Thứ Hai, 25/11/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 24/3/2023 10:23'(GMT+7)

Bồi đắp bản lĩnh, văn hóa ứng xử thanh lịch của nghệ sĩ

Đoàn nghệ sĩ của Hà Nội giao lưu, biểu diễn phục vụ bộ đội Trường Sa năm 2022. (Ảnh: Minh Ánh/qdnd.vn)

Đoàn nghệ sĩ của Hà Nội giao lưu, biểu diễn phục vụ bộ đội Trường Sa năm 2022. (Ảnh: Minh Ánh/qdnd.vn)

Văn hóa ứng xử của mỗi người được hình thành từ nền tảng giáo dục và những tri thức, phông nền văn hóa được tích từ nhiều năm học hỏi. Với nghệ sĩ, văn hóa ứng xử còn thể hiện ở việc giữ gìn hình ảnh, lối sống và đạo đức nghề nghiệp. Khi Việt Nam hiện nay tồn tại cả “văn hóa thần tượng” thì cách hành xử của nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng trong việc xây dựng lối sống đẹp. Điều này cho thấy, nghệ sĩ khi đã trở thành người của công chúng thì họ càng cần phải tự ý thức trách nhiệm nhiều hơn trong việc giữ gìn hình ảnh, chuẩn mực trong lời nói và ứng xử với đồng nghiệp, những người xung quanh.

BÁO ĐỘNG NHỮNG HÀNH VI LỆCH CHUẨN

Thời gian qua, với sự phát triển nhanh chóng của internet và mạng xã hội, nhiều nghệ sĩ đã có những cách thức đến gần hơn với công chúng thông qua việc chia sẻ không chỉ các hoạt động nghệ thuật mà còn cả các hoạt động xã hội, cuộc sống cá nhân... Nhiều nghệ sĩ đã biết tận dụng lợi thế của mình để quảng bá hình ảnh cá nhân, thương hiệu sản phẩm mà mình làm đại diện, tuyên truyền, lan tỏa các hoạt động thiện nguyện. Mạng xã hội trở thành cầu nối để nghệ sĩ đến gần hơn với công chúng và được công chúng ngày càng tin tưởng, quý trọng.

Tuy nhiên, một số nghệ sĩ đã lợi dụng mạng xã hội để có những hành vi, lối ứng xử kém văn hóa, đi lệch với chuẩn mực của văn hóa ứng xử văn minh mà người nghệ sĩ cần có.

Hiện tượng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử của nghệ sĩ trên mạng xã hội được biểu hiện qua những xu hướng cơ bản:

Một là, sử dụng những lời lẽ thô tục, vô văn hóa trên mạng xã hội để gây sự chú ý nhằm “câu like”, “câu view”, tăng tương tác trên mạng xã hội. Thậm chí, có một số nghệ sĩ livestream để “bóc phốt” đồng nghiệp, chửi bới, đe dọa, xúc phạm, miệt thị, công kích lẫn nhau vì sự ghen ghét, đố kỵ cá nhân... Những video livestream của một số nghệ sĩ thường thu hút đông đảo người xem, phần đông vì tò mò, hiếu kỳ, song hầu như đều ngán ngẩm, phẫn nộ trước những ứng xử kém văn hóa của họ.

Hai là, sử dụng thông tin chưa được kiểm chứng để đăng lên trang cá nhân nhằm gây sự chú ý của nhiều người hoặc có những nghệ sĩ lợi dụng uy tín, tầm ảnh hưởng của bản thân đưa ra các phát ngôn gây “sốc”, tạo tâm lý hoang mang trong dư luận.

Ba là, có những phát ngôn, chiêu trò quảng cáo quá đà các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đúng sự thật; hay đăng tải những bài viết có nội dung thiếu khoa học, chưa được kiểm chứng... 

Có lẽ chưa bao giờ, văn hóa ứng xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội lại đáng báo động như hiện nay. Những phát ngôn phóng túng theo kiểu văn hóa “chợ búa” trên không gian mạng đã khiến nhiều nghệ sĩ mất điểm trong lòng công chúng. Trong khi đó, nghệ sĩ là những người làm văn hóa, tạo nên các tác phẩm nghệ thuật, lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn. Lời nói, ngôn ngữ vốn là “cái vỏ vật chất của tư duy” nên hiện tượng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử của một số văn nghệ sĩ trên không gian mạng thời gian qua là một chỉ báo cho thấy cả nhận thức, đạo đức và lối sống của họ đáng báo động.

