Sáng 9/10, lễ trao giải cuộc thi Đại sứ Văn
hóa đọc Thủ đô 2016 đã được tổ chức tại khu di tích Hoàng Thành Thăng
Long, Hà Nội. Đây là cuộc thi nhằm góp phần xây dựng, giáo dục và nuôi
dưỡng tình yêu sách cho các em thiếu nhi Thủ đô trong thời đại hội nhập
và phát triển.
Sáng 9/10, lễ trao giải cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô 2016 đã được tổ chức tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội. Đây là cuộc thi nhằm góp phần xây dựng, giáo dục và nuôi dưỡng tình yêu sách cho các em thiếu nhi Thủ đô trong thời đại hội nhập và phát triển.
Nằm trong chuỗi sự kiện thuộc Hội sách Hà Nội năm 2016, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô do Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội, Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội, Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam và Hội Truyền thông thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức.
Diễn ra từ 1/6 đến 15/9/2016, sau hơn 3 tháng phát động,cuộc thi đã thu hút hơn 10.000 học sinh tiểu học, trung học cơ sở tại Hà Nội tham dự với hơn 1.000 bài dự thi bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Tại vòng chung khảo, Ban tổ chức đã chấm và lựa chọn được 20 Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô phần tiếng Việt cùng 5 Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô phần tiếng Anh. Những bài thi được chọn vào vòng chung khảo đều thể hiện sự xuất sắc trong ý tưởng, cách chọn sách, nội dung, kỹ thuật viết và khả năng sáng tạo như bài dự thi của em Lê Hà Thanh (huyện Phú Xuyên), em Nguyễn Vân Thuỳ Linh (quận Hoàn Kiếm), em Nguyễn Cảnh Thắng (quận Bắc Từ Liêm)...
Đặc biệt, hai thí sinh có bài viết xuất sắc nhất và thể hiện tốt nhất trong vòng phỏng vấn trực tiếp với ban giám khảo đã được lựa chọn làm Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu của Thủ đô. Theo đó, danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu Thủ đô phần tiếng Việt thuộc về em Nguyễn Vân Thùy Linh (sinh năm 2002, quận Hoàn Kiếm) với bài dự thi về cuốn tiểu thuyết lịch sử “Hồ Quý Ly” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu Thủ đô phần tiếng Anh thuộc về em Cao Mỹ Duyên (trường Tiểu học Lý Thái Tổ, quận Cầu Giấy) với bài dự thi về cuốn sách “Những tấm lòng cao cả” của nhà văn Edmondo De Amicis.
Là một trong hai thí sinh giành giải cao nhất của cuộc thi, em Nguyễn Vân Thùy Linh chia sẻ: “Niềm đam mê với sách lịch sử của em được bồi dưỡng ngay từ khi còn nhỏ thông qua những câu chuyện của bà và bố. Em thấy rằng mỗi phút giây mà chúng ta đang sống đều là lịch sử, vì vậy lịch sử không phải là những câu chuyện xa xôi và sách lịch sử cũng không phải là những cuốn sách khó đọc. Em rất vui và xúc động khi được trở thành đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu của Thủ đô, em sẽ cố gắng hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ của một Đại sứ là lan tỏa tình yêu sách đến cộng đồng, đặc biệt là tình yêu với sách lịch sử, để những kiến thức lịch sử ngày càng gần hơn với mọi người”.
Đánh giá chung về các bài dự thi gửi về cho ban tổ chức, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội chia sẻ, Ban giám khảo đã vô cùng bất ngờ trước sự chững chạc trong lối viết, sự sâu sắc trong suy nghĩ và sự hồn nhiên trong cảm nhận của các em.
Tuy nhiên, trong phần thi của một số em còn chưa biết phân bổ hợp lý cho 2 câu trong bài thi. Có những bài đầu tư nội dung, hình ảnh rất tốt cho câu 1 nhưng câu 2 lại không tương xứng hoặc ngược lại. Bên cạnh đó, cũng có những bài thi chưa bám sát yêu cầu, lạc đề, đi vào phân tích tác phẩm hoặc sa vào mô tả, giới thiệu về cuốn sách.
Năm 2016 là năm đầu tiên cuộc thi tìm kiếm Đại sứ văn hoá đọc Thủ đô được tổ chức. Số lượng và chất lượng những bài viết mà các em nhỏ gửi về chính là nền tảng củng cố niềm tin về ý nghĩa và mục tiêu tốt đẹp của cuộc thi, để cuộc thi tiếp tục được tổ chức và mở rộng ra nhiều tỉnh thành, nhân rộng điểm sáng về văn hóa đọc tại Việt Nam./.
Mai Linh/TTXVN