; đề
xuất ưu tiên chế độ chính sách cho cán bộ y tế như phụ cấp thâm niên,
lương khởi điểm của bác sĩ…
Thưa Bộ trưởng, trong năm 2017, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ được thực hiện như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến:
Trong năm 2017, tiếp tục thực hiện mức giá có tiền lương đối với người
có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tại 27 tỉnh, thành phố. Dự kiến thực hiện
vào quý I, đầu quý II.
Với đối tượng không có thẻ BHYT, do hiện
nay vẫn thực hiện mức giá ban hành từ năm 2006 và 2012 (chưa tính đủ
chi phí trực tiếp, chưa có tiền lương, thấp hơn mức giá khám chữa bệnh
BHYT) nên nhiều người chưa tham gia BHYT.
Theo Nghị định 16 của Chính phủ, đến năm
2016 phải thực hiện mức giá tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương,
nên lộ trình thực hiện mức giá cho người chưa có thẻ BHYT đang chậm hơn
thời gian quy định của Chính phủ.
Trong năm 2017, Bộ Y tế và Bộ Tài chính
sẽ ban hành thông tư quy định mức giá tối đa, gồm chi phí trực tiếp và
tiền lương đối với người chưa có thẻ BHYT để bảo đảm bình đẳng, cùng một
mức giá giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT, chỉ khác về
chi trả: Người có thẻ BHYT do quỹ BHYT chi trả (trừ phần đồng chi trả
của một số đối tượng và một số dịch vụ, thuốc, vật tư không thuộc phạm
vi thanh toán của quỹ BHYT); người không có thẻ BHYT phải tự trả tiền.
Khi đó người dân sẽ thấy lợi ích của BHYT để tham gia BHYT.
Ngoài ra, Bộ Y tế và Bộ Tài chính tiếp
tục hoàn thiện để ban hành thông tư quy định khung giá tính đầy đủ các
yếu tố chi phí để áp dụng cho các đối tượng khám, chữa bệnh theo yêu
cầu.
Vậy, khi giá dịch vụ y tế tiến gần đến việc tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá, tỷ lệ người dân tham gia BHYT cũng đạt ở mức cao (hiện nay là trên 80%), Bộ Y tế sẽ giám sát các BV như thế nào để người bệnh không phải nằm ghép, cũng như không phải đóng các khoản tiền “khó nói” ngoài viện phí?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Bộ Y tế sẽ thực hiện nghiêm, đầy đủ việc kết nối dữ liệu khám, chữa bệnh giữa cơ sở y tế và cơ quan BHYT. Đồng thời, công khai, minh bạch quyền lợi của người có thẻ BHYT để người dân biết và kiểm soát.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ” ở giai đoạn mới này, là người đứng đầu ngành y tế, Bộ trưởng có thể cho biết những dự kiến về bước tiến mới của ngành trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến:
Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo Chính phủ, Quốc hội để hoàn chỉnh
hệ thống các luật, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật
theo thẩm quyền để hoàn thiện thể chế, cơ chế hoạt động của ngành y tế
trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạo hành lang
pháp lý để các đơn vị hoạt động, cũng như thu hút các nguồn lực xã hội
đầu tư cho y tế.
Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh việc đổi mới phong
cách, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế, tiếp tục thực hiện các
giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng sự hài lòng của người
bệnh.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế trò chuyện với người dân trong chuyến thị sát tại BV Nội tiết Trung ương. Ảnh: VGP/Thúy Hà
|
Trăn trở với ngành
Bộ trưởng đang ấp ủ những ý tưởng nào trong chỉ đạo, điều hành để toàn ngành thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong năm tới?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong
thời gian vừa qua, tôi đã đi hết 63 tỉnh, thành phố, nhiều nơi đến 2, 3
lần để tìm hiểu hoạt động của các trạm y tế xã, trung tâm y tế/BV
huyện, trung tâm dân số, các trung tâm y tế, BV tuyến tỉnh và thấy rằng,
ngoài những kết quả, thành tích đã đạt được, ngành y tế vẫn còn một số
vấn đề sau cần phải tập trung chỉ đạo giải quyết.
Thứ nhất, hiệu quả hay công suất hoạt
động của các cơ sở y tế tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu, nên người dân
phải lên tuyến trên, vừa tốn kém, lãng phí, vừa làm quá tải tuyến trên.
Thứ hai, mặc dù chúng ta nói phòng bệnh
hơn chữa bệnh, nhưng cả người dân và hệ thống y tế vẫn chưa thực hiện
tốt chủ trương này cũng như tư tưởng có bệnh mới chữa vẫn còn. Nhiệm vụ
của ngành y tế là làm thế nào để mọi người dân và toàn xã hội đều hiểu
là phải nâng cao ý thức, tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe trước, thực hiện
tốt công tác phòng bệnh, dự phòng tích cực.
Thứ ba, chúng ta có hệ thống hơn 11.000
trạm y tế xã, nhưng chưa có cơ chế hoạt động hiệu quả. Trong thời gian
tới, phải đổi mới toàn diện hoạt động của trạm y tế xã để làm tốt công
tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phấn đấu để mọi người dân đều phải được
theo dõi và quản lý sức khỏe ngay tại trạm y tế xã.
Thứ tư, là cơ chế quản lý các đơn vị sự
nghiệp, đặc biệt là các BV cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, không thể
để tư duy quản lý BV thời bao cấp trong khi chúng ta đang xây dựng nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. BV phải xanh-sạch-đẹp,
là cơ sở để cung cấp dịch vụ, để phục vụ người bệnh, chứ không phải là
nơi ban ơn cho người bệnh.
Thứ năm, là BHYT toàn dân. Với một xã
hội phát triển thì tôi mong ước rằng mọi người dân đều có BHYT, khi đi
khám, chữa bệnh chi phí do BHYT chi trả. Người nào không có khả năng mua
BHYT thì Nhà nước mua hoặc hỗ trợ, người có khả năng kinh tế thì phải
tự bỏ thu nhập, tiền túi để mua BHYT.
Còn nhiều vấn đề nữa, nhưng tôi nghĩ
rằng không thể làm ngay hết được. Chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo quyết
liệt, theo đúng phương châm: "Chủ trương một, biện pháp mười", tăng
cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp mà Bộ Y
tế đã đưa ra.
Trân trọng cám ơn Bộ trưởng!
Thúy Hà - chinhphu.vn