Công chúng vốn là những người luôn theo sát hoạt động của các nghệ sĩ, kể cả trong đời sống thực tiễn và trên không gian mạng nên thời gian qua, có không ít nghệ sĩ đã phải “trả giá” cho những lời nói, hành vi lệch chuẩn của mình. Có những nghệ sĩ có tên tuổi, có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, thậm chí làm cán bộ lãnh đạo, quản lý nhưng đã bị cách chức vì các phát ngôn thiếu chuẩn mực trên trang cá nhân. Có không ít nghệ sĩ bị xử phạt vì đăng tải những thông tin thiếu kiểm chứng... Có lẽ, hình phạt nặng nhất đối với nghệ sĩ là sự coi thường, mất niềm tin của người hâm mộ dành cho các nghệ sĩ. Mặc dù đã có lời xin lỗi, thanh minh nhưng không thể dễ dàng khỏa lấp sự mất niềm tin, yêu mến của công chúng đối với không ít nghệ sĩ. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người hâm mộ đã đề nghị với các cơ quan quản lý phải có hình thức mạnh tay, cương quyết kiểu “phong sát” giống như nhiều quốc gia khác đối với những nghệ sĩ có lối ứng xử lệch chuẩn.

BỒI ĐẮP BẢN LĨNH NGHỆ SĨ, NGHỆ THUẬT

Là những “chiến sĩ” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, người nghệ sĩ chân chính có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Để phát huy truyền thống vẻ vang của nền văn nghệ cách mạng mà các nghệ sĩ đi trước dày công xây dựng cũng như khắc phục những khuyết tật, hạn chế trong đời sống nghệ thuật thời gian qua, nhất là những hành vi lệch chuẩn của một số nghệ sĩ, có lẽ đã đến lúc các cơ quan, ban, ngành, những người có trách nhiệm cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết, mỗi nghệ sĩ cần phải ý thức sâu sắc về sứ mệnh, thiên chức nghệ thuật cao cả, thiêng liêng mà mình đang đảm trách; phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn; kiên trì, nỗ lực trong sáng tạo, trình diễn; tích cực thâm nhập cuộc sống để hiểu rõ cuộc đời cũng như tâm lý, nhu cầu của công chúng.

Trong bối cảnh hiện nay, mỗi nghệ sĩ cần thực hiện tốt nghĩa vụ, quyền hạn của người công dân, tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật, có lối sống lành mạnh, trong sáng; có ứng xử phù hợp với quy tắc, chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, xã hội; gương mẫu thực hiện tốt hai bộ quy tắc ứng xử (Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng) - là một trong những nội dung của nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" đặt ra.

Thứ hai, với các bộ, ngành trực tiếp quản lý hoạt động sáng tạo nghệ thuật, các cấp hội văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương cần nắm bắt tốt tâm tư, nguyện vọng của anh em nghệ sĩ. Làm tốt công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp, ý thức công dân cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Đặc biệt, cần phát hiện kịp thời những tư tưởng, hành vi lệch chuẩn, vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, chuẩn mực nghề nghiệp của một số nghệ sĩ để uốn nắn, chấn chỉnh và nghiêm khắc xử lý, tránh các hiện tượng, vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Thứ ba, trong bối cảnh internet phát triển mạnh mẽ, để có bản lĩnh nghệ thuật trong không gian mạng, hơn ai hết, nghệ sĩ - người của công chúng phải có kiến thức về công nghệ thông tin, làm chủ thông tin, hiểu biết pháp luật, tuân thủ quy tắc ứng xử văn hóa trên không gian mạng. Phải cẩn trọng, suy nghĩ trước khi phát ngôn, bình luận, khi chia sẻ thông tin, hình ảnh với công chúng. Người nghệ sĩ phải lường trước được kết quả, hậu quả và phải chịu trách nhiệm trước dư luận, công chúng và pháp luật về những hành vi, suy nghĩ của mình.

Để tránh những hiện tượng đáng tiếc xảy ra, các cơ quan, ban, ngành cần phối kết hợp chặt chẽ trong việc định hướng, kiểm soát, thẩm định thông tin; có các phản hồi, cảnh báo cho người “đưa tin” và người tiếp nhận về những nguy cơ mất an toàn thông tin; kịp thời gỡ bỏ thông tin xấu độc trên môi trường mạng, tránh những cuộc “khủng hoảng thông tin”, những “rác văn hóa” trên không gian mạng đến từ hành vi kém văn minh của một số người dùng, trong đó có nghệ sĩ.

Lao động nghệ thuật là một hành trình, một nghề đòi khỏi sự khổ luyện của nghệ sĩ để tạo ra những giá trị tốt đẹp cho con người và xã hội. Sức ảnh hưởng của nghệ sĩ với công chúng là ở những tác phẩm đỉnh cao, ở sự nghiêm túc, cẩn trọng, hết mình với nghệ thuật. Để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy nền nghệ thuật nước nhà phát triển, tài năng, phẩm chất của người nghệ sĩ có vai trò đặc biệt quan trọng.

Nghệ thuật phải hướng đến số đông quần chúng, vì lợi ích chung của cộng đồng; không thể mượn danh nghệ thuật, uy tín của nghệ sĩ để vụ lợi. Mỗi nghệ sĩ cần vượt qua giới hạn chật hẹp của cuộc sống cá nhân, suy nghĩ về các vấn đề lớn của vận nước, về những phận người để có những tác phẩm, vở diễn xứng tầm với niềm tin tưởng, kỳ vọng của nhân dân./.

Nghệ sĩ Nhân dân TRẦN QUỐC CHIÊM
Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội

(Nguồn: qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất