Chủ Nhật, 22/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 1/10/2016 22:6'(GMT+7)

Hà Nội lập bản đồ di sản văn hóa phi vật thể

(Ảnh: Sở VH&TT Hà Nội)

(Ảnh: Sở VH&TT Hà Nội)

Bản đồ di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) thành phố Hà Nội là ấn phẩm do Phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) liên kết thực hiện.

Sở VH&TT Hà Nội cho biết sau 2 năm triển khai (2014-2015), Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ DSVHPVT thành phố Hà Nội đã được thực hiện ở toàn bộ 386 xã, 177 phường, 21 thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô.

Kết quả, đã xác định, nhận diện 1.793 DSVHPVT phân bố ở nhiều quận, huyện, thị xã khác nhau trên địa bàn với nhiều loại hình khác nhau, gồm ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội-tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Tổng số xã, thị trấn có di sản ở Hà Nội là 509/584.

Căn cứ vào kết quả tổng kiểm kê, bảo vệ DSVHPVT, Sở VH&TT Hà Nội đề xuất đưa 276 DSVHPVT vào diện ưu tiên bảo vệ. Phần lớn các di sản ưu tiên bảo vệ đều nằm trong nhóm lễ hội (44,6%) và nghề thủ công (21,4%), nghệ thuật trình diễn (15,9%), tập quán xã hội (9,4%), tri thức dân gian (8,7%) và di sản truyền khẩu chỉ có 1, chiếm 0,4%.


Sau thành công của Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ DSVHPVT nói trên, cuốn Bản đồ DSVHPVT thành phố Hà Nội đã được hoàn thành.

Ngoài lời nói đầu và phụ lục, bản đồ có kết cấu 3 phần cơ bản. Phần đầu là Atlas trình bày tổng quan về các DSVHPVT của Hà Nội, tiêu chí để các di sản được xác định là DSVHPVT ưu tiên bảo vệ, điều kiện để các di sản được xác định là ưu tiên bảo vệ khẩn cấp…

Phần hai của bản đồ là những DSVHPVT tiêu biểu của Hà Nội với hình ảnh, chú giải cơ bản về các DSVHPVT đã được UNESCO vinh danh, gồm: Hội Gióng, Ca trù, Kéo co ngồi, Kéo mỏ và một số di sản đã được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia như: Hội làng Lệ Mật, Hội đền Hát Môn, Tri thức chữa bệnh bằng thuốc Nam của người Dao, Tiếng lóng và nghề đóng cối xay lúa, Hát Trống quân, Hát và múa Ải Lao, nghề thêu phục chế…


Phần ba là những tấm bản đồ tỉ lệ 1:10000 về hiện trạng các DSVHPVT ưu tiên bảo vệ trên địa bàn, bản đồ hiện trạng các DSVHPVT từng quận, huyện, thị xã ở Thủ đô…


Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát huy di sản văn hóa, nhìn vào bản đồ, người ta có thể thấy được một cách nhanh chóng trong 1.793 di sản phi vật thể của Hà Nội có bao nhiêu làng xã thờ Hai Bà Trưng, phân bố ở đâu... Như vậy, bản đồ là chỉ dẫn rất lý thú cho khách du lịch./.


Thanh Phương (baochinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất