Trong nửa năm qua, có thể nói là một thời kỳ đầy biến động của ngành y tế. Đã có
rất nhiều vụ việc gây “chấn động” toàn xã hội như việc ăn bớt vắcxin tại Hà Nội,
vụ ba trẻ tử vong sau tiêm vắcxin ở Quảng Trị và gần đây nhất là việc gian dối
trong kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức...
Tại hội nghị Sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và
kế hoạch năm 2014, các phóng viên đã có dịp trao đổi với phó giáo sư Phạm Lê
Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế về những thành
tựu cũng như hạn chế còn tồn tại dẫn đến những sai sót không đáng có như trên.
- Xin Thứ trưởng cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành y tế đã đạt được những kết
quả đáng ghi nhận nào?
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn: Phải nói rằng trong thời gian vừa qua, toàn ngành y tế
từ Trung ương tới địa phương, giữa Bộ Y tế với các bộ ngành khác cũng như là cấp
ủy Đảng chính quyền địa phương có những nỗ lực rất lớn trong công tác y tế.
Thành tựu điển hình nhất đó là sự phối hợp của Bộ Y tế với các bộ ngành khác cũng như
các địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ, trình Chính phủ ban hành những văn
bản hết sức quan trọng, trong đó có chiến lược chăm sóc sức khỏe bảo vệ nhân
dân. Đặc biệt là đề án giảm tải bệnh viện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đề án
luân phiên, phát triển y tế biển đảo, đề án phát triển bảo hiểm y tế toàn dân...
đang được triển khai.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng ban hành các quyết định triển khai thực hiện đề án
bệnh viện vệ tinh, bác sỹ gia đình. Hiện nay, Bộ Y tế đang tập trung thực hiện
đề án tăng cường y tế cơ sở và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như việc
quy hoạch các bệnh viện tuyến Trung ương. Đó là những văn bản hết sức quan
trọng. Trên cơ sở những văn bản đó để tạo ra khung pháp lý nhằm thực hiện việc
nâng cao chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tốt hơn.
Về y tế dự phòng, vấn đề giám sát dịch bệnh thời gian qua được triển khai rộng
rãi trên toàn quốc, từ vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo cho tới tất cả
các vùng miền của toàn quốc. Những việc giám sát trên được thực hiện đồng bộ dẫn
tới việc đạt được kết quả tốt, không để dịch bệnh lớn xảy ra, kể cả những dịch
bệnh mới như là H7N9...
- Sau một năm tại nhiều cơ sở y tế triển khai việc tăng giá viện phí, Thứ trưởng
có đánh giá như thế nào về vấn đề nâng cao chất lượng khám chữa bệnh?
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn: Trong thời gian vừa qua, công tác khám chữa bệnh đã có
nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc cải tiến quy trình tại khoa khám bệnh, đầu tư
nâng cấp để các cơ sở khám chữa bệnh được tốt hơn. Những điều đó góp phần làm
giảm những bức xúc của người bệnh phải chờ đợi quá lâu ở các cơ sở khám chữa
bệnh.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Thông tư 04 về điều chỉnh giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện theo đúng
quy định của Chính phủ trong lộ trình thực hiện tại các địa phương. Đây là
một điều kiện để thực hiện tốt hơn nữa quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế.
Bởi giá dịch vụ đó là căn cứ để bảo hiểm y tế thanh toán - đây là một điều kiện
rất tốt để người có thẻ bảo hiểm y tế được nâng thêm quyền lợi và những cơ sở y
tế có thêm chi phí để tăng nguồn thu, cải thiện cơ sở vật chất nhằm nâng cao
chất lượng khám chữa bệnh.
Phó giáo sư Phạm Lê
Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
- Những thành tựu của ngành y tế trong thời gian qua rất đáng ghi nhận. Tuy
nhiên, những sai phạm trong lĩnh vực y tế vẫn còn tồn tại, ông có thể cho
biết ý kiến của mình về những sự cố trong ngành y tế xảy ra trong thời gian vừa
qua?
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn: Ngành y tế là một ngành hết sức nhạy cảm, bởi nó liên
quan trực tiếp tới con người và tính mạng của từng cá nhân.
Liên quan đến những sai sót, thời gian vừa qua đã xảy ra một số sự việc
như sự việc ba trẻ bị tử vong sau khi tiêm vắcxin. Đây là một lỗi kỹ thuật
rất nghiêm trọng, chưa bao giờ xảy ra và rất hy hữu trong ngành y.
Thứ hai là vụ xét nghiệm ở Bệnh viện huyện Hoài
Đức. Đây là sự việc rất đáng tiếc và là điều mà chúng tôi không thể ngờ là
lại có thể xảy ra như thế.
Theo tôi, có một thách thức rất lớn đối với ngành y tế đó là nhu cầu chăm sóc
sức khỏe và cái yêu cầu đòi hỏi của xã hội ngày một cao, trong khi đó điều kiện
và nguồn lực cũng như khả năng của ngành y tế còn có hạn. Mặc dù chúng ta đã nỗ
lực rất nhiều trong những năm qua, tuy nhiên vẫn còn có những vấn đề không may,
rất đáng tiếc xảy ra và đó là những trường hợp hết sức đau lòng đối với ngành y
tế.
Thời gian vừa qua, ngành y tế cũng có một hạn chế rất lớn. Đó là việc cung cấp thông tin tới các cơ quan
truyền thông chưa kịp thời. Do vậy, chúng tôi chưa tranh thủ được sự đồng
thuận và sự cảm thông của xã hội.
- Với những cá nhân có vi phạm để xảy ra những hậu quả rất đáng tiếc
như trên, là cơ quan chủ quản, ông có thể cho biết, Bộ Y tế sẽ xử lý
những cá nhân vi phạm
trên như thế nào?
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn: Trước hết, với những việc trong phạm vi, trong thẩm
quyền của Bộ Y tế thì sẽ triển khai tìm rõ nguyên nhân.
Bởi vì bất cứ việc gì cũng vậy, người vi phạm phải nhận thức việc đó là do chủ
quan của mình hay không.
Khi chúng tôi điều tra và phát hiện nếu như sai phạm do chủ quan của cá nhân y,
bác sỹ đó thì trước hết Bộ Y tế sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm do chủ
quan của mình gây nên do việc không tuân thủ các quy định của ngành y tế.
- Theo Thứ trưởng, thời gian tới ngành y tế có động thái gì để khắc phục những
sai phạm trên?
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn: Về thái độ của ngành y tế trong việc khắc phục những
sai phạm cũng như là quá trình triển khai cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe
cho người dân thì một trong những biện pháp quan trọng nhất là chúng tôi sẽ phải
luôn luôn tự kiểm tra và nhấn mạnh công tác kiểm tra.
Trong thời gian vừa qua, công tác kiểm tra cho thấy có một số đơn vị và địa
phương chưa quan tâm đầy đủ tới công tác này. Với những trường hợp như vậy, thái
độ của ngành y tế là hết sức kiên quyết trước những sai phạm cần phải xử lý
nghiêm, nhưng đồng thời cũng khuyến khích một số nơi đã có nhiều hành động tích
cực trong công tác đảm bảo sức khỏe của nhân dân.
Để tăng cường công tác giám sát, vừa qua, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ban hành văn bản đề nghị các
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh chỉ đạo Sở Y tế cũng như các sở ban ngành tiếp
tục thực hiện công tác kiểm tra giám sát để những chủ trương chính sách được
thực hiện tốt hơn, trong đó có cả vấn đề xã hội hóa.
Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ quan tâm hơn nữa tới vấn đề này và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát./.
Thùy Giang /Vietnam+