Chủ Nhật, 24/11/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 10/3/2023 10:24'(GMT+7)

Tích cực thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”

XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA LÀ NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG, THƯỜNG XUYÊN, LÂU DÀI

Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), ngày 21/6/2022, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” và Bộ “Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam”.

Có thể khẳng định, lễ phát động phong trào thi đua là hoạt động rất có ý nghĩa đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và triển khai Kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra cuối năm 2021.

Ngay sau lễ phát động phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực thực hiện phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí.

Xác định nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài đối với Hội Nhà báo các cấp, nhất là các cơ quan báo chí và người làm báo, coi đây là động lực thúc đẩy sự phát triển cơ quan báo chí và tổ chức hội các cấp, thực hiện Kế hoạch số 154-KH/BTGTW ngày 10/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc phát động và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” trong thời gian qua, Tổ chức Hội từ Trung ương đến địa phương đã tập trung chỉ đạo, quán triệt tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”; xây dựng kế hoạch và tổ chức ký kết cam kết thực hiện Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa, cấp hội văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam. Các cấp Hội đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động thiết thực, có sức lan tỏa trong đời sống báo chí.

Ngày 21/6/2022, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quyết định số 70a/QĐ-HNBVN, ban hành Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội triển khai thực hiện phong trào xây dựng môi trường văn hóa cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam ở cơ sở. Ngày 30/6/2022, Thường trực Hội ban hành Công văn số 161a/CV-HNBVN về việc hướng dẫn triển khai phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”.

Trên cơ sở vị trí, vai trò, chức năng của tổ chức Hội, Hội Nhà báo Việt Nam kịp thời xây dựng, định hướng mục tiêu phong trào thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp Hội. Với sự chỉ đạo, điều hành sát đúng của lãnh đạo tổ chức Hội, sự hưởng ứng mạnh mẽ của hội viên, sức mạnh đoàn kết, đồng thuận được nhân lên, tạo nên những kết quả hết sức to lớn trong hoạt động báo chí, hoạt động Hội.

Trung ương Hội đã phân công Ban Công tác Hội là đơn vị thường trực giúp việc Thủ trưởng Cơ quan Trung ương Hội; hướng dẫn, động viên các cơ quan báo chí, các cấp Hội tích cực tham gia phong trào, ký kết giao ước thi đua và triển khai thực hiện. Có 94 đơn vị đã nộp bản cam kết, trong đó: 37 Hội Nhà báo tỉnh/thành phố, 6 Liên chi hội và 51 Chi hội trực thuộc. Hội tiến hành xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Quy chế thay thế Quy chế thi đua, khen thưởng năm 2018, đưa nội dung văn hóa báo chí, văn hóa người làm báo vào tiêu chuẩn bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm, trao tặng danh hiệu thi đua nhằm biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt.

Các cấp Hội Nhà báo tích cực triển khai thực hiện, tổ chức lễ phát động thi đua trong cơ quan báo chí, ký kết giao ước thi đua trong các chi hội, câu lạc bộ nhà báo, người làm báo trực thuộc; tăng cường đưa nội dung văn hóa báo chí vào các buổi sinh hoạt hội, hội nghị, hội thảo, đào tạo, bồi dưỡng chính trị, đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều đơn vị tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện Phong trào thi đua như: Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng; Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Kon Tum, Trà Vinh, Vĩnh Long; Liên Chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân, Chi hội Nhà báo Báo Nông thôn ngày nay, Chi hội Nhà báo Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Thanh tra... Đặc biệt, Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo báo chí với chủ đề “Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và Người làm báo văn hóa” thu hút sự tham gia trao đổi của nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài địa phương, các cơ quan quản lý báo chí của tỉnh. Đây là một trong những hình thức nhằm cụ thể hóa việc phát động phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” góp phần nhân lên những giá trị tiến bộ, nhân văn trong hoạt động báo chí của Bắc Giang nói riêng và người làm báo trong khu vực các tỉnh phía Bắc nói chung. Từ đó, nhân rộng ra cả nước, động viên, khích lệ mỗi tòa soạn báo phấn đấu trở thành những điểm sáng về văn hóa, đồng thời góp phần tăng cường, nâng cao “sức đề kháng” của cơ quan báo chí chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài xã hội.

Cùng với việc tiếp tục thực hiện 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, việc triển khai phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” trong thời điểm hiện nay là một cách thức nhằm chấn chỉnh, siết chặt kỷ cương, góp phần giúp mỗi cơ quan báo chí, người làm báo tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong “sứ mệnh của người cầm bút”.  

 Đội ngũ những người làm báo trong cả nước bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao với chủ trương của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin-Truyền thông, Báo Nhân Dân và Hội nhà báo Việt Nam đã phối hợp phát động thi đua xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa, môi trường văn hóa tiêu biểu, lành mạnh xứng đáng với vị trí,vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng, niềm tin của nhân dân. Đây có thể coi là nguồn sinh lực mới tiếp thêm sức bật cho những người làm báo vượt qua những khó khăn trở ngại.

CHUYỂN BIẾN RÕ RỆT TẠI CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ HÀ NỘI

Từ ngày 1/8/2022, các cơ quan báo chí Hà Nội đã tổ chức phát động thi đua trong toàn thể hội viên, phóng viên, từng hội viên cam kết thi đua thực hiện tốt 12 tiêu chí đã đề ra. Ngày 10/8/2022, Hội nhà báo Thành phố tổ chức ký giao ước thi đua giữa 9 Liên chi hội, Chi hội và sau 4 tháng triển khai đã có những chuyển biến rõ rệt. Không có phóng viên, hội viên nào vi phạm Luật báo chí và 10 điều đạo đức người làm báo; không còn đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến hội viên vi phạm pháp luật hay lợi dụng hoạt động nghiệp vụ để sách nhiều tiêu cực, thiếu văn hóa; không còn những sai sót như: khai thác đời tư quá mức, viết sai lệch bản chất chất vấn đề, liên kết các báo hạ uy tín doanh nghiệp...vv. Có thể coi đây là những tín hiệu đáng mừng một bước tiến mới được khơi dậy đúng lúc từ nhiều chương trình in đậm chất nhân văn và sự tử tế đã có từ vài chục năm trước như: “Địa chỉ cho những tấm lòng từ thiện”, “Bầu ơi thương lấy Bí cùng” , “Trái tim cho em”, “Áo ấm biên cương”, “Xây mới điểm trường vùng cao”...của các cơ quan báo chí Hà Nội kịp thời hỗ trợ hàng trăm trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người gìà cô đơn, đồng báo vùng bị bão lũ thiên tai có cuộc sống bình ổn. Hay như trong hơn 2 năm phòng chống đại dịch COVID-19 đã có hàng trăm phóng viên, hội viên sẵn sàng đi vào tâm dịch và mọi điểm nóng, hàng chục hội viên phải cách ly với cơ quan, gia đình, người thân do yêu cầu y tế nhưng vẫn tự nguyện dấn thân, lạc quan, chủ động khắc phục khó khăn, lao động báo chí hết mình để có nhiều tác phẩm mang lại niềm tin cho nhân dân, phản bác hiệu quả mọi luận điệu vu cáo, xuyên tạc đường lối chính sách, giải pháp, hiệu quả chống dịch của Đảng, Chính phủ và các cấp chính quyền cơ sở. Rõ ràng báo chí nhân văn, tử tế không chỉ thực hiện đúng chức trách, tôn chỉ mục đích hoạt động theo pháp luật và các quy định nghề báo mà còn là môi trường, động lực, cơ hội cho hội viên phấn đấu rèn luyện trưởng thành. Rất nhiều người từng mắc sai phạm ít nhiều đến nay đã tiến bộ trở thành phóng viên giỏi nghề, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, có người được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Chính nền tảng văn hóa, bề dày văn hiến của Thăng Long-Hà Nội đã tạo nguồn lực thuận lợi, chất xúc tác tiềm tàng cho anh chị em nỗ lực phấn đấu, tự vượt lên chính mình, sống tử tế với đồng nghiệp, nhân dân, cống hiến tài năng cho Thủ đô và đất nước. Bởi mỗi người đều hiểu rằng báo chí muốn tồn tại, muốn phát huy hiệu quả vị trí, vai trò của mình phải xây dựng được niềm tin với công chúng, người làm báo phải thực sự là người tử tế, đạo đức và nhân văn. Đây là những giá trị cốt lõi của người cầm bút, khi đảm nhận sứ mệnh thiêng liêng là định hướng dư luận, tạo diễn đàn dân chủ cho các tầng lớp nhân dân, là tiếng nói của Đảng. Muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, góp phần làm lành mạnh xã hội, phát hiện cái mới, đề cao lòng tốt và những giá trị cao đẹp của con người khi biết cúi xuống trước những nỗi đau của nhân dân mình, biết rung động trước những mất mát đau thương của đồng bào ta...từng hội viên, phóng viên nhà báo không chỉ có tài năng, nghị lực,có tầm nhìn xa mà căn cốt hơn là đạo đức nhà báo cách mạng, biết trọng lẽ phải, thực sự là người tử tế, biết đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân.

  Để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, Hội nhà báo thành phố Hà Nội đã và đang tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao quan điểm cách mạng, đạo đức người làm báo Thủ đô trong tình hình mới. Tổ chức hiệu quả, có chiều sâu với các chỉ tiêu cụ thể phong trào thi đua xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Chủ động khai thác và nâng tầm thương hiệu các cơ quan báo chí Thủ đô thông qua việc tổ chức các hoạt động chuyên môn và xã hội. Lan tỏa những điều tốt đẹp, giá trị nhân văn từ những chương trình đã có dấu ấn trong xã hội và những chương trình mới đang được công chúng báo chí và xã hội quan tâm, qua đó bồi đắp niềm tin, sự tử tế và các giá trị đạo đức cho người làm báo Thủ đô, theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra.

Mở rộng và đa dạng các hình thức thông tin, trao đổi, bồi dưỡng nghiệp vụ trong ứng dụng công nghệ mới, tạo thuận lợi hơn về cơ chế chủ động cung cấp thông tin giữa các cơ quan quản lý báo chí, doanh nghiệp, cấp ủy chính quyền địa phương nhất là những nơi xảy ra vụ việc báo chí quan tâm, dư luận xã hội cần thông tin) đi đôi với xử lý mạnh với những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm 10 điều quy định đạo đức người làm báo.

Bùi Chí Tuệ
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